Chuyên đề “Thu giữ tài sản của người dân, đúng và sai luật” - Kỳ 3:

Thu giữ tài sản không lập biên bản, công an xã phường phạm luật bị xử lý như thế nào?

(Dân trí) - Việc bán hàng hóa trên vỉa hè là vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc lực lượng trật tự phường thu giữ hàng hoá ở vỉa hè mà không lập biên bản thu giữ là cũng trái với các quy định của pháp luật. Vậy trách nhiệm của lực lượng cán bộ đã thu giữ tài sản trong trường hợp này được xác định ra sao? Nếu như thu giữ mà không trả lại hoặc trả lại mà tài sản bị hư hại thì giải quyết như thế nào?

Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội nhận định:

Theo như cách xác định hành vi vi phạm ở trên thì sai phạm trong việc tạm giữ, tịch thu tài sản của người bán hàng hóa trên vỉa hè có thể thuộc về công an viên hoặc Trưởng công an xã (hoặc Phó trưởng công an xã). Theo quy định tại Luật cán bộ, công chức và Pháp lệnh công an xã năm 2008 thì trưởng Công an xã thuộc các chức danh công chức cấp xã (không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp) còn công an viên không phải là cán bộ, công chức. Vì vậy, tùy từng đối tượng, việc xử lý hành vi vi phạm được xác định cụ thể như sau:

Một là, đối với Trưởng công an xã: Trong cả hai trường hợp đã phân tích ở trên trên, Trưởng công an xã đều có hành vi vi phạm đó là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ của mình.


Luật sư Phan Thị Lam Hồng.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng.

Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Nghị định 81/2013/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành Luật XLVPHC 2012 thì:

Điều 1. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.”

Như vậy, theo quy định này thì hành vi vi phạm của Trưởng công an xã sẽ không bị xử phạt hành chính theo quy định về xử lý vi phạm hành chính mà hành vi vi phạm này sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức do Trưởng công an xã là công chức cấp xã. Mà căn cứ theo quy định tại Luật cán bộ, công chức, viên chức thì công chức nếu có hành vi vi phạm sẽ có thể bị xử lý bằng một trong các hình thức đó là: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc (được quy định cụ thể tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP).

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ, hành vi vi phạm và hậu quả, Trưởng công an xã cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội phạm đó.

Cụ thể, nếu Trưởng công an xã thu giữ phương tiện, tang vật (hoặc để cho công an viên thu giữ) mà cố tình không lập biên bản, không ra quyết định thu giữ, không lập hồ sơ, tài liệu để xử lý theo pháp luật mà lại chiếm dụng tài sản đó hoặc tẩu tán tài sản đó thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 281 hoặc Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 BLHS 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Hai là, đối với công an viên: Trong việc thu giữ tài sản của những người bán hàng trên vỉa hè thì công an viên chỉ có hành vi vi phạm trong trường hợp đó là thực hiện việc thu giữ tài sản mà không theo sự phân công của Trưởng công an xã. Do thực hiện công việc không theo sự phân công của cấp trên nên trước hết, công an viên sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan về hành vi vi phạm của mình. Tức là, công an viên đã có hành vi thu giữ tài sản sẽ phải chịu sự kỷ luật theo quy định của cơ quan.

Bên cạnh đó, hành vi thu giữ tài sản của người khác không đúng thẩm quyền còn là hành vi trái quy định của pháp luật vì những người công an viên không có quyền nhưng vẫn thu giữ tài sản của chủ sở hữu trước mặt chủ sở hữu. Đây là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Vì vậy, công an viên cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Theo quy định tại Luật cán bộ, công chức thì công an viên không phải là cán bộ, công chức. Và tại Điều 42 Luật công an nhân dân năm 2014 cũng đã quy định:

“1. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, công nhân công an vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khoẻ, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”

Mặt khác, tại Điều 5 Luật XLVPHC 2012 cũng quy định về đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính đó là: Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác.

Như vậy, công an viên đã có hành vi thu giữ tài sản không đúng với các quy định của pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo hành vi đã thực hiện, mức độ vi phạm và hậu quả. Cụ thể như sau:

+ Trường hợp 1: Nếu không được giao nhiệm vụ mà công an viên vẫn thông báo với người bán hàng trên vỉa hè về việc được giao nhiệm vụ và tiến hành thu giữ tài sản (sau khi thu giữ không nộp về nơi tạm giữ theo quy định của pháp luật) thì hành vi của công an viên có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác.

Trong trường hợp giá trị tài sản bị công an viên thu giữ từ 2.000.000 đồng trở lên thì công an viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội xâm phạm chế độ sở hữu theo quy định của BLHS.

+ Trường hợp 2: Trường hợp không được giao nhiệm vụ mà công an viên vẫn thu giữ tài sản (không có thủ đoạn gian dối … khi tiến hành thu giữ) vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác thì công an viên đã thu giữ tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282 BLHS) nếu hành vi của công an viên gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.


Việc thu giữ tài sản của người dân phải được thực hiện đúng luật.

Việc thu giữ tài sản của người dân phải được thực hiện đúng luật.

Ngoài ra, trong trường hợp nếu công an viên cùng với Trưởng công an xã không lập hồ sơ, tài liệu để xử lý theo pháp luật mà lại chiếm dụng tài sản đó hoặc tẩu tán tài sản đó thì công an viên cũng có thể là đồng phạm của các tội danh được áp dụng đối với Trưởng công an xã.

Về việc bồi thường thiệt hại trong việc thu giữ tài sản mà để tài sản bị mất mát, hư hỏng ra sao, luật sư Phan Thị Lam Hồng sẽ phân tích đến bạn đọc Dân trí trong kỳ báo tiếp theo.

Anh Thế (thực hiện)