Dẹp thói xấu bằng pháp luật

(Dân trí) - TPHCM triển khai một chương trình quan trọng: "Năm 2008 - Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị". Chương trình này được cụ thể hóa bằng việc loại bỏ năm hành vi xấu gồm xả rác, khạc nhổ, tiểu tiện, chửi thề - nói tục và ăn mặc hở hang.

Chuyện tưởng rất nhỏ nhưng lại lớn chuyện, bởi vì thay đổi thói quen của con người là một việc không dễ dàng. Mấy chục năm nay, chính quyền các địa phương không có một kế hoạch dài hơi về việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

 

Nếu có thì chỉ là tổ chức chiến dịch ngắn để báo cáo thành tích hoặc kêu gọi bằng khẩu hiệu sáo rỗng. Quốc gia chưa đưa nội dung này vào hàng quốc sách và chưa có các đạo luật điều chỉnh hành vi của con người. Chính vì vậy nên người dân rất thiếu ý thức về giữ gìn văn minh.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

VN là một nước còn nhiều địa phương coi việc xả rác và mất vệ sinh là quen thuộc, đây là điều thật đáng xấu hổ. Hiện thực là như thế, nhưng lạ thay, ở nơi đâu trên đất nước này cũng có các bảng hiệu khu phố văn hóa, ấp văn hóa, cơ quan văn hóa, gia đình văn hóa. Thật hài hước khi thấy có nơi ngay dưới bảng hiệu khu phố văn hóa là một đống rác trong đó có không ít những ống kim tiêm. Phải chăng ở những nơi đó họ đã lạm dụng khái niệm văn hóa đến độ trở thành thiếu văn hóa?

 

Rồi đến lúc phải đối diện với sự thật, tự thẹn vì đối với vịec giữ gìn nếp sống văn minh chúng ta cách quá xa những quốc gia lân cận. Người Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc có ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng và nếp sống văn minh đô thị đến mức phải kinh ngạc. Đến các quốc gia này, du khách buộc phải tôn trọng công dân của họ. Bởi vì phải có một nền dân trí cao, một hệ thống pháp luật văn minh mới tạo ra được một xã hội văn minh như vậy. Ở những nước này, không tìm ra bất cứ một tấm bảng nào ghi khu phố văn hóa hay gia đình văn hóa. Thế mới lạ.

 

Chương trình "Nói và làm" của HĐND TPHCM diễn ra đầu năm nay về nội dung triển khai thực hiện nếp sống văn minh đô thị năm 2008, có hai vị khách mời từ Singapore và Thái Lan, cả hai vị này đều nói họ đã nỗ lực thực hiện công việc này suốt ba mươi năm nay. Họ đưa nhiều kinh nghiệm, trong đó đáng lưu ý nhất là giáo dục từ học đường, từ các em thiếu niên nhi đồng. Các em ý thức được xả rác, tiểu tiện bừa bãi là xấu. Và chính các em sẽ "giáo dục" lại cha mẹ của các em.

 

Một điều quan trọng khác là xử phạt. Phải có các quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ này và phải có mức phạt thật nặng, thật nghiêm. Bệnh xả rác và những hành vi xấu hiện nay đã trở thành thâm căn, không thể chỉ dùng khẩu hiệu và lời động viên mà dẹp bỏ được.

 

Lê Chân Nhân

Dòng sự kiện: Tiêu điểm báo giấy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm