Đắk Nông:

Công trình nước sạch bỏ hoang, hàng trăm tỷ đồng thành… phế liệu!

(Dân trí) - Từ nguồn vốn đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, Đắk Nông đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để thi công 242 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đa số chỉ hoạt động được một thời gian rồi đắp chiếu bỏ hoang cả chục năm nay gây lãng phí, hàng trăm tỷ đồng phơi nắng phơi mưa giờ chỉ là những đống phế liệu.

Dân “khát nước” ngay cạnh công trình nước sạch

Năm 2005, bon N’Jiêng (xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa) được nhà nước đầu tư khoảng 700 triệu đồng xây dựng một công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, tất cả 98 hộ đồng bào trong bon đều được lắp đặt đồng hồ nước và đường ống dẫn nước về đến tận nhà. Tuy nhiên, niềm vui của đồng bào chỉ kéo dài được hơn một năm, bởi từ năm 2007 đến nay, công trình này bị hư hỏng nên bỏ hoang.

Công trình nước sạch bỏ hoang, hàng trăm tỷ đồng thành… phế liệu! - Ảnh 1.

Khu đặt mát lọc nước nằm trơ trọi giữa cỏ và rẫy cà phê của người dân

Theo thống kê, TX. Gia Nghĩa có 19 công trình cấp nước sạch song chỉ có duy nhất một công trình đang hoạt động, còn lại đã bị hư hỏng nhiều năm nay. Hiện các công trình này đã bị hư hỏng hoàn toàn hoặc xuống cấp rất nghiêm trọng khiến người dân bức xúc.

Ông K’Khiêm (bon N’Jiêng, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa) cho biết: “Đồng bào chúng tôi ở đây thiếu nước sinh hoạt thường xuyên, nhất là vào mùa nắng hạn, nhiều hộ không có tiền mua nước phải dùng nước sông suối mất vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe. Trong khi đó, ngay tại trung tâm của mỗi bon đều có một công trình cấp nước tập trung với số tiền rất lớn nhưng lại không sử dụng được, công trình bị hư hỏng hàng chục năm nay không thấy ai quan tâm sửa chữa”.

Trước khi được đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, để có nước sinh hoạt đa số đồng bào bon Bu Prâng, xã Đắk N’Đrung, huyện Đắk Song phải sử dụng nguồn nước tự nhiên tại các khe suối, chỉ một số rất ít hộ có điều kiện đào giếng lấy nước sử dụng.

Công trình nước sạch bỏ hoang, hàng trăm tỷ đồng thành… phế liệu! - Ảnh 2.

Sau hơn 1 năm hoạt động, công trình cấp nước tập trung cho cả thôn Phú Xuân giờ chỉ phục vụ 1 người

Năm 2006, bon Bu Prâng được nhà nước đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng một công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, cấp nước cho bon. Tuy nhiên, công trình này cũng chỉ hoạt động hiệu quả trong khoảng một năm đầu tiên, sau đó bị hư hỏng thường xuyên, các hộ dân phải đóng góp tiền để sửa chữa nhiều lần nhưng không thể khắc phục. Từ năm 2007 đến nay thì hỏng hẳn.

Ông Y G’rưng (bon Bu Prâng, xã Đắk N’Đrung) than thở: “Công trình nước hư hỏng nhiều năm nay không được sửa chữa, người dân phải quay lại sử dụng nước ở khe suối như trước. Chúng tôi biết nước suối không hợp vệ sinh, nhưng vì không còn cách khắc phục nên đa số người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm”.  

Hàng trăm công trình cấp nước  bị bỏ hoang

Không riêng ở huyện Đắk Song, thị xã Gia Nghĩa, các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên toàn tỉnh Đắk Nông hiện nay đều chung thực trạng. Đa số các công trình này đều chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi hư hỏng và bị bỏ hoang.

Công trình nước sạch bỏ hoang, hàng trăm tỷ đồng thành… phế liệu! - Ảnh 3.

Nhiều thiết bị hư hỏng do không được bảo trì, bảo vệ

Theo thống kê, toàn tỉnh này hiện có 242 công trình, cấp nước sạch cho 25.354 hộ. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 56 công trình đang hoạt động (chiếm 23%), còn lại 186 công trình đã ngưng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Trong đó, huyện Krông Nô chỉ có 4/45 công trình đang hoạt động, huyện Tuy Đức 5/28 công trình đang hoạt động, huyện Đắk G’Long 4/38 công trình đang hoạt động…

Nhiều năm qua người dân liên tục kiến nghị sửa chữa để đưa vào sử dụng nhưng địa phương đang loay hoay tìm giải pháp vì không có kinh phí.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song Lê Hoàng Vinh cho biết: “Kinh phí khắc phục, sửa chữa quá lớn vượt ngoài khả năng của địa phương nên đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa bố trí kinh phí để khắc phục. Hiện huyện đang rà soát tổng thể để phân loại, đối với công trình có khả năng khắc phục sẽ tiếp tục kiến nghị tỉnh cấp kinh phí sửa chữa, còn các công trình hư hỏng không thể khắc phục đề nghị tỉnh cho thanh lý sớm tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư”.

Công trình nước sạch bỏ hoang, hàng trăm tỷ đồng thành… phế liệu! - Ảnh 4.

Trong khi đó, các bồn chứa nước cả trăm triệu trở thành đống sắt phế liệu

Nguyên nhân việc xuống cấp của các công trình được các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đánh giá là do lỗi quy trình ngay từ khi tiến hành đầu tư, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, công tác tổ chức quản lý, vận hành còn nhiều bất cập.

Ông Lê Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và Phòng chống  lụt bão, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết: “Các công trình cấp nước được đầu tư từ nhiều nguồn của dự án, do nhiều đơn vị làm chủ đầu tư. Trong đó, có nhiều đơn vị không hề có chuyên môn, đầu tư không bảo đảm quy trình, đây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến nhiều công trình nhanh chóng bỏ hoang sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng. Tỉnh Đắk Nông đã nhiều lần họp đánh giá tổng thể, bàn giải pháp khắc phục, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm thực trạng này”.

Công trình nước sạch bỏ hoang, hàng trăm tỷ đồng thành… phế liệu! - Ảnh 5.

Công trình nước sạch bị bỏ hoang là thực trạng chung ở tỉnh Đắk Nông

Phó Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông Trần Thanh Long đánh giá, hàng trăm tỷ đồng ngân sách đầu tư không phát huy hiệu quả, trong khi đó đời sống của nhân dân vẫn không được cải thiện. Cái mất lớn nhất ở các công trình nước sinh hoạt tập trung là người dân mất niềm tin của nhân dân đối với chính quyền địa phương, với các chủ trương của Đảng, Nhà nước. Hiện, có gần một trăm chương trình, dự án đầu tư liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đơn vị này chỉ trực tiếp quản lý và thực hiện sáu chương trình. Các chương trình, dự án còn lại Ban dân tộc không hề hay biết.

“Chúng ta nên tổ chức lại, thống nhất đầu mối, cách quản lý, phải có cơ quan và cá nhân chịu trách nhiệm chính. Có như thế hiệu quả của nguồn vốn đầu tư công, các chương trình, dự án mới phát huy hiệu quả trên thực tế”, ông Long nhấn mạnh.

Dương Phong