Vụ bị cáo được trả tự do tại Tòa:
“Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án thị xã Tam Điệp phải xem xét lại nghiệp vụ”
(Dân trí) - Tiếp nối việc bị cáo Phan Điền trong vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy” được trả tự do tại Tòa án Ninh Bình sau 2 lần bị Tòa sơ thẩm kết án tù giam, Luật sư Nguyễn Hồng Bách nhận định CQĐT và Viện KSND TX Tam Điệp đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Bị cáo Vũ Phan Điền vừa được TAND tỉnh Ninh Bình minh oan và thả tự do ngay tại phiên xét xử phúc thẩm lần 2, đây có thể coi là một sự kiện hy hữu trong lịch sử pháp luật Việt Nam?
Khi tiếp nhận vụ án này, tôi rất băn khoăn, anh Điền có nhân thân tốt trong một gia đình lớn 7 người thì có tới 5 Đảng viên, bản thân Điền là một Đảng viên và còn rất trẻ, được học hành và có công ăn việc làm, là trợ lý Tổng Giám đốc, chưa bao giờ sử dụng ma túy (kết quả xét nghiệm chất ma túy đối với Điền của CQĐT cũng là âm tính) nhưng lại mua đến 8 gói hêrôin của một người không quen biết về định dùng thử?.
Tôi đi tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề và càng nghiên cứu sâu hồ sơ vụ án, cùng quá trình bào chữa cho anh Điền thì niềm tin của tôi vào sự vô tội của anh Điền càng lớn. Hoạt động điều tra có quá nhiều vi phạm tố tụng, lời khai của các nhân chứng đầy những mâu thuẫn, thậm chí là phí lý đến mức khó hiểu. Anh Điền nhất mực kêu oan, khẳng định mình nhận tội là do bị đe dọa, đánh, ép cung… Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án thì không thể đủ căn cứ chứng minh anh Điền phạm tội nên việc TAND tỉnh Ninh Bình tuyên anh Điền không phạm tội và đình chỉ vụ án là đúng luật.
Hồ sơ vụ án không đủ chứng cứ buộc tội nhưng CQĐT, Viện KSND và Tòa án cấp sơ thẩm vẫn kết luận, truy tố và tuyên anh Điền có tội. Theo luật sư, việc làm trên có thể coi là hành vi cố ý làm trái quy định của pháp luật?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Cố ý là ý thức chủ quan của con người khi thực hiện một hành vi nào đó. Nếu biết là sai, biết là vi phạm tố tụng mà vẫn thực hiện thì là cố ý làm trái. Ngược lại, nếu chỉ là những sai sót về chuyên môn nghiệp vụ, những sai lầm, không chính xác trong đánh giá chứng cứ, xác định các tình tiết của vụ án thì không phải là cố ý. Thực tế, việc xác định chính xác và đầy đủ về yếu tố mang tính "chủ quan" này là rất khó, không khác gì "mò kim đáy biển".
Tuy nhiên, sau vụ án này tôi nghĩ rằng cơ quan điều tra, truy tố và xét xử ở thị xã Tam Điệp cần phải xem xét lại toàn bộ quá trình nghiệp vụ của những người đã tham gia điều tra, truy tố và xét xử vụ án này, bởi rõ ràng là Tòa án Ninh Bình đã tuyên anh Điền vô tội mà trong lời khai lại có việc nhận tội và anh Điền nói rằng bị ép cung, nhục hình thì cần phải xem có việc ép cung không? Lời khai của những nhân chứng có đúng không? Nếu có việc ép cung, nhục hình thì cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Cán bộ của cơ quan điều tra, truy tố và xét xử nếu bị xác định vi phạm nghiêm trọng tố tụng cần phải xử lý như thế nào thưa luật sư?
Khi anh Điền được tuyên vô tội, các vi phạm tố tụng đã được khẳng định bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì các cơ quan chức năng cần phải điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm minh những sai phạm trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Sau nỗi oan khuất và những thiệt hại tinh thần và vật chất anh Vũ Phan Điền phải hứng chịu suốt 15 tháng bị tạm giam, các cơ quan thực thi pháp luật và tố tụng thị xã Tam Điệp sẽ phải bồi thường cho anh Điền như thế nào thưa luật sư?
Anh Điền sẽ được bồi thường các khoản thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; do tổn thất về tinh thần (được xác định là 3 ngày lương tối thiểu cho 1 ngày bị tạm giữ, tạm giam); được trả lại các tài sản bị thu giữ, tạm giữ; được khôi phục danh dự (xin lỗi, cải chính công khai) theo quy định tại Điều 46, Điều 47, Điều 50 và Điều 51 Chương V Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 35/2009/QH12. Đồng thời, cơ quan nơi anh Điền làm việc cũng phải xem xét các vấn đề về việc làm và quyền lợi của người lao động.
Sau vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn và việc anh Vũ Phan Điền bị bắt giam oan gần 15 tháng, theo ông đã đến lúc Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao cần giám sát chặt chẽ hơn việc điều tra - xét xử để hạn chế án oan “khoác” lên vai công dân?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Theo tôi, Bộ Công an, Viện KSND tối cao và TAND tối cao cho dù có "ba đầu, sáu tay" thì cũng không thể nào giám sát được hết tất cả các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử trong phạm vi cả nước. Đồng thời, pháp luật cũng quy định là trong quá trình xét xử, thẩm phán, hội đồng xét xử độc lập và tuân pháp luật. Vấn đề mấu chốt ở đây là ngoài cái tâm, cái đức trong quá trình hành nghề thì cần phải nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho những người tiến hành tố tụng. Đồng thời, hoàn thiện các quy định của Luật Tố tụng Hình sự theo hướng tăng cường pháp chế, đảm bảo tốt hơn nữa quyền bào chữa của người bị buộc tội, đặc biệt cần phải có các quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm pháp lý của các cơ quan và người tiến hành tố tụng khi vi phạm các thủ tục tố tụng.
Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi!
Ngọc Cương (thực hiện)