Những vấn đề pháp lý từ vụ đánh ghen, lột đồ ở Cần Thơ
(Dân trí) - Theo luật sư, việc xem xét dấu hiệu 3 tội danh với người vợ là phù hợp quy định. Ngoài ra, việc xử lý đối với hành vi cặp bồ (nếu có) sẽ gặp khó khăn nếu họ không chung sống như vợ chồng.
Như Dân trí thông tin, rạng sáng ngày 1/1, chị N. (30 tuổi, nhân viên ngân hàng) phát hiện quên chìa khóa nhà và ô tô ở cơ quan sau bữa tiệc tất niên nên gọi điện nhờ đồng nghiệp là anh T. lấy và mang tới khu vực gần đường Trần Phú (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Tiếp đó, chị N. nhờ anh T. đưa tới khu vực phường Thới Bình (quận Ninh Kiều) để lấy đồ dùng cá nhân thì gặp chị T. (vợ anh T.).
Cho rằng chồng ngoại tình, chị T. cùng em gái là chị Q. tấn công, đánh liên tiếp vào vùng đầu, mặt của chị N. gây thương tích và xé áo, quần của người này. Khai với công an, người vợ thừa nhận không có bằng chứng chứng minh chồng và chị N. có mối quan hệ bất chính. Khi phát hiện chồng đi chung xe với cô gái khác đã đưa ra thông tin sai sự thật để mọi người đứng về mình và thực hiện hành vi đánh ghen, tấn công nạn nhân.
Công an quận Ninh Kiều đã khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích, Gây rối trật tự công cộng và Làm nhục người khác để điều tra làm rõ theo quy định pháp luật.
Với diễn biến hành vi trên, những người liên quan có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý ra sao?.
"Đánh ghen vô cớ", xử lý ra sao?
Luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) đánh giá bất luận nguồn cơn sự việc là gì, hành vi mang tính bạo lực, xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm người khác như trên vẫn là hành vi vi phạm và cần bị áp dụng các chế tài xử lý phù hợp để đảm bảo tính răn đe, sự nghiêm minh của pháp luật.
Với những thông tin hiện có, ông Tuấn cho rằng việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự đối với các tội danh gồm Cố ý gây thương tích (Điều 134), Gây rối trật tự công cộng (Điểu 318) và Làm nhục người khác (Điều 155) tại Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra, xác minh hành vi có dấu hiệu phạm tội là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, để có thể quy kết trách nhiệm pháp lý của các cá nhân liên quan và làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần tiếp tục điều tra, xác minh một cách cẩn trọng và tập trung làm rõ một số yếu tố sau:
Đối với hành vi có dấu hiệu Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, do đây là tội danh mang tính định lượng nên mấu chốt của vấn đề là việc nạn nhân có xuất hiện thương tật hay không, và mức độ thương tật ra sao. Trường hợp mức độ thương tật trên 11%, có đủ cơ sở để cơ quan điều tra xem xét khởi tố bị can về tội Cố ý gây thương tích còn nếu dưới 11%, cần đánh giá hành vi có thuộc các tình tiết như có tính chất côn đồ hay dùng hung khí nguy hiểm (mũ bảo hiểm), cộng với việc bị hại có đơn yêu cầu khởi tố hay không.
Nếu hội tụ đầy đủ các yếu tố như trên, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích.
Đối với hành vi có dấu hiệu Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, dưới góc độ khoa học pháp lý, hành vi khách quan của tội Làm nhục người khác là hành vi của một người có tính chất xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
Hành vi có thể thể hiện bằng lời nói như chửi rủa, sỉ nhục nơi đông người hoặc hành động như: viết, vẽ, nhổ nước bọt vào mặt, ném phân, cà chua, trứng thối vào người; lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông… Về ý chí chủ quan, hành vi như trên xuất phát từ việc mong muốn làm nhục, hạ thấp danh dự, nhân phẩm người khác.
Đối với trường hợp trên, theo thông tin hiện có, do đã xuất hiện hành vi lột đồ, xé quần áo người khác nơi công cộng nên việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án Làm nhục người khác là hoàn toàn có cơ sở. Trong trường hợp bị quy kết tội về hành vi này, mức phạt người vi phạm có thể đối diện thấp nhất là phạt cảnh cáo, phạt tiền 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Đối với hành vi có dấu hiệu Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, có hai vấn đề chính cần làm rõ. Thứ nhất, đó là bà T. cùng em gái đã có những hành vi nào, có gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự xã hội hay không và thứ hai, đó là những người này đã từng bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự về hành vi tương tự hay chưa.
Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định có đầy đủ căn cứ xử lý hình sự và tống đạt các quyết định tố tụng, mức phạt cơ bản có thể áp dụng với người vi phạm là phạt tiền 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu ngoại tình thì có bị xử lý hình sự?
Ở chiều ngược lại, nhiều người đặt câu hỏi vậy nếu kết quả xác minh cho thấy nghi ngờ của người vợ là thật và giữa 2 người có mối quan hệ bất chính, có cơ sở để xem xét xử lý hay không?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về chế độ một vợ, một chồng, người nào đang có vợ/chồng mà đi kết hôn hay sống chung như vợ chồng với người khác, hoặc người chưa kết hôn nhưng chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có vợ/chồng thì mới bị xử lý hình sự.
Tùy vào tình tiết định khung mà người bị kết tội sẽ phải nhận mức án thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến một năm và nặng nhất là phạt tù đến 3 năm. Trường hợp hành vi chưa đủ cấu thành tội phạm hình sự, người vi phạm có thể bị phạt tiền 3-5 triệu đồng theo quy định tại khoản 1, Điều 59 Nghị định 82/NĐ-CP của Chính phủ về hành vi Vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
Như vậy, vấn đề mấu chốt để xem xét trách nhiệm trong trường hợp nghi vấn ngoại tình là chính xác là việc có hay không việc sống chung như vợ chồng với người khác trong thời gian vẫn còn đăng ký kết hôn. Nếu việc quan hệ bất chính chỉ dừng lại ở quan hệ tình cảm mà không có chuyện sống chung với nhau như vợ chồng, khó có căn cứ để xem xét trách nhiệm theo quy định của pháp luật.