Đang học thạc sĩ, đã có vợ con có thuộc diện đi nghĩa vụ quân sự không?
(Dân trí) - Những người đang học thạc sĩ, bị cận thị, là con một... có thuộc diện đi nghĩa vụ quân sự không? Nhiều câu hỏi được đặt ra khi cả nước đang thực hiện khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự năm 2022.
Tuổi nghĩa vụ quân sự là bao nhiêu?
Cũng như các năm trước đây, năm 2022 tới đây, độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự vẫn là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Riêng trường hợp công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết năm 27 tuổi. Đây là quy định tại Điều 30 của Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành.
Lưu ý, độ tuổi nhập ngũ được tính từ ngày tháng năm sinh ghi trên giấy khai sinh của công dân cho đến ngày giao quân.
Tiêu chuẩn sức khỏe nghĩa vụ quân sự như thế nào?
Theo Điều 31 của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, ngoài đáp ứng điều kiện về độ tuổi nêu trên, công dân được gọi nhập ngũ phải đáp ứng 04 điều kiện sau:
- Có lý lịch rõ ràng;
- Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
- Có đủ sức khỏe để phục vụ tại ngũ;
- Có trình độ văn hóa phù hợp.
Trong đó, tiêu chuẩn về sức khỏe và trình độ văn hóa được quy định tại Thông tư 148/2018/TT-BQP (có hiệu lực từ ngày 28/11/2018) như sau:
Về tiêu chuẩn sức khỏe: Phải có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP, riêng những công dân có sức khỏe loại 3 bị cận thị 1,5 độ trở lên, viễn thị ở các mức độ, bị nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS cũng sẽ không được gọi nhập ngũ;
Về trình độ văn hóa: Chỉ gọi nhập ngũ những công dân có trình độ văn hóa từ lớp 8 trở lên. Riêng những địa phương khó đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì được tuyển chọn công dân trình độ lớp 7.
Đang học thạc sĩ có phải đi nghĩa vụ quân sự không?
Người đang học các trình độ: giáo dục phổ thông, đại học chính quy tại cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng chính quy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được hoãn nghĩa vụ quân sự.
Việc hoãn nghĩa vụ quân sự chỉ áp dụng trong một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo, do đó nếu đang học thạc sĩ thì không được xem xét tạm hoãn hay miễn nghĩa vụ quân sự. Nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì người học thạc sĩ vẫn phải tham gia nghĩa vụ quân sự.
Con một có phải đi nghĩa vụ quân sự không?
Con một không phải là một trong các tiêu chí để tạm hoãn/miễn tham gia nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, nếu thuộc các trường hợp sau thì con một có thể được miễn/hoãn nghĩa vụ quân sự:
- Miễn gọi nhập ngũ: Con của liệt sĩ, thương binh hạng 1; một anh/em trai của liệt sĩ; người làm công tác cơ yếu nhưng không phải quân nhân, công an…
- Tạm hoãn nhập ngũ: Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ; có anh/chị/em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, dân quân thường trực.
Bị cận thị có phải đi nghĩa vụ quân sự không?
Công dân được gọi nhập ngũ là người có sức khỏe loại 1, 2, 3. Tuy nhiên sẽ không gọi nhập ngũ người có sức khỏe loại 3 bị cận thị từ 1,5 độ trở lên, viễn thị các mức độ, nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS. Do đó, nếu bị cận thị từ 1,5 độ trở lên thì không đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự.
Đã lấy vợ và có con nhỏ có phải đi nghĩa vụ quân sự không?
Các trường hợp miễn. hoãn gọi nhập ngũ không áp dụng với người đã có gia đình và con nhỏ mà chỉ áp dụng với:
- Người không đảm bảo sức khỏe
- Con thương binh hạng 1 hoặc con liệt sĩ
Do đó, người đã có gia đình và con nhỏ vẫn phải tham gia nghĩa vụ quân sự nếu đủ sức khỏe. Tuy nhiên, nếu có vợ và con nhỏ nhưng thuộc trường hợp là lao động duy nhất trong nhà, phải trực tiếp nuôi thân nhân không có khả năng lao động, chưa đến tuổi lao động… thì thuộc trường hợp được tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Đang có việc làm ổn định có phải đi nghĩa vụ quân sự không?
Các trường hợp được miễn hay tạm hoãn nghĩa vụ quân sự không có trường hợp nào cho phép miễn hay tạm hoãn đi nghĩa vụ đối với người đã có việc làm ổn định. Nếu đủ điều kiện sức khỏe thì người có việc làm ổn định vẫn phải đi nghĩa vụ quân sự và thuộc trường hợp được tạm hoãn hợp đồng lao động.
Trốn nghĩa vụ quân sự bị xử phạt như thế nào?
- Về xử phạt hành chính:
Nghị định số 120/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 02 - 04 triệu đồng với hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe mà không có lý do chính đáng bị phạt từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng…
- Về truy cứu trách nhiệm hình sự:
Theo Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, nếu đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn nghĩa vụ quân sự hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm.
Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng như: Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình; Lôi kéo người khác phạm tội… mức phạt tối đa là 05 năm tù.