Bài 19:
Dư luận xã hội đặc biệt quan tâm vụ em học sinh bị kết tội “Cướp tài sản” kêu oan
(Dân trí) - Sau khi 2 cấp toà tại tỉnh Hà Tĩnh ra phán quyết kết tội em Lê Văn Khánh vừa học xong lớp 10 “Cướp tài sản” trong một vụ án còn nhiều uẩn khúc, Văn phòng Chính phủ, VKSND Tối cao cùng TAND Tối cao đã cùng lên tiếng yêu cầu làm rõ sự việc. Dư luận cả nước đang đặc biệt quan tâm đến lời kêu oan của em Khánh qua hàng ngàn bình luận gửi đến Báo Dân trí.
Sau khi xét xử cấp phúc thẩm, em Lê Văn Khánh vẫn bị tòa tuyên án 18 tháng tù giam về tội “cướp tài sản”. Gia đình, dư luận bạn đọc cũng như giới luật sư cho rằng vụ án còn tồn tại nhiều vấn đề: có dấu hiệu oan sai, vi phạm các nguyên tắc về tố tụng, bỏ lọt tội phạm và cần phải điều tra lại vụ án.
Luật sư Lê Thị Kim Soa, Công tác tại văn phòng luật sư Lê Trần (thuộc Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An) khẳng định hành vi của Lê Văn Khánh không cấu thành tội “Cướp tài sản”, bản án của hai cấp tòa đã tuyên là chưa đúng người đúng tội, chưa khách quan, công bằng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM chỉ ra rằng: Pháp luật hình sự Việt Nam quy định việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Do đó, việc điều tra, xử lý các vụ việc hình sự có liên quan đến người chưa thành niên phải được tiến hành hết sức thận trọng.
Trong trường hợp của Lê Văn Khánh, khi xét xử, nếu em Khánh phạm tội thật nhưng nếu không cần thiết phải áp dụng hình phạt thì Tòa án có thể áp dụng một trong các biện pháp tư pháp có tính giáo dục, phòng ngừa như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thì cho rằng cần khẩn trương xem xét lại vụ án: Phải đề nghị các đồng chí lãnh đạo TAND, VKSND Tối cao và cấp cao sớm quan tâm xem xét đơn kêu oan của Lê Văn Khánh và ý kiến của cơ quan báo chí đã thông tin về vụ án này nhằm sớm có kết quả trả lời trước công luận, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Rất mong vụ án Lê Văn Khánh kêu oan sớm được kiểm tra, xem xét lại.
Bị cáo Phạm Hồng Tuấn cho biết, Khánh không hề liên quan đến vụ án. Hơn nữa có nhiều nhân chứng chứng kiến vụ việc nhưng không được ra tòa làm chứng khiến các bị cáo gặp bất lợi.
Em Lê Văn Hoàng là người chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc nhưng không được mời ra làm chứng.
Sau khi nhận được đơn cầu cứu của gia đình em Lê Văn Khánh, ngày 16/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi TAND tối cao đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định.
Ngay sau khi có công văn của Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, TAND Tối cao đã yêu cầu TAND tỉnh Hà Tỉnh báo cáo về vụ án em Lê Văn Khánh bị kết án 18 tháng tù vì tội “Cướp tài sản” đang thu hút sự chú ý của dư luận cả nước.
Cùng đó, VKSND Tối cao đã có công văn yêu cầu VKSND Cấp cao tại Hà Nội và VKSND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra ngay vụ việc mà Báo điện tử Dân trí phản ánh liên quan đến vụ án của em Lê Văn Khánh (SN 1999, học lớp 11 Trường THPT Hàm Nghi) bị tuyên án 18 tháng tù.
Bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến vụ án, hàng nghìn bạn đọc Dân trí đã bày tỏ mong chờ các cơ quan Trung ương vào cuộc làm sáng rõ sự việc, nếu có oan sai phải trả tự do ngay cho em Khánh để em tiếp tục đến trường.
Bạn đọc Thì Thầm: “Tôi nghĩ các ngành tư pháp của huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh nên nghĩ về câu nói của Thủ tướng, nếu em học sinh đó là con em của mình thì sẽ có sự phán xét hợp tình hợp lý hơn, đừng buộc em vào đường cùng, em rất cần được giáo dục bằng tình thương hơn bằng bản án nghiêm khắc của tòa. Cứu em tránh những sai lầm trong tương lai mới là cách giáo dục hiệu quả nhất. Chẳng may, sau này em làm nghề xét xử, trời xui khiến sao em xử con em các vị thì sao nhỉ? Điều gì cũng có thể mà, dẫu không muốn nhưng cuộc sống vô thường ai biết trước gì đâu”.
Bạn đọc Hà Ngọc: “Cho mấy vị trong vụ án này đi đào tạo lại về chuyên môn để hiểu hơn về luật, xử cho đúng người, đúng tội. Cháu Khánh hãy cố gắng vượt qua cơn "bĩ cực" này, đừng có nghĩ quẩn mà làm điều dại dột, hại cho bản thân. Có rất nhiều người đang đồng hành ủng hộ Cháu đó. Cám ơn Văn phòng Chính phủ và Tòa án Tối cao đã vào cuộc kịp thời”.
Bạn đọc Võ Văn Huynh: “Đây là 1 em học sinh, nếu quả thât như vậy đề nghị VKSND Tối cao cần khẩn trương vào cuộc để em Khánh yên tâm học tập, nếu có dấu hiệu oan sai thì phạt thật nặng mấy ông cơ quan điều tra và cả cơ quan xét xử”.
Bạn đọc Ve Tin Vui: “Đáng lẽ ra Văn phòng Chính Phủ, Tòa án Tối cao phải vào cuộc vụ này sớm hơn nữa bởi báo Dân trí đã đưa tin từ rất lâu. Để thời gian dài thế này, thứ nhất ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của em Khánh, tâm trạng đầu óc đâu mà còn học được. Thứ hai là sẽ có sự phản ứng gay gắt từ dư luận, sự không tin tưởng vào pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đúng sai, trong sạch của người bị kết tội trước cơ quan tố tụng. Đặc biệt là tạo điều kiện cho những kẻ làm án sai có sự thách thức pháp luật, dư luận. Em Khánh à, tất cả chỉ vì em và gia đình có một tội là "nghèo"! em hãy cố gắng lên. Văn phòng Chính phủ và Tòa án Tối cao đã vào cuộc, ra tay thì em không phải lo sợ nữa và chắc chắn tất cả những con người và đơn vị liên quan đến việc xét xử oan sai cho em sẽ bị chính Pháp luật mà họ đang nắm quyền xử lý lại! Cố gắng lên em!”.
Chưa mở phiên xét xử, song 3 ngành đã họp và thống nhất kết luận Khánh có tội!
Bạn đọc Vũ Lê: “Cảm ơn báo Dân Trí đã đồng hành và hiểu được nỗi khổ của từng người dân, phản ánh sự thật khách quan mỗi sự việc, hiện tượng để các nhà làm luật, cũng như mọi người dân phân tích, mổ xẻ, xác định đúng sai nhằm xây dựng xã hội công bằng, thượng tôn pháp luật. Không để những kẻ mượn danh pháp luật, cố tình làm sai, oan cho người vô tội. Mong Tòa Tối cao sớm xem xét để Khánh yên tâm học tập và xử lý những cán bộ coi thường luật pháp đưa dân vào con đường tù tội”.
Bạn đọc Chi Tam: “Theo tôi, nếu phát hiện có sự oan sai thật sự thì không những phải xóa án cho cháu Khánh, mà còn phải kỷ luật nghiêm khắc đối với những người "nhân danh công lý" đã làm bậy, dù đó là do non nớt về nghiệp vụ, chứ chưa nói là "cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng" cho một cuộc đời, một số phận của cháu bé”.
Bạn đọc Suluong: “VKS và Tòa án Tối cao cần xem lại trình độ nghiệp vụ và có thể là cả phẩm chất, năng lực của các cơ quan tố tụng ở Hà tĩnh thế nào vụ này bị can, bị hại, nhân chứng khai rất rõ ràng về Khánh, nhưng vẫn cứ xử và kết tội Khánh. Trong vụ này Khánh không cùng chung ý chí, không cùng chúng hành động, không được ăn chia, việc Khánh cầm tiền cho Tuấn là ngẫu nhiên khi Khánh xuất hiện và đã đưa lại ngay cho Tuấn. Thế mà cũng kết tội Khánh”.
Bạn đọc Pham Dzoonl: “Tôi không biết tòa xử hai cấp của Hà Tĩnh căn cứ vào những tình tiết nào mà tuyên xử em Khánh 18 tháng tù giam về tội "cướp giật tài sản". Theo nhiều nguồn tin cũng như báo đài phản ảnh, và bản thân nghiên cứu nhiều tình tiết trong vụ án nầy có nhiều yếu tố "cho qua" của người thi hành luật khi trong vụ án nầy. Mặt khác, pháp luật Việt Nam với quan điểm răn đe và phòng ngừa chung, và giáo dục là chính chứ không phải là giam cầm, bắt bớ, với lại em Khánh là trẻ vị thành niên mới 16,17 tuổi thì chưa hiểu hết được như thế nào hành vi vi phạm pháp luật một cách chuẩn mực. Các ngành thực thi pháp luật của Hà Tĩnh không khéo để lại hệ lụy cho em Khánh nhiều vấn đề mà ở đây sự tin tưởng vào người cán bộ nhà nước chỉ ỷ thế, ỷ quyền ức hiếp trẻ em, trong khi đâu đâu cũng đã có biễu ngữ "Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em hôm nay" "!?". Tôi tin tưởng khi VKSND Tối cao và TAND Tối cao vào cuộc thì công lý sẽ được phơi bày ai đúng, ai sai và khi đó cần phải công khai trên thông tin đại chúng cho xã hội biết, đồng thời xử lý đến nơi đến chốn những ai sai phạm, để niềm tin của dân với người thực thi pháp luật được an tâm".
Người dân hết sức hoang mang và bức xúc khi tòa tuyên án em Lê Văn Khánh 18 tháng tù giam về tội cướp tài sản.
Bạn đọc Thao Phuong: “Mong các cấp lãnh đạo, các ban ngành hãy xử lý sớm để em tiếp tục bước tiếp con đường phía trước . Mong em vượt qua được thử thách này”.
Bạn đọc Dinh Hoa: “Đúng là không còn gì để nói. Vụ án thiếu sức thuyết phục, không có tính nhân đạo nhân văn, thế mà 3 ngành cũng họp bàn kết luận cơ đấy, vừa vi phạm tố tụng, vừa thể hiện sự yếu kém cứng nhắc của đội ngũ cán bộ”.
Bạn đọc Dân Ý: “Xem xét lại toàn bộ vụ án, rất nhiều nhân chứng và cả bị hại đều khẳng định Khánh không tham gia, không có tội mà cả hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm quyết đưa em vào tù để cải tạo tốt hơn môi trường học đường? Nếu kết quả thanh kiểm tra mà đúng Khánh vô tội thì cần xử lý hai ông thẩm phán ở hai cấp xử vừa rồi vì thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hoang mang dư luận khiến nhân dân mất niềm tin vào công lý”.
Bạn đọc Tran Thang: “Cảm ơn luật sư đã có những phân tích, đánh giá, nhận xét thấu tình đạt lý làm rõ tính nhân văn của pháp luật Việt Nam. Nhưng đây là một bộ phận được giao quyền thực thi công lý nhưng vô trách nhiệm muốn đẩy một đứa trẻ không phải con mình vào con đường ngõ cụt của tương lai. Thử hỏi những đứa trẻ này , thế hệ này khi lớn lên nó nghĩ gì về công lý, chỉ thêm cực đoan tuyệt vọng”.
Bạn đọc Thạch Hạ: “Cũng là việc xử phúc thẩm mà chúng tôi thấy có những trường hợp Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã bộc lộ những điều khuất tất khó hiểu. Chẳng hạn: Vụ đổ sập giàn giáo tại công trường Formosa đã làm 13 người chết, 29 người bị thương. Ban đầu phiên sơ thẩm thì tuyên phạt Kim Jong Wook 3 năm 6 tháng tù giam, Lee Jea Myeong 3 năm tù giam. Thế nhưng đến phiên phúc thẩm do kháng cáo, không hiểu sao Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ưu ái cho các bị cáo được giảm xuống còn 15 tháng tù giam cho mỗi đối tượng. Vậy mà trường hợp em Khánh chỉ cầm hộ tiền trong 10 phút. Bản thân em không rõ ngoạn nguồn sự việc mà lại được Toà án tỉnh Hà Tĩnh xét phúc thẩm kết tội “cướp tài sản” với mức án 18 tháng tù giam. Chẳng hoá “tội” em Khánh còn nặng hơn cả chuyện gây ra vụ án chấn động cả nước đã làm 13 người chết, 29 người bị thương và những hệ luỵ trầm trọng này sao?”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế