Cơ chế thiếu dân chủ, khó có thầy giỏi

Tôi cũng là một giảng viên đại học và thường xuyên theo dõi loạt bài của các giảng viên trẻ trên Diễn đàn Dân trí. Tôi thấy vấn đề mấu chốt là ở cơ chế hiện nay trong các Trường, Khoa cũng như Bộ môn còn thiếu dân chủ.

Trong trường Đại học ở Việt Nam thì đơn vị Tổ bộ môn là rất quan trọng, vì nó quyết định về mặt chuyên môn và cả con người. Thế nhưng tâm lý "thích làm quan" của dân Việt mình quá mạnh, nên cái chức tổ trưởng (và cả tổ phó) đều là một cái đích đáng để nhiều người "chạy". Có cầu ắt có cung, vì thế mà cái quyền được lựa chọn người đứng đầu bộ môn cũng không còn dành cho các cán bộ của chính bộ môn ấy nữa.

Còn nhớ cách đây 15 năm, khi tôi mới về công tác ở một trường đại học. Các trường ngày đó chẳng có "màu mè" gì, phòng học còn có cả nhà cấp 4, đầu tư thì ít, hiệu trưởng cũng không có ô tô mà đi. Ngày ấy thì hiệu trưởng cũng được bầu, rồi trưởng khoa bầu, đến các bộ môn đương nhiên cũng được bầu. Ở các cấp cao tôi không hiểu lắm nên không dám bàn, nhưng ở bộ môn thì rõ ràng anh em đều bầu những người rất xứng đáng (vì bộ môn thường chỉ có trên dưới 10 người, ai thế nào thì mọi người rõ cả!).

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Ngày nay thì sao? Hiệu trưởng thì Bộ trưởng bổ nhiệm. Trưởng khoa, trưởng bộ môn thì do Hiệu trưởng, Trưởng phòng tổ chức chỉ định. Ấy là nói cái bản chất, còn trên thực tế thì còn "diễn" ra cái trò “dân chủ”. Như khi chỗ tôi mới thành lập một khoa mới, trên cơ sở của một bộ môn lớn của chúng tôi. Ông trưởng phòng tổ chức xuống nói: bây giờ khoa mới có 3 bộ môn là Công nghệ phần mềm (CNPM), Khoa học máy tính (KHMT) và Hệ thống thông tin (HTTT), ai muốn về bộ môn nào thì cứ đăng ký, tùy theo sở trường của mình, còn trưởng bộ môn thì chưa quyết được. Sau buổi họp đó phải mấy tháng sau mới có các trưởng bộ môn: một vị ở bộ môn HTTT sang làm trưởng bộ môn (tạm thời) CNPM, một vị ở bộ môn CNPM sang làm trưởng bộ môn HTTT. Không ai hiểu sao cả.

Một thời gian nữa, sau khi cấp trên đã cho thấy rõ ai sẽ là người được lựa chọn chính thức, họ bày ra trò Bỏ phiếu tín nhiệm - một hình thức dân chủ giả hiệu, các anh cứ bỏ phiếu tín nhiệm đi, còn chọn ai là quyền của cấp trên chúng tôi. Trong tình huống mà lá phiếu của mình không có giá trị lựa chọn, lại biết cấp trên sẽ chọn ai rồi thì còn ai dại gì mà bỏ phiếu cho người khác, ngoài cái "lựa chọn" kia, biết đâu sau nó biết nó trù mình thì chết. Thế là mấy vị trưởng bộ môn tạm thời kia đều được 100% tín nhiệm và danh chính ngôn thuận trở thành trưởng bộ môn chính thức.

Sẽ không có vấn đề gì nếu những người được chọn làm được việc. Nhưng họ lại là những người kém về chuyên môn. Như trưởng bộ môn Công nghệ phần mềm mà chỉ có thể lập trình được những bài toán cỡ như giải phương trình bậc 2, và không dạy được một môn chuyên ngành nào thế thì lãnh đạo ra sao, những người mà vị trưởng bộ môn này "ưu ái" và những người sẽ được nhận tiếp vào bộ môn sẽ thế nào? Bộ môn sa sút từ đó, các mâu thuẫn âm thầm và công khai cứ ngày càng lớn dần.

Muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi. Muốn có thầy giỏi phải nhận người đúng, dùng người đúng, làm cho người ta tận tâm tận lực làm việc. Muốn được như vậy nhất thiết phải có một trưởng bộ môn có tài, có tâm, được anh em (ít nhất là anh em trong bộ môn) tâm phục khẩu phục.

Còn rất nhiều vấn đề còn tồn tại gay gắt trong các trường đại học hiện nay, nhưng trong hiểu biết có hạn của tôi xin để cập một vấn đề hết sức tế nhị nhưng cũng rất quan trọng - vấn đề nhân sự.

Quý Tân

LTS Dân trí - Nhiều bài viết trên Diễn đàn Dân trí phản ảnh về tình trạng quản lý thiếu dân chủ ở các trường đại học, đặc biệt là ở Bộ môn là đơn vị quản lý cấp cơ sở có vai trò quan trọng, trực tiếp quản lý chuyên môn cũng như quản lý cán bộ giảng dạy. Vì việc bổ nhiệm thiếu dân chủ và không chính xác, nhiều cán bộ lãnh đạo bộ môn vừa thiếu tài thiếu đức, thực hịện cách quản lý theo kiểu gia trưởng, bè cánh, thiếu công bằng và công tâm đối với đồng nghiệp, nhất là với cán bộ trẻ, làm cho nhiều người sinh chán nản, không nhìn thấy hướng phát triển của bản thân. Vì vậy, họ không gắn bó với trường, chỉ chờ cơ hội đi du học hoăc chuyển ra làm ngoài để có điều kiện làm việc tốt hơn và có đời sống bảo đảm hơn.

Khắc phục tình hình nói trên, cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý ở các trường đại học, nhằm phát huy đầy đủ tinh thần dân chủ trong công tác tổ chức cũng như quản lý chuyên môn và đánh giá cán bộ dựa trên những tiêu chí khoa học, khách quan, bảo đảm sự công tâm và công bằng ở mọi cấp quản lý, nhất là ở cấp cơ sở ( Bộ môn).