Ba phút cùng luật sư:
Theo quy định mới, CSGT có thể dừng xe bất cứ lúc nào?
(Dân trí) - Thông tư 01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông có hiệu lực từ ngày 15/2. Trong đó, 2 quyền được dư luận quan tâm nhất là quyền dừng xe và trưng dụng tài sản.
PV: Thưa luật sư, nhiều người hiểu là theo thông tư 01/2016 mới ban hành, CSGT được quyền dừng xe bất cứ lúc nào họ muốn chứ không phải trong các trường hợp được quy định cụ thể. Ông nói sao về điều này?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh:
Đó là do họ hiểu sai bản chất của vấn đề. thông tư 01/2016 quy định quyền hạn của CSGT tại điều 5 là được dừng xe, nhưng để dừng xe thì còn các điều khoản khác, quy định các trường hợp cụ thể cho phép CSGT dừng xe. Theo đó, CSGT cũng chỉ được phép dừng xe trong 5 trường hợp cụ thể.
PV: 5 trường hợp cụ thể đó là gì thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh:
Các trường hợp CSGT được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát cũng được ghi rất rõ tại điều 12 của thông tư 01/2016.
- Thứ 1, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
- Thứ 2, thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên.
- Thứ 3, thực hiện kế hoạch, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng công an cấp huyện trở lên.
- Thứ 4 là có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự... Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
- Cuối cùng là phải có tin báo, tố giác tội phạm về hành vi vi phạm pháp luật và phương tiện tham giao thông.
PV: Một nội dung khác được quy định trong thông tư 01/2016 mà dư luận rất quan tâm là quyền trưng dụng tài sản của người dân. Mọi người rất lo ngại quyền này sẽ gây ảnh hưởng đến đời tư cá nhân và CSGT lạm quyền. Ông nghĩ sao về quyền này?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh:
Luật Trưng mua, trưng thu tài sản đã quy định rất rõ chỉ có Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh mới có quyền ra quyết định trưng thu, trưng mua theo các thủ tục rất chặt chẽ và quyền này không được phân cấp.
Do đó, cần xem xét lại quy định cho CSGT trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện liên lạc trong thông tư 01/2016 của Bộ Công an để không vi hiến và đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.
PV: Xin cảm ơn luật sư đã tư vấn cho bạn đọc Dân trí!
Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Ngọc Tiến (thực hiện)