Chăm làm từ thiện, "cô tiên" Trúc Phương có được giảm nhẹ trách nhiệm?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo quy định, người phạm tội được quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ thể hiện thành tích trong việc từ thiện để Tòa án xem xét có ghi nhận đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay không.

Công an TPHCM đang tạm giam người mẫu Andrea Aybar (tức An "Tây" hay Nguyễn Thị An), Nguyễn Trung Hiếu (ca sĩ Chi Dân) và Nguyễn Đỗ Trúc Phương về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Trong 3 bị can, Trúc Phương được biết đến với biệt danh "cô tiên" từ thiện khi đã kêu gọi hỗ trợ cho khoảng 100 người, với số tiền dưới 10 tỷ đồng. Trong đó, có các trường hợp đặc biệt như "Chú Hải chạy xe ôm", "ông Minh cô đơn", "anh Phạm Văn Tâm (ngụ Tây Ninh) bị rắn hổ mang chúa cắn vì liều mình đi bắt rắn kiếm tiền đóng học cho con", "ngư dân bị hành hạ dã man trên tàu cá"...

Riêng trường hợp "ngư dân bị hành hạ dã man trên tàu cá", Phương đã kêu gọi quyên góp được hàng tỷ đồng, có thời điểm chỉ trong vòng 1 giờ, số tiền ủng hộ đã được 700 triệu đồng.

Trước thông tin sự việc, nhiều độc giả Dân trí thắc mắc, Trúc Phương có thể được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhờ quá trình hoạt động từ thiện trước đó.

Chăm làm từ thiện, cô tiên Trúc Phương có được giảm nhẹ trách nhiệm? - 1

Trúc Phương tại cơ quan công an (Ảnh: Thuận Thiên).

Giải đáp băn khoăn của độc giả, luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội có thể được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu thuộc các trường hợp như tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức; người phạm tội tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác hay là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ...

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều này, khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Như vậy, có thể thấy việc tích cực tham gia từ thiện hoặc các công tác xã hội khác không mặc định được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. 

Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tình tiết giảm nhẹ "người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác" sẽ được xem xét áp dụng đối với người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua. 

Do đó, về lý thuyết, người phạm tội tích cực tham gia từ thiện có thể không mặc định được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Dẫu vậy, trong trường hợp có nhiều bằng khen, giấy khen, được các cơ quan, tổ chức ghi nhận công lao đóng góp, người phạm tội vẫn có quyền cung cấp những tài liệu, chứng cứ này tới các cơ quan tiến hành tố tụng để được xem xét ghi nhận tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. 

Việc xem xét có áp dụng tình tiết giảm nhẹ hay không sẽ do Hội đồng xét xử đánh giá, quyết định. Nếu ghi nhận đây là tình tiết giảm nhẹ, HĐXX phải ghi nhận trong bản án và ghi rõ lý do. 

Đồng thời, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ xem xét, đánh giá để áp dụng các tình tiết tăng nặng cũng như áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Trong trường hợp người phạm tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, HĐXX có thể áp dụng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà người phạm tội có thể bị truy tố. 

Trường hợp người phạm tội bị truy tố ở khung hình phạt nhẹ nhất, HĐXX có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.