Lời kêu cứu khẩn thiết của lao động nữ Việt Nam từ Arập:

“Chết bên này thì không còn được gặp mặt con”

Chị Đặng Thị Lan Anh, em gái chị Đặng Thị Lan Chi thẫn thờ khi chị gái cho biết chị thở không nổi, ốm nặng.Sau khi báo Lao Động&Đời sống số 6/2014 đăng bài viết “Lời kêu cứu khẩn thiết của lao động nữ Việt Nam từ Arập”, Giám đốc Cty cổ phần đầu tư và nhân lực quốc tế Intime (tại 132-134 Ngô Thị Thu Minh, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM) Nguyễn Tiến Thi cho biết đã liên lạc với chị Đặng Thị Lan Chi.

Theo đó, chị Chi cho hay đã nhận ra tình cảm của chủ nhà và cho chị thời gian suy nghĩ là có về nước hay không. Thực tế, ngay tại buổi làm việc mới đây, khi PV trực tiếp gọi điện cho chị Lan Chi thì phản ứng của chị Chị khác hẳn, thậm chí còn nói: “Chị sợ chị chết bên này thì không còn được gặp mặt con”.

“Chết bên này thì không còn được gặp mặt con”
Chị Đặng Thị Lan Anh, em gái chị Đặng Thị Lan Chi thẫn thờ khi chị gái cho biết chị thở không nổi, ốm nặng.

Cty đã làm đúng quy trình về xuất khẩu lao động

Ngày 24.2, tại buổi làm việc với PV và người nhà chị Lan Chi, ông Nguyễn Tiến Thi cho biết, sau khi báo đăng, ông Thi đã trao đổi với chị Lan Chi về việc chị Lan Chi có muốn về nước hay không, chị ấy không trả lời. Ông Thi cũng làm việc với chủ nhà, chủ cũng rất có tình cảm với chị.

“Chị Chi bây giờ cũng có cảm tình và nhận ra tình cảm của chủ nên nói với tôi cho chị ấy một ngày để suy nghĩ xem có về hay không?” - ông Thi khẳng định. Bên cạnh đó, ông Thi cũng tỏ ý trách chị Lan Chi về việc chị không gọi điện về Cty - mà trực tiếp là ông Thi, để nhờ Cty can thiệp hoặc trao đổi trực tiếp với chủ nhà để hóa giải bất đồng. Theo ông Thi, khi Cty đưa NLĐ đi thì sẽ có trách nhiệm đến hết hạn hợp đồng chứ không có chuyện NLĐ gọi điện không nghe, nhắn tin không trả lời.

Khi ông Thi cho rằng, Cty có phát sách hướng dẫn các tình huống, nhưng chị Chi không chịu sử dụng, PV đặt câu hỏi: “Chị Lan Chi có được học các lớp hướng dẫn kỹ năng, đào tạo trước khi sang Arập không? Thời điểm ký HĐLĐ cách thời điểm NLĐ đi nước ngoài là bao lâu?”.

Ông Nguyễn Tiến Thi cho biết, theo luật thì trước khi NLĐ xuất khẩu lao động, Cty phải cho NLĐ tham gia lớp đào tạo, định hướng; nhưng do chị Chi không có điều kiện tập trung nên mọi công tác tư vấn, giải đáp thắc mắc như mức lương, quy chế… đều giao cho cộng tác viên (người môi giới có tên Hương mà PV đã đề cập trong bài viết trước).

Về điểm ký HĐLĐ, ông Thi cho biết, theo luật thì chậm nhất là 2 ngày trước lúc đi. Tuy nhiên, theo HĐLĐ mà Cty cung cấp cho chúng tôi, chị Lan Chi chỉ ký trước 1 ngày (ngày 12.6.2013), trong khi ngày 13.6.2013 chị đã lên máy bay sang Arập. Ông Thi giải thích, do chị Chi thích đi cùng đoàn, sợ lạc nên yêu cầu được đi liền, Cty đã giải quyết cho chị đi ngay và chị Chi ký HĐLĐ tại văn phòng Cty. Trong khi đó, chị Chi khẳng định rằng khi chị ra sân bay, giám đốc Nguyễn Tiến Thi mới mang HĐLĐ ra sân bay cho chị ký, cho tới giờ chị cũng chưa biết “mặt mũi” Cty ra sao!

“Thứ nhất tôi muốn nói lại là giúp việc gia đình, bản chất công việc của nó, Nhà nước hiểu, DN hiểu, NLĐ hiểu và cả xã hội hiểu, không thể nào áp dụng quy định HĐLĐ 8 tiếng/ngày, cái đó là quy tắc cho nghề giúp việc gia đình. Các văn bản pháp luật ghi rõ bản chất công việc nó là thế.

Trong quá trình làm việc, chúng tôi đều tham khảo đầy đủ văn bản, có các cơ quan hướng dẫn”, ông Thi nói. “Vậy Cty mình đúng hết?” - PV đặt câu hỏi. “Nói đúng hết tôi không dám khẳng định, nhưng tôi làm đúng theo quy trình xuất khẩu lao động, làm đúng các quy định của Nhà nước đưa ra. Nghề này chúng tôi phải vật lộn để sống sót, là để xóa đói giảm nghèo, đưa NLĐ đi miễn phí cực kỳ khó, giúp việc nhà lại không nặng nề. Nếu không có tâm, tôi không làm mảng xuất khẩu lao động giúp việc gia đình!” - ông Thi nói.

Về trường hợp của chị Đặng Thị Lan Chi, ông Thi cho biết nếu NLĐ có nguyện vọng tiếp tục làm việc thì làm tiếp hoặc đổi chủ thì Cty sẽ đổi, hay muốn về thì Cty sẽ thương lượng cho NLĐ về nước trước hạn, chi phí NLĐ trả sẽ gồm tiền vé từ Arập về Việt Nam (ít nhất 500USD), chi phí visa, khám sức khỏe… do chủ đã bỏ ra từ đầu.

“Đưa chị về đi, chị kiệt sức lắm rồi!”

Để xác minh “mối quan hệ rất tốt giữa chủ sử dụng lao động và chị Chi” theo lời nói của ông Thi, chúng tôi đã trực tiếp gọi điện cho chị Lan Chi (bật loa to, tất cả những người tham gia buổi làm việc đều nghe thấy). Chị Lan Chi khóc nức nở kể, cả tuần này chị bệnh, thở không nổi, chủ mới cho đi truyền nước biển và thở ôxy, nhưng chủ chỉ nói cảm sơ sơ. Giờ chị kiệt sức lắm rồi, chị chịu không nổi, sợ tiếp tục làm bên này sẽ chết mà không được gặp con. Tâm nguyện lúc này của chị là muốn về Việt Nam. Chị tha thiết mong các cơ quan chức năng giúp đỡ.

“Sao chị lại không gọi điện về cho ông Thi để ông ấy hỗ trợ?” - PV đặt câu hỏi. Chị Chi khóc nấc: “Ba tháng đầu, tôi không quen với chủ, tôi đã gọi điện cho ông Thi nhờ đổi chủ, nhưng ông Thi không đổi, ông Thi còn nói bao nhiêu người đi không sao, mỗi mình tôi là rắc rối.

Sau đó, tôi ăn không được, cuộc sống rất cực, sụt cân liên tục, tôi gọi điện nhưng ông Thi không bắt máy, tôi nhắn tin ông Thi không trả lời. Có ngày tôi nhắn gần chục cái tin, mỗi cái tin như vậy là 9.000 đồng. Có lúc tôi bệnh không biết nói với ai, phải nhắn qua cho con gái, nhờ con gái dịch sang tiếng Anh để tôi gửi cho chủ, có như vậy tôi mới được chủ đưa đi khám”.

Về việc ông Thi cho biết công việc của chị Chi khá nhẹ nhàng, không có chuyện ăn uống chỉ có 5 phút, mỗi ngày ăn một bữa cơm, chị Chi cho hay: “Mỗi ngày có một bữa chính vào lúc gần 3 giờ chiều. Tôi nấu cơm cho chủ ăn xong, còn dư thì mình ăn. Buổi tối, tầm khoảng 9-10 giờ đêm, nấu bữa ăn phụ cho chủ. Nếu chủ ăn còn dư thì mình ăn, hết thì thôi”. Nghe đến đây, người nhà của chị Chi cũng khóc òa.

“Hôm trước, báo chí đăng lên, Đại sứ quán Việt Nam hay cơ quan nào đó có mời vợ chồng chủ lên làm việc. Khi về nhà, chủ la tôi. Tôi sợ quá khóc nên tay run lập cập, trong lúc xay sinh tố, tôi đã làm vỡ cái cối. Chủ ra dấu tôi làm vỡ cái cối thì tháng này bị trừ 200USD. Tôi sợ quá!... Đưa chị về thôi, chị kiệt sức lắm rồi!” - chị Chi trình bày.

Nghe đến đó, ông Thi đề nghị được nói chuyện với chị Lan Chi, nhưng chúng tôi từ chối và nói rằng: "Đây là cuộc điện thoại làm việc của chúng tôi, nếu ông muốn nói chuyện với chị Lan Chi, ông có thể trực tiếp gọi điện thoại cho chị ấy". Ông Thi im lặng và nói lảng sang chuyện khác.

Cục và Đại sứ quán đang hỗ trợ tích cực để đưa NLĐ về nước

Chiều 25.2, trao đổi với PV, ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) - cho biết, lãnh đạo cục đã có ý kiến với Đại sứ quán Việt Nam tại Arập, tập trung chỉ đạo giải quyết sớm trường hợp của chị Đặng Thị Lan Chi. Theo ông Hải, cục và Đại sứ quán đang và sẽ hỗ trợ tích cực việc đưa NLĐ về nước. Tuy nhiên, vấn đề này cần có thời gian vì theo quy định của nước bạn, nếu NLĐ có hộ chiếu, tiền mua vé về nước nhưng chủ không đồng ý thì Cơ quan xuất nhập cảnh cũng không dám cấp phép. Hiện Đại sứ quán bên đó đang can thiệp và từng bước đề nghị chủ sử dụng lao động đồng ý ký vào bản cam kết để đưa NLĐ về nước.

Khi PV đề cập đến việc Cty cổ phần đầu tư thương mại và nhân lực quốc tế Intime cho biết sẽ đưa NLĐ về nước nếu NLĐ chịu đóng tiền vé máy bay và phí bồi thường cho chủ sử dụng lao động, nhưng NLĐ lại không có tiền thì ông Hải cho rằng, vấn đề tiền nong không đáng ngại vì Đại sứ quán bên đó có quỹ hỗ trợ cho công dân Việt Nam, NLĐ có thể vay, sau đó về nước trả.

 

Hợp đồng ký kết giữa Cty và chị Chi có nhiều điều khoản không rõ ràng

Điều 17 Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở ngước ngoài quy định: Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có các nội dung cụ thể, phù hợp với nội dung của hợp đồng cung ứng lao động. Hợp đồng cung ứng lao động phải phù hợp với pháp luật Việt Nam. Hợp đồng ký kết giữa Cty Intime và chị Đặng Thị Lan Chi có nhiều điều khoản không rõ ràng như: Thời gian làm việc: Theo quy định của chủ sử dụng lao động; làm thêm giờ:

Theo luật lao động Arab Saudi; thu nhập làm thêm: Phụ thuộc vào chủ sử dụng và ý thức của chị Lan Chi. Hợp đồng quy định chị Lan Chi là lao động phổ thông mà thời gian thử việc 3 tháng là trái Điều 27 Bộ luật Lao động Việt Nam, quy định thời gian thử việc không quá 6 ngày. Dù hợp đồng có các điều khoản quy định không rõ ràng thì phải áp dụng theo quy định Bộ luật Lao động Việt Nam.

Nếu thực tế thời giờ làm việc chị Lan Chi vượt quá 8 giờ một ngày thì thời gian vượt quá phải được trả lương làm thêm giờ và số giờ làm thêm cũng không vượt quá 4 giờ một ngày, 30 giờ một tháng, 200 giờ một năm. Ngoài ra, khi làm việc liên tục 8 giờ, chị Lan Chi được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút (hoặc 45 phút nếu vào ban đêm) tính vào thời giờ làm việc. Chị Lan còn được quyền nghỉ 1 ngày một tuần hoặc ít nhất 4 ngày một tháng. Nếu chủ nhà không đảm bảo về thời giờ làm việc, số giờ làm thêm, thời giờ nghỉ ngơi, không trả lương làm thêm giờ cho chị Lan Chi là vi phạm pháp luật lao động Việt Nam. Chị Lan Chi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trở về Việt Nam, rồi thỏa thuận thanh lý hợp đồng với Công ty Intime.

(Luật sư Lê Quang Vũ – Phó Trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo, TPHCM)


Theo Lê An Nhiên 
Lao động