Ninh Bình:
Dự án nhà máy xi măng nghìn tỷ “biến” thành nơi nuôi gia súc!
(Dân trí) - Dự án nhà máy xi măng Phú Sơn có mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ, công xuất dự kiến 11 triệu tấn/năm, khi hoàn thành sẽ là động lực phát triển kinh tế huyện miền núi nghèo Nho Quan (Ninh Bình). Tuy nhiên, gần 10 năm nay dự án này bỏ hoang, bị "biến" thành nơi nuôi gia súc.
Nhiều hộ dân xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình phản ánh, dự án nhà máy xi măng Phú Sơn nằm trên địa bàn thôn 1, được khởi công xây từ năm 2006, sau đó bỏ hoang nhiều năm qua gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến tình hình trị an của địa phương nhưng đến nay nhà nước chưa có phương án xử lý khiến người dân bức xúc, chính quyền “bó tay” trong cách xử lý.
Ông Phan Quang Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết, dự án này do Công ty CP xi măng Phú Sơn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2011, sản lượng 11 triệu tấn/năm nhưng đến nay đang bị bỏ hoang.
“Khi dự án về địa phương, bà con nhân dân rất phấn khởi, nhiều hộ dân có đất trong vùng bị thu hồi vui vẻ đồng ý nhận tiền đền bù, bàn giao đất hai lúa cho dự án để triển khai nhanh. Thời điểm đó, nhà máy xi măng Phú Sơn được kỳ vọng là “điểm nhấn” để phát triển ngành công nghiệp của địa phương”, ông Cảnh nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, chỉ trong vòng 1 năm (từ 2006 đến năm 2007) chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng xong diện tích đất 34,6 ha để triển khai xây dựng nhà máy. Công ty cho xây dựng hệ thống tường rào bao quanh khu đất, văn phòng điều hành, tòa nhà 3 tầng, nhà máy nước, nhồi hàng trăm cọc bê tông…
“Dự án khi mới bắt đầu được triển khai rất rầm rộ, thế nhưng chỉ được thời gian ngắn ngủi, càng về sau càng chậm dần, đến năm 2009 thì dừng hẳn, bỏ hoang đến nay”, ông Cảnh cho biết thêm.
Ghi nhận của PV Dân trí, hiện toàn bộ diện tích đất 36,4ha đã được san lấp mặt bằng triển khai dự án nhà máy xi măng đang bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều hạng mục công trình được xây dựng dở dang trong dự án sau thời gian dài đang bị xuống cấp, rỉ sét, rêu mốc bám đầy… Khi được hỏi về nhà máy xi măng này, nhiều người dân chỉ thờ dài ngao ngán.
“Lúc bắt đầu khởi công xây dựng người dân chúng tôi cũng hi vọng nhà máy này sẽ đổi thay vùng quê miền núi nghèo này, con em trong khu vực có việc làm ổn định… thế nhưng chỉ được thời gian là thấy dự án “đắp chiếu”, đến nay thì chưa biết đến khi nào mới khởi công trở lại. Giờ chúng tôi cũng chẳng mong muốn nhà máy xi măng này hoạt động ở đây nữa vì sợ ô nhiễm lắm. Nhà nước có phương án gì thay thế chứ để gần 40 ha đất sản xuất bỏ hoang như vậy thì lãng phí lắm”, một người dân cho hay.
Hiện nay, trong tổng số 34,6 ha (khuôn viên chính làm nhà máy) cộng thêm 4 ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng xung quanh dự án này là nơi thuận tiện cho nhiều hộ dân làm nơi chăn thả gia súc. Hàng ngày, người dân địa phương đem dê, lợn, trâu bò đến đây thả nuôi, thậm chí tòa nhà điều hành của dự án cũng bị biến thành nơi nhốt, trú mưa nắng của đàn gia súc.
“Dự án bị bỏ hoang từ lâu, diện tích đất rộng lớn lại không có người quản lý sát sao nên từ lâu nơi đây trở thành khu vực có nhiều đối tượng nghiện hút vào tụ tập gây mất trật tự trị án”, ông Cảnh nói.
Không chỉ dự án nhà máy xi măng bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất mà nhiều hộ dân có con em được chủ đầu tư cho đi học nghề, ra trường về phục vụ nhà máy cũng lao đao trong nhiều năm qua. Theo đó, khoảng 60 con em của các gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi cho dự án được chủ đầu tư cho đi học nghề xi măng để sau về phục vụ cho nhà máy, tuy nhiên khi học xong trở về quê hương thì nhà máy “đắp chiếu” đến nay.
“Nhà máy chỉ hỗ trợ tiền học phí, còn tiền ăn ở, sinh hoạt các gia đình phải chịu. Sau 2 năm học ở Hải Phòng nhiều gia đình có con em cũng tốn không ít kinh phí, về quê lại trắng tay, mất tiền mất công sức mà việc làm thì không có, nhiều lần kiến nghị nhưng chính quyền địa phương cũng chỉ biết kiến nghị lên cấp trên chứ không đủ thẩm quyền để giải quyết”, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn chia sẻ.
Ông Cảnh cũng thừa nhận, việc nhà máy xi măng chậm tiến độ, “đắp chiếu” gần 10 năm nay là lãng phí đất đai, đất nông nghiệp bị thu hồi bỏ hoang còn bà con nhân dân lại không có công ăn việc làm, con em được đi đi học nghề về không có việc lại vừa tốn kém nên khiến người dân rất bức xúc.
“Thấy dự án bỏ hoang trên khu đất thuận lợi cho việc kinh doanh, một số nhà đầu tư cũng đã vào thăm dò, nhưng vì thủ tục đất đai của dự án nhà máy xi măng còn chưa biết có thu hồi hay không nên cũng khó. Địa phương rất mong muốn nếu chủ đầu tư không có đủ năng lực để tiếp tục triển khai dự án thì tỉnh sớm thu hồi lại đất, giao đất cho chủ đầu tư khác vừa tránh lãng phí đất đai vừa tạo việc làm cho nhân dân”, ông Cảnh nói.
Thái Bá