Bạn đọc viết:

Để TPHCM trở thành nơi đáng sống

PV

(Dân trí) - Mới đây, TPHCM tiếp tục đứng đầu cả nước về tiêu chí là địa phương được nhiều người yêu thích và lựa chọn làm nơi sinh sống.

Đó là kết quả từ báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI 2023 do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) thực hiện. Báo cáo thể hiện cảm nhận, trải nghiệm, ý kiến và kỳ vọng của hơn 19 ngàn người dân từ 18 tuổi trở lên khắp Việt Nam.

Hơn 20% người tham gia khảo sát của PAPI 2023 cho biết họ mong muốn được chuyển đến sống tại TPHCM. Trong đó, đoàn tụ gia đình và cơ hội làm việc tốt hơn là hai động lực chính để họ đưa ra lựa chọn này.

Để TPHCM trở thành nơi đáng sống - 1

TPHCM tiếp tục đứng đầu cả nước về tiêu chí là địa phương được nhiều người yêu thích và lựa chọn làm nơi sinh sống.

Giải quyết triệt để vấn nạn rác thải, ô nhiễm kênh rạch, tăng mảng xanh

Có thể nói, TPHCM (TP) được xem là "đầu tàu" về sự phát triển kinh tế của cả nước, là vùng đất được mệnh danh là nơi "đất lành chim đậu", là nơi hội tụ của những "anh tài". Những người trẻ có trí tuệ, tài năng từ khắp mọi miền đất nước, thậm chí là người nước ngoài, hội tụ về TP để làm việc, để cống hiến, để đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng và phát triển TP ngày một vững vàng và phát triển mạnh mẽ và đa bản sắc hơn nữa.

TPHCM là nơi thật sự đáng sống. Thế nhưng, hiện nay hai vấn đề mà tôi thật sự "day dứt" và quan tâm nhiều nhất, đó là vấn đề về tình trạng ô nhiễm môi trường sống, tình trạng rác thải, tình trạng ô nhiễm kênh rạch và mảng xanh đô thị tại TP ngày càng bị "thu hẹp" như hiện nay. 

Mặc dù trong nhiều năm qua, TP đã nỗ lực đầu tư, xây dựng cũng như đưa ra rất nhiều giải pháp đồng bộ cũng như các biện pháp căn cơ để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xả rác thải bừa bãi, tình trạng ô nhiễm môi trường sống, tình trạng ô nhiễm dòng sông, kênh rạch. Thế nhưng tình trạng vứt xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường sống vẫn còn diễn ra, thậm chí là tràn lan từ trong các hẻm phố cho đến ra các đoạn đường trung tâm.

Để TPHCM trở thành nơi đáng sống - 2

Rác tràn ngập mặt đường, vỉa hè, nếu không muốn nói ở đâu cũng thấy tình trạng xả rác bừa bãi (Ảnh: Nam Anh).

Lưu thông trên đường phố mỗi ngày nhiều người thật sự vô cùng khó chịu với những bịch rác, đống rác nằm chình ình ngay trên vỉa hè, dưới gốc trụ điện hay dưới gốc cây xanh cho tới trạm xe buýt. Có những bãi rác bốc mùi cứ nằm trên đường phố đó hết ngày này qua ngày khác.

Những ngày đầu mùa mưa, hình ảnh những khu dân cư ngập chìm trong nước bẩn và rác thải trôi dạt, dày đặc đến rùng mình. Có thể nói, thói quen, hành vi "bạ đâu vứt đó" là căn bệnh "trầm kha" của không ít người thiếu ý thức như hiện nay.

Tình trạng dòng sông, các đoạn kênh rạch nằm ngay giữa lòng TP có thời điểm cũng chìm ngập trong rác rưởi ô nhiễm, bốc mùi hôi nồng nặc. Đặc biệt vào mùa mưa nước chưa kịp thoát, rác rưởi nổi lềnh bềnh trên dòng sông, các đoạn kênh rạch khiến nhiều người cảm giác thật sự khó chịu và tiếc cho những dòng kênh, dòng sông được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng ngay giữa lòng trung tâm TP này.  

Để TPHCM trở thành nơi đáng sống - 3

Kênh Nước Đen (quận Bình Tân, TPHCM) đang đứng trước nguy cơ tái ô nhiễm. Các loại túi ni lông, chai lọ, thùng xốp, xác động vật... bốc mùi hôi thối nồng nặc (Ảnh: Nam Anh).

Tôi vẫn còn nhớ, vào những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn học đại học Luật, tôi nhớ thời điểm này trong mắt một người nhà quê như tôi lần đầu vào Sài Gòn, TP bao phủ bởi một màu xanh, là những hàng cây xà cừ, những hàng cây cổ thụ lâu năm. Thời điểm đó mỗi góc phố con đường đều rợp bóng của mảng xanh, cây xanh. 

Tôi thích nhất là mỗi trưa đạp xe đạp từ cầu Bình Triệu qua quận 4 để đến lớp, thích nhất là đạp xe ngang qua đường Tôn Đức Thắng, quận 1. Với riêng tôi đây là đoạn đường đẹp nhất của trung tâm TP nói chung và nói riêng là của trung tâm quận 1 bởi những hàng cây xà cừ, những hàng cây cổ thụ có tuổi đời gần trăm năm, nhiều người ôm không xuể, là nhân chứng lịch sử rợp bóng mát cả một đoạn đường dài.

Có thể nói đoạn đường này đã trở thành kỷ niệm, là ký ức đẹp không thể nào phai mờ trong ký ức tôi và rất nhiều người dân TP. Thế nhưng hiện nay hàng cây xanh cổ thụ này đã không còn nữa. Thật tiếc thay!.

Không chỉ trên đoạn đường Tôn Đức Thắng, tại một số đoạn đường, góc phố khác như đường Hoàng Văn Thụ, đường Hoàng Hoa Thám (quận tân Bình),  những hàng cây cổ thụ cao vút, rợp bóng mát với tuổi đời gần trăm trăm, nhiều người ôm không xuể, cũng là ký ức, kỷ niệm đối với rất nhiều người. Tuy nhiên hiện nay mảng xanh cũng dần dà "biến mất", mảng xanh dần bị "thu hẹp", để thay thế vào đó là các công trình xây dựng.

Những giải pháp để TP là nơi đáng sống

Một thành phố đáng sống điều đó cũng đồng nghĩa là ngoài những chỉ tiêu, tiêu chí về sự phát triển, tăng trưởng về kinh tế, văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng, giao thông, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, giảm thiểu hộ nghèo, mối quan hệ thông tin hai chiều giữa chính quyền và người dân và doanh nghiệp minh bạch, công khai bằng chính sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp... còn là những tiêu chí về môi trường sống và mảng xanh đô thị, mảng xanh của TP. 

Để giải quyết dứt điểm vấn nạn cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, tình trạng ô nhiễm môi trường dòng sông, các đoạn kênh rạch ngay giữa lòng TP, đã đến lúc các cơ quan ban ngành, chính quyền TP cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Song song đó là đưa ra những biện pháp, giải pháp thiết thực, nhanh và mạnh hơn nữa. 

Quan tâm, đầu tư các trang thiết bị hiện đại hơn để xử lý vấn đề rác thải cũng như nhanh chóng giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm môi trường, tình trạng ô nhiễm các đoạn kênh rạch như hiện nay. Nâng cao năng lực của các cơ sở xử lý rác thải, tăng biên chế về nhân lực, con người để kịp thời xử lý vấn nạn rác thải trên đường phố, trục vớt rác thải trên dòng sông, kênh rạch.

Ưu tiên và dành nguồn ngân sách, có thể vận động, kêu gọi xã hội hóa về các nguồn lực để chung tay xử lý vấn nạn rác thải, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xử lý tình trạng ô nhiễm dòng sông, kênh rạch như hiện nay một cách căn cơ, kịp thời và có hiệu quả. 

Tăng cường đầu tư trang thiết bị camera để giám sát trên các tuyến đường phố, hẻm phố, xử lý mạnh tay đối với các hành vi vứt xả rác bừa bãi, các hành vi gây ô nhiễm môi trường, dòng sông, kênh rạch như hiện nay, ngoài xử phạt hành chính, bắt người vi phạm lao động công ích để làm gương. Đó cũng là biện pháp mạnh, có hiệu quả để ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường sống, tình trạng ngập nặng mỗi khi mùa mưa đến xuất phát từ một phần nguyên nhân do hành vi xả rác bừa bãi như hiện nay. 

Phát triển, đầu tư, tăng cường và quản lý cây xanh, quản lý mảng xanh đô thị của TP một cách bền vững và có hiệu quả hơn. Đặc biệt là tại các tuyến đường trước đây như đường Tôn Đức Thắng (quận 1), đường Hoàng Văn Thụ, đường Hoàng Hoa Thám... (quận Tân Bình), những hàng cây cổ thụ trăm năm, là ký ức khó phai mờ của biết bao thế hệ nay đã bị đốn chặt để ưu tiên phát triển, xây dựng công trình của TP, cần nhanh chóng thay thế, trồng lại kịp thời để phát triển mảng xanh đô thị, tạo thêm bóng mát trên các tuyến đường này...

Độc giả Nguyễn Đước