Từ vụ nhóm quái xế tông tử vong cô gái: Hà Nội cần xử lý triệt để

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Nạn đua xe, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông ở thủ đô Hà Nội đang diễn ra rất phức tạp, cần có ngay chế tài đủ mạnh để chấm dứt triệt để tình trạng này.

Như Dân trí thông tin, rạng sáng 3/11, camera giám sát ghi lại cảnh một đoàn xe gồm hàng chục xe máy di chuyển tốc độ cao, lạng lách, hò hét, nẹt pô ầm ĩ trên các tuyến phố tại Hà Nội. Tới khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), nhóm thanh niên tông vào một cô gái đang dừng chờ đèn đỏ khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. 

Tiếp nhận tin báo, Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp các đơn vị có liên quan đã xác minh, triệu tập và truy bắt một số đối tượng liên quan vụ tai nạn để làm rõ sự việc, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Từ vụ nhóm quái xế tông tử vong cô gái: Hà Nội cần xử lý triệt để  - 1

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: T.A).

Sự việc trên gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Bình luận về vụ việc, độc giả Trần Hoàng Huyền My viết: "Cần mạnh tay với loại tội phạm này. Thật không thể chấp nhận, giữa lòng thủ đô lại có những kẻ coi thường pháp luật". 

"Nhất là những đêm cuối tuần, trên phố hàng đoàn xe cả nam lẫn nữ phóng tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, nẹt pô náo loạn đường phố, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tôi ngồi trong ô tô mà còn cảm thấy kinh hãi. Phải có chế tài mạnh tay, kiên quyết xử lý những trường hợp này, tịch thu phương tiện và xử lý hình sự thì mới giảm được tình trạng trên. Không thể nhân nhượng với những kẻ coi thường pháp luật, tính mạng và sức khỏe của người khác", anh Le Binh tiếp lời. 

"Nếu gia đình không làm được thì để xã hội quản lý. Đề nghị đưa toàn bộ các đối tượng này ra đảo, bắt lao động công ích. Nạn đua xe, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông đang diễn ra rất phức tạp, cần có ngay chế tài đủ mạnh để chấm dứt triệt để tình trạng này, giống như việc quản lý nồng độ cồn đã và đang có những hiệu quả to lớn thấy rõ", độc giả Tuấn Anh Trần bình luận. 

"Có thể xem xét 2 tội danh đối với nhóm thanh niên tông chết người"

Từ những ý kiến trên, nhiều độc giả đặt câu hỏi về việc pháp luật hiện quy định chế tài ra sao với hành vi đua xe, lạng lách, đánh võng và gây tai nạn cho người khác. Và với tình huống trên, nhóm thanh niên có thể bị xử lý ra sao?. 

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận dưới góc độ xã hội, hàng loạt hành vi của nhóm "quái xế" như trên là những hành động hết sức đáng lên án, thể hiện sự ngông cuồng, coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác và cần bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Dưới góc độ pháp lý, ông Giáp nhìn nhận với diễn biến hành vi nêu trên, có thể chia thành 2 nhóm hành vi chính. Đó là nhóm hành vi xâm phạm tới trật tự công cộng, an ninh trật tự xã hội (lạng lách, đánh võng, bấm còi inh ỏi gây náo loạn đường phố) và nhóm hành vi xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng của người khác. 

Đối với nhóm hành vi thứ nhất, đây là các hành vi có dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, Điều luật này quy định người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền 5-50 triệu đồng đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đối với tình tiết "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội", pháp luật hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể áp dụng tình tiết này. Tuy nhiên, các cơ quan bảo vệ pháp luật hoàn toàn có thể tham khảo, áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn về tình tiết "gây hậu quả nghiêm trọng" đối với tội Gây rối trật tự công cộng quy định tại Bộ luật Hình sự 1999. 

Theo đó, hành vi gây rối trật tự công cộng nếu thuộc các trường hợp như gây ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; gây thiệt hại tài sản từ 10 triệu đồng trở lên; cản trở sự hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức hay làm chết người... thì người thực hiện hành vi có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng. 

Ngoài ra, thực tế giải quyết các vụ án hiện tại cũng cho thấy các hành vi như lạng lách, đánh võng, chạy xe dàn hàng tốc độ cao, chèn ép phương tiện khác hay có các hành vi khác gây cản trở, xâm phạm tới an toàn giao thông đường bộ cũng có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng. Do đó, đối với trường hợp này, có cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự của nhóm thanh niên trên. 

Từ vụ nhóm quái xế tông tử vong cô gái: Hà Nội cần xử lý triệt để  - 2

Hình ảnh nhóm quái xế gây náo loạn đường phố được camera giám sát ghi lại (Ảnh cắt từ clip).

Đối với nhóm hành vi thứ hai, căn cứ quy định của Luật Giao thông đường bộ, những hành vi như điều khiển xe lạng lách, đánh võng, thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ là những hành vi bị nghiêm cấm. Trường hợp hành vi vi phạm dẫn tới tai nạn chết người, người vi phạm có thể bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. 

Nếu bị quy kết hành vi thuộc tình tiết định khung bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn theo khoản 2 Điều này, người vi phạm có thể đối diện khung hình phạt tù 3-10 năm. 

"Với nhóm hành vi thứ hai, yếu tố quan trọng cần làm rõ là ai là người đã điều khiển phương tiện tông trực tiếp khiến cô gái tử vong. Ngoài ra, cần xác định thêm những phương tiện nào sau đó đã tiếp tục va chạm với nạn nhân, và ở thời điểm va chạm sau đó (nếu có) thì nạn nhân đã tử vong hay chưa. Đây sẽ là căn cứ pháp lý để xác định những người có thể phải chịu trách nhiệm về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. 

Về độ tuổi, nếu hành vi thuộc tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 260, đây là hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Khi đó, người thực hiện hành vi nếu chưa đủ 16 tuổi thì vẫn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự", luật sư Giáp nhấn mạnh.