Bài 16:
Cần kháng nghị xem xét lại vụ án em học sinh bị kết tội “Cướp tài sản” kêu oan
(Dân trí) - Sau khi VKSND Tối cao yêu cầu VKSND cấp cao tại Hà Nội và VKSND tỉnh Hà Tĩnh xem xét lại vụ án “Cướp tài sản” liên quan đến em Lê Văn Khánh (học sinh lớp 11 ở Hà Tĩnh) kêu oan, đang gây bức xúc dư luận, PV dân trí có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú (Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư TP Hà Nội) những vấn đề pháp lý xoay quanh vụ việc.
Thưa luật sư, theo ông tại sao VKSND Tối cao lại yêu cầu xem xét lại vụ án này đối với em Lê Văn Khánh?
Luật sư Trương Anh Tú: Theo tôi việc VKSND Tối cao yêu cầu xem xét lại vụ án “Cướp tài sản” liên quan đến em Lê Văn Khánh phù hợp. Bởi lẽ, các hành vi của Khánh được miêu tả trong hồ sơ vụ án chưa chắc chắn khẳng định Khánh đồng phạm tội cướp tài sản, đồng thời xuất hiện tố cáo của các bị cáo khác và nhân chứng về việc được mớm cung, nên vụ án cần được xem xét lại một cách khách quan và toàn diện theo thủ tục Giám đốc thẩm.
Thẩm quyền xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm vụ án trên thuộc Tòa án nhân dân cấp cao và Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, do đó VKSND Tối cao yêu cầu VKSND Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại vụ án là đúng với quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của ông thì hành vi của em Lê Văn Khánh đã đủ để xử lý tội cướp tài sản chưa?
Luật sư Trương Anh Tú: Trong vụ án này, kết tội Khánh với vai trò đồng phạm thì cần phải làm rõ ý thức chủ quan, thời điểm tham gia và cầm tiền hộ của Khánh có thỏa mãn yếu tố đồng phạm quy định tại Điều 20 Bộ luật Hình sự hay không? Lê Văn Khánh có cùng cố ý thực hiện hành vi cướp tài sản với Phạm Hồng Tuấn và Phan Văn Đạt với một trong bốn vai trò là người tổ chức, người thực hiện, người xúi dục, người giúp sức không?
Theo hồ sơ vụ án, nạn nhân Tý khai: “…Tôi rút một xấp tiền từ túi quần phía bên trái ra…. Lúc đó Tuấn giật xấp tiền từ tay tôi và đứng lại đó đếm được 2,8 triệu đồng”. Và lần thứ 2 thì theo Tý khai bị Tuấn và Đạt quật ngã ra nền rồi sau đó Tuấn móc trong túi quần của Tý lấy ra một xấp tiền rồi cất vào túi của Tuấn.
Và trong đơn tố cáo cũng như mọi lời khai, người bị hại, bị can, người làm chứng đều khẳng định Khánh không hề liên quan đến việc Tý bị đe dọa lấy tiền.
Đặc biệt, các lời khai của Tuấn và Đạt đều khẳng định sự việc diễn ra trong hoàn cảnh bột phát, không hề có sự bàn bạc trước. Tuấn và Đạt lúc đi ra cổng nghe Giáp nói đánh bi-a thua nhiều tiền nên nghĩ Tý thắng được nhiều mới nảy sinh ý định lấy tiền của Tý. Khánh không hề có sự bàn bạc, tham gia cũng như kích động hay có những hành động, lời nói đe dọa để lấy tiền của Tý.
khi xảy ra sự việc thì Khánh đang đứng cùng nhiều người khác ngoài cổng và một lúc sau thì nghe thấy Tuấn gọi vào nhờ đếm và giữ hộ một xấp tiền. Khi sự việc xảy ra Khánh hoàn toàn chưa có ý thức, động cơ cũng như mục đích sẽ đe dọa Tý để lấy tiền hay sau khi cầm số tiền mà Tuần nhờ sẽ đòi Tuấn hay Đạt để chia phần. Trên thực tế thì số tiền lấy được từ Tý, Tuấn và Đạt cũng tự chia nhau mà không chia cho Khánh. Và Khánh cũng không đòi hỏi được chia.
Do đó, có thể khẳng định hành vi cầm giữ tiền của Khánh không cấu thành tội cướp tài sản với vai trò đồng phạm.
Mẹ của em Khánh đau đớn khi tòa tuyên án con 18 tháng tù giam vì tội "Cướp tài sản".
Việc Khánh bị tuyên 18 tháng tù giam trong trường hợp này Luật sư có cho là phù hợp?
Luật sư Trương Anh Tú: Bỏ qua trường hợp Khánh bị oan như đã phân tích ở trên thì hình phạt 18 tháng tù giam đối với Khánh trong trường hợp trên là thể hiện sự cứng nhắc của các cơ quan tiến hành tố tụng vụ án.
Tại thời điểm phạm tội, Khánh vẫn là người chưa thành niên và Bộ luật hình sự dành nguyên Chương X để có các quy định về “Người chưa thành niên phạm tội”. Sở dĩ như vậy là vì ở độ tuổi này, tâm sinh lý của các em có nhiều biến chuyển, xã hội ta vẫn hay bảo là “nửa ông nửa thằng”; các em đang hình thành cái “tôi”, muốn thể hiện cái “tôi” nhưng còn bồng bột và nông nổi nên dễ thực hiện các hành vi sai trái. Do đó, để các em phát triển tốt khi phạm sai lầm cần có biện pháp thích hợp để các em nhận thấy cái sai và thay đổi tốt hơn và trong trường hợp phạm tội cũng vậy. Điều 69 khoản 1 BLHS quy định “Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.”
Nước ta đã tham gia vào Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em, theo thông lệ quốc tế thì mọi công dân dưới 18 tuổi được xem là trẻ em và cần được bảo vệ theo Công ước. Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em 2004 của nước ta xem người dưới 16 tuổi là trẻ em, trong thời gian soạn thảo Luật trẻ em 2016 đã có nhiều quan điểm ủng hộ việc cân nhắc quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi theo đúng thông lệ và bảo vệ các em tốt hơn. Nhưng những lo ngại về mở rộng chính sách đối với trẻ em sẽ đè nặng lên ngân sách đang chịu ảnh hưởng của nợ công và lo ngại các chính sách về lao động sẽ bị ảnh hưởng, tình hình trẻ vị thành niên phạm tội gia tăng nên Luật trẻ em 2016 vẫn giữ nguyên quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ định rằng khi chưa đủ 18 tuổi thì mọi công dân vẫn chưa đủ trưởng thành về mọi mặt để được xem là người trưởng thành.
Chưa mở phiên xét xử, song 3 ngành đã họp và thống nhất kết luận Khánh có tội!
Bị cáo Phạm Hồng Tuấn cho rằng đã bị điều tra viên mớm cung. Đồng thời cho những việc đưa những nhân chứng như Giáp, Tý (là những người phạm tội đánh bạc) ra làm chứng là không khách quan. Trong khi vụ việc xảy ra có rất nhiều nhân chứng, điều này khiến các bị cáo thấy bất lợi cho mình.
Do đó, Bộ luật hình sự nước ta quy định tại Điều 69 “Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.”; “Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.”; “Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.”. Trên cơ sở đó, tôi nghĩ các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này đã chưa tuân thủ các quy định tại Chương X Bộ luật hình sự và cứng nhắc đối với đối tượng là người chưa thành niên phạm tội.
Trong suốt quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm bị cáo Khánh và gia đình luôn kêu oan, nhưng phải đến khi xử phúc thẩm xong thì VKND Tối cao mới có yêu cầu xem xét lại thì liệu có vướng mắc gì trong quá trình tố tụng vụ án này không thưa luật sư?
Luật sư Trương Anh Tú: Trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án các luật sư, chuyên gia luật đã có những ý kiến phân tích về vụ án có dấu hiệu kết tội oan cho người dân, báo chí cũng đã vào cuộc đăng tải những thông tin quan trọng liên quan đến việc các cơ quan tố tụng không khách quan, vi phạm nguyên tắc của Hiến pháp, pháp luật tố tụng vì hồ sơ vụ án thể hiện ba ngành Công an, Viện kiểm sát và Tòa án đã họp thống nhất kết tội bị can ngay từ giai đoạn điều tra vụ án. Khi liên ngành tố tụng đã họp thì HĐXX cấp sơ thẩm, phúc thẩm khó độc lập trong việc xét xử từ đó kết quả vụ án như kết quả họp liên ngành là một điều không bất ngờ.
Để hạn chế oan sai, đảm bảo tính độc lập chỉ tuân theo pháp luật của HĐXX các Cơ quan tố tụng cần bỏ hình thức hợp liên ngành tố tụng để “duyệt án” như thông lệ hiện nay.
Việc không thể thuyết phục HĐXX hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm về sự vô tội, bị cáo Khánh và gia đình phải gửi đơn thư kêu cứu khắp nơi, nhờ sự quan tâm của dư luận xã hội và báo chí vụ việc mới được VKSND Tối cao chỉ đạo xem xét lại.
Qua vụ việc này thể hiện tư duy tố tụng hình sự của chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét hoàn thiện, đặc biệt là việc họp ba ngành tố tụng Công an - VKSND - Tòa án là một cách làm cần phải xem xét hủy bỏ để hoạt động tố tụng theo đúng Hiến pháp và pháp luật.
Anh Thế (thực hiện)