"Câu" trộm wifi có bị coi là trộm cắp tài sản? Bị xử lý như thế nào?
(Dân trí) - Quang Hưng đang họp online với cấp trên thì màn hình máy tính bị đơ. Kiểm tra mạng, anh phát hiện wifi có 4 thiết bị lạ đang kết nối.
Anh Hưng, 31 tuổi, ở quận Hà Đông, là giáo viên dạy tiếng Anh và viên chức của một trường đại học. Từ khi dịch bệnh bùng phát, anh thường xuyên sử dụng wifi để làm việc và dạy học tại nhà. Thời gian gần đây, anh liên tục than phiền vì wifi kết nối chậm, làm gián đoạn công việc.
Hôm 8/11, anh Hưng đang tham gia cuộc họp quan trọng thì wifi bị đơ khiến anh phải thoát ra. "Nhiều lần đang dạy học hoặc họp online, mạng giật yếu, tôi phải dừng lại để tìm cách xử lý và gọi tổng đài hỗ trợ nhưng tình hình không khả quan hơn. Tôi nhờ một người bạn hướng dẫn kiểm tra thì phát hiện 4 thiết bị lạ đang kết nối trong khi wifi vẫn cài mật khẩu", anh Hưng kể.
Tìm được nguyên nhân song không có cách nào để xác định danh tính người dùng trộm, anh phải liên hệ chuyên gia để nâng cao bảo mật và tìm "thủ phạm".
Sau khi trao đổi, anh Hưng phát hiện "thủ phạm" chính là hàng xóm. "Mặc dù đã tìm ra người dùng trộm nhưng tôi lại không biết xử lý thế nào và cũng không hiểu họ dùng cách gì để câu trộm trong khi wifi luôn cài mật khẩu", anh Hưng nói.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Trả lời Dân trí, Chuyên gia an ninh mạng Ngô Trường An cho biết, việc câu trộm wifi rất dễ thực hiện, người lạ có thể dùng nhiều cách để "bẻ khóa" mật khẩu. Đơn giản nhất, họ sẽ dùng điện thoại tải app có sẵn trên kho ứng dụng. Các ứng dụng này cho phép người dùng tải miễn phí, đăng nhập dễ dàng rồi bẻ khóa những địa chỉ wifi có bảo mật yếu. Tinh vi hơn, họ sẽ lợi dụng các thiết bị công nghệ bán trên thị trường để thực hiện hành vi này.
Theo chuyên gia, đa số người dùng mua gói cước từ 165.000đ - 250.000đ/tháng. Gói cước này chỉ đáp ứng tối đa 5-7 thiết bị điện tử thông minh truy cập wifi để dùng các tác vụ hỗn hợp. Nếu có người "câu trộm", vượt quá lượng thiết bị tối đa, wifi sẽ bị chậm, đơ, giật, hiển thị quay tròn, gây khó chịu cho người sử dụng.
Nhiều người lầm tưởng việc câu trộm wifi là vô hại nhưng luôn chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn. Hacker (tin tặc) sau khi bẻ khóa có thể khai thác các lỗ hổng bảo mật để lấy cắp dữ liệu cá nhân như thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng,... Họ có thể truy cập trái phép Camera IP, xem các hình ảnh, video riêng tư, cho lây nhiễm virus mã độc vào hệ thống mạng nội bộ để phá hoại.
Nguy hiểm hơn, tin tặc cao tay có thể biến hệ thống mạng của nạn nhân trở thành Botnet (mạng máy tính ma) để thực hiện các hành vi phạm tội công nghệ cao như phát tán mã độc, gửi email lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc đánh cắp danh tính,…
Để tránh rủi ro, người dùng có thể tải ứng dụng kiểm tra xem wifi có đang bị "câu trộm" hay không. Nếu phát hiện thiết bị lạ xâm nhập, bạn cần gỡ bỏ các ứng dụng có tính năng tạo cộng đồng chia sẻ wifi cho nhau dùng chung và cài lại mật khẩu wifi có độ dài tối thiểu từ 9 ký tự trở lên, trong đó có cả số, chữ cái thường, chữ cái in hoa cùng các ký tự đặc biệt. Hãy bật chế độ mã hóa mật khẩu wifi là AES, bật FireWall (tường lửa) trong các thiết bị phát để ngăn chặn tấn công mạng.
Ngoài ra, bạn có thể cài cấu hình giảm công suất phát sóng wifi để sóng này không vượt qua không gian nhà bạn và sử dụng ít nhất một ứng dụng phòng chống virus đáng tin cậy, theo chuyên gia.
Câu trộm wifi bị coi là trộm cắp tài sản
Về truy cập mạng wifi trái phép, Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch cho rằng, nhiều người lầm tưởng việc "câu trộm" hay sử dụng wifi khi không có sự cho phép của người khác là bình thường. Tuy nhiên, trên khía cạnh pháp lý, hành vi câu trộm wifi một cách lén lút, lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu để sử dụng "chùa" cho mục đích cá nhân sẽ bị coi là trộm cắp tài sản. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, thủ phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu hành vi câu trộm gây thiệt hại không đáng kể, giá trị tài sản không lớn, người thực hiện sẽ bị quy tội trộm cắp vặt bởi đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác. Trường hợp vi phạm lần đầu, người "câu trộm" có thể bị phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, theo điểm a khoản 1 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc gây thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên, người vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng, theo điều 173 Bộ luật Hình sự 2015.
Với hành vi cố ý phá mật khẩu wifi, làm mất an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc ảnh hưởng tới quyền bí mật riêng tư, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, theo khoản 2 điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Nếu tái phạm, người này có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc chịu trách nhiệm hình sự lên đến 3 năm tù về tội xâm phạm bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác, theo điều 159 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo luật sư, mặc dù việc câu trộm wifi là hành vi phạm pháp, có chế tài xử lý rõ ràng nhưng trên thực tế có rất ít trường hợp bị xử lý bởi khó tìm ra thủ phạm. Hơn nữa, thiệt hại về tài sản trong vụ việc này không lớn nên chủ sở hữu thường tặc lưỡi bỏ qua. Thậm chí, khi chủ sở hữu trình báo hoặc vụ việc bị cơ quan chức năng phát hiện thì người vi phạm chỉ bị xử phạt ở mức răn đe, áp dụng chế tài kiểm điểm, cảnh cáo vì thiệt hại tài sản không đáng kể.
*Tên nhân vật đã thay đổi