Chuyên đề “Thu giữ tài sản của người dân, đúng và sai luật” - Kỳ 2:

Luật quy định quyền thu giữ tài sản của người dân với công an phường, xã như thế nào?

(Dân trí) - Việc bán hàng hóa trên vỉa hè là vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc lực lượng trật tự phường thu giữ hàng hoá ở vỉa hè mà không lập biên bản thu giữ là cũng trái với các quy định của pháp luật. Vậy trách nhiệm của lực lượng cán bộ đã thu giữ tài sản trong trường hợp này được xác định ra sao? Nếu như thu giữ mà không trả lại hoặc trả lại mà tài sản bị hư hại thì giải quyết như thế nào?

Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội nhận định: Để xác định trách nhiệm của lực lượng công an phường, xã trong trường hợp này, trước hết phải xác định các cá nhân thực hiện hành vi đã vi phạm các quy định pháp luật như thế nào?

Thứ nhất, về việc xác định hành vi vi phạm của từng cá nhân: Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Luật XLVPHC 2012 và Điều 66 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì:

- Đối với chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: được xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền trong lĩnh vực an ninh trật tự tối đa là đến 400.000 đồng.


Luật sư Phan Thị Lam Hồng.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng.

- Đối với Trưởng công an phường, xã: có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, tạm giữ hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt và có thẩm quyền áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả.

Như vậy, theo quy định này thì chỉ Trưởng công an phường, xã mới có thẩm quyền tạm giữ, tịch thu phương tiện vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh Công an xã năm 2008 thì: “… khi Trưởng Công an xã vắng mặt thì Phó Trưởng Công an xã được Trưởng Công an xã uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Công an xã”. Và theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 thì trong trường hợp “vắng mặt”, Trưởng Công an xã có thể “giao quyền” XPVPHC cho Phó Trưởng Công an xã chứ không phải “uỷ quyền” như trên.

Pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định giải thích rõ về hai thuật ngữ này nhưng dù là ủy quyền hay giao quyền thì việc tịch thu, tạm giữ phương tiện vi phạm chỉ có thể thuộc về Trưởng công an phường, xã hoặc Phó trưởng công an phường, xã.


Tài sản của người dân bị thu giữ phải tuận thủ đúng luật. (Ảnh: Minh Chiến)

Tài sản của người dân bị thu giữ phải tuận thủ đúng luật. (Ảnh: Minh Chiến)

Đối với công an viên, theo quy định tại Điều 13 của Pháp lệnh công an xã năm 2008 thì Công an viên thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Công an xã. Điều này có nghĩa là sẽ có hai trường hợp có thể xảy ra như sau:

+ Trường hợp 1: Nếu công an viên thực hiện việc tạm giữ, tịch thu phương tiện vi phạm mà không theo sự phân công của Trưởng công an phường, xã thì công an viên đó đã thực hiện công việc vượt quá thẩm quyền của mình. Và do việc thu giữ tài sản không được lập thành biên bản nên trong trường hợp này, Trưởng công an phường, xã cũng đã có sai phạm đó là không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình (không lập biên bản về việc tịch thu, tạm giữ phương tiện). Điều này có nghĩa là cả công an viên và Trưởng công an phường, xã đều có hành vi vi phạm các quy định pháp luật.

+ Trường hợp 2: Nếu công an viên thực hiện việc tạm giữ, tịch thu phương tiện vi phạm theo sự phân công của Trưởng công an phường, xã (sau đó đã bàn giao lại tài sản này cho cơ quan theo đúng quy định của pháp luật), hoặc Trưởng công an phường, xã hay Phó trưởng công an phường, xã (trong trường hợp được giao quyền) tự mình thực hiện việc thu giữ tài sản nhưng không lập biên bản thì sai phạm ở đây chỉ thuộc về Trưởng công an: không thực hiện đúng quy trình thu tạm giữ, tịch thu tài sản theo quy định của pháp luật.

Tất cả những hành vi vi phạm này đều bị xử lý theo quy định. Mức độ sai phạm và hình thức xử lý cụ thể sẽ được luật sư Phan Thị Lam Hồng phân tích với bạn đọc Dân trí trong kỳ tiếp theo.

Anh Thế (thực hiện)