Căn cứ tuyên án tử hình cho kẻ giết 6 người rồi bỏ trốn suốt 43 năm
(Dân trí) - Theo luật sư, do thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với người phạm tội bỏ trốn và đã có quyết định truy nã tính từ khi người đó bị bắt giữ nên có căn cứ để xử lý hình sự Phan Thanh Việt.
Phan Thanh Việt (71 tuổi, ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mới đây đã bị TAND tỉnh Quảng Ngãi tuyên phạt tổng mức án tử hình về các tội Giết người và Cướp tài sản. Việt cùng 4 đồng phạm là những người gây ra vụ thảm án tại bãi biển Bình Sơn vào năm 1981 khiến 6 người tử vong. Sau 43 năm lẩn trốn, tới tháng 1 năm nay, Việt bị bắt giữ khi đang cư trú tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Từ sự việc trên, độc giả Dân trí đặt câu hỏi về việc vì sao sau 43 năm từ ngày gây ra tội ác, Việt vẫn có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết việc áp dụng căn cứ pháp lý để xử lý Việt sẽ dựa trên Thông tư số 442/TTg ngày 19/1/1955 của Thủ tướng Chính phủ và Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân năm 1970 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, theo Điều 3 Thông tư 442/TTg, người phạm tội Cố ý giết người có thể đối diện mức phạt tù 5-20 năm. Trường hợp dự mưu có thể áp dụng hình phạt cao nhất lên đến tử hình.
Còn Theo Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân năm 1970, người sử dụng bạo lực để chiếm đoạt tài sản riêng của công dân sẽ đối diện khung hình phạt 2-12 năm tù. Trường hợp hành vi có tính chất chuyên nghiệp, có tổ chức hay làm chết người… thì mức phạt áp dụng là phạt tù 10-20 năm, tù chung thân hoặc xử tử hình.
Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, pháp luật hình sự của Việt Nam trước khi Bộ luật Hình sự 1985 ra đời không quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại Bộ luật Hình sự các năm 1985, 1999 và 2015, thời hiệu dài nhất để truy cứu trách nhiệm hình sự lần lượt là 15 năm (Điều 45 BLHS 1985) và 20 năm (Điều 23 BLHS 1999, Điều 27 BLHS 2015).
Dù quy định về thời hiệu khác nhau song có điểm chung trong các Bộ luật này, đó là đều có quy định về việc nếu người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu tính lại từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Đối chiếu trường hợp trên, có thể thấy hành vi của Việt được thực hiện từ tháng 4/1981, tức quá các mốc thời hiệu 15 năm (BLHS 1985) và 20 năm (BLHS 1999, 2015). Tuy nhiên, do nghi phạm cố tình bỏ trốn và lực lượng chức năng đã ra lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm, thời hiệu sẽ được tính lại từ thời điểm Việt bị bắt giữ.
Do vậy, thời hiệu là vẫn còn và hoàn toàn đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nghi phạm về các hành vi đã thực hiện trước đây.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 4/1981, Phan Thanh Việt móc nối đưa 10 người ở quận Phú Nhuận (TPHCM) về Quảng Ngãi tổ chức vượt biên bằng đường biển. Trong số này có nhóm 6 người gồm 2 phụ nữ, 3 người đàn ông và bé trai 14 tuổi. Theo thỏa thuận, Việt sẽ được trả 5 lượng vàng khi đưa 6 người vượt biên thành công.
Về đến Quảng Ngãi, Việt không tổ chức cho nhóm người này vượt biên mà tìm gặp Nguyễn Minh Châu, Bùi Văn Lâm, Võ Văn Thọ, Bùi Thanh Sơn bàn tính cách cướp tài sản. Sau khi bàn bạc, các đối tượng thống nhất sẽ giết cả nhóm 6 người.
Tối 8/4/1981, nhóm của Việt đưa 6 người muốn vượt biên ra bờ biển, cách khu dân cư khoảng 200m. Tới khoảng 22h, nhiều tiếng súng vang lên. 5 người bị giết bằng súng, một nạn nhân nữ bị đối tượng Châu hiếp dâm rồi bóp cổ đến chết. Nhóm của Việt lục tìm tài sản, đào 3 hố cát chôn các nạn nhân.
Sau khi lục tìm được một lượng vàng, 250 đồng và một số vật dụng khác, nhóm của Việt về nhà Lâm chia tài sản. Mỗi người được chia một chỉ vàng, 50 đồng. Chia tài sản xong, cả nhóm mang số bánh kẹo thu được của các nạn nhân ra ăn rồi bàn cách vào TPHCM lấy 5 lượng vàng.