Cà Mau: Hiệu trưởng bị “tố” mở cổng phụ để “độc quyền” bán hàng
(Dân trí) - Không biết việc mở cổng phụ như vậy là có đúng hay không nhưng cả huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) chỉ có Trường THCS Thanh Tùng là có cổng phụ. Đặc biệt, cổng phụ này chỉ dành riêng cho gia đình ông hiệu trưởng.
Hơn 20 năm đứng lớp… vẫn “dôi dư”
Theo phản ánh của bà N.T.H.N. (người có hơn 20 năm dạy môn Văn của trường), bà vừa gửi đơn khiếu nại lên Phòng GD-ĐT và cơ quan chức năng huyện Đầm Dơi phản ánh “quy trình ngược” mà ông hiệu trưởng đã và đang định áp dụng đối với bản thân bà.
Theo nội dung đơn cho thấy, bà N. đã đứng lớp hơn 20 năm, có thâm niên nhiều nhất trong các giáo viên dạy môn Văn của trường. Trong quá trình công tác cũng như giảng dạy, bà luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, chưa từng bị nhắc nhở lần nào và đã mang lại khá nhiều thành tích cho trường. Vậy mà, vào buổi họp Hội đồng sự phạm đầu năm, Ban giám hiệu (BGH) không phân công bà đứng lớp. Khi bà N. hỏi thì đại diện BGH trả lời là thừa giáo viên và cho biết đang làm quy trình chuyển bà sang làm công tác phổ cập giáo dục.
Theo tài liệu mà bà N. cung cấp, bà N. có hỏi: “Ban giám hiệu dựa vào văn bản nào mà phân công tôi như vậy?”. Trước câu hỏi của bà N., ông Trần Vũ Cương trả lời với giọng đầy “quyền lực” và đổ thừa hoàn toàn trách nhiệm Phòng GD-ĐT: “Cô nói vậy là thấy hổng được. Bây giờ, ở nhà trường, Phòng Giáo dục yêu cầu 19 tiết, dư là coi như không phân công hoặc điều làm công tác khác…”. Ông Cương còn khẳng định: “Có hai khả năng, một là sắp tới nhà trường trao đổi cho cô làm công tác khác, hai là nếu cô không chịu thì nhà trường sẽ làm văn bản trả cô về Phòng Giáo dục để những nơi thiếu giáo viên Văn thì Phòng Giáo dục sẽ điều cô về nơi đó. Chắc chắn trong nay mai tôi với công đoàn và nhà trường sẽ ngồi lại trao đổi vấn đề này với cô. Bây giờ thì làm theo tinh thần của Phòng Giáo dục thôi”.
Theo trình bày của bà N., những năm trước, giáo viên dạy môn Văn không hề thừa như năm học này tăng lớp học so với những năm trước. “Nguyên nhân chính ở đây là để kiếm cớ tống tôi đi nơi khác. Thầy Cương đã cố tình điều một giáo viên dạy môn Địa – Sử vào làm công tác thư viện, rồi chuyển người đã làm công tác thư viện nhiều năm sang dạy môn Văn lớp 6 và lớp 8 nên tôi mới bị thừa. Đặc biệt, giáo viên này chẳng những được chuyển sang đứng lớp mà còn được ông Cương ưu tiên làm chủ nhiệm ngay khi mới chuyển sang giảng dạy”, bà N. bức xúc.
Ngoài ra, bà N. cũng cho rằng, quy trình điều chuyển bà có thể nói hoàn toàn là “quy trình ngược”. Bởi, muốn chuyển một giáo viên sang làm công tác phổ cập thì BGH phải hội ý trước xem người đó có đồng ý và điều kiện của người đó có phù hợp hay không ?. Ngược lại, bản thân bà N. không hề hay biết dù chỉ một ngày.
“Bước đầu ông hiệu trưởng kêu viết giấy giới thiệu cho tôi đi bồi dưỡng chính trị hè với chức danh giáo viên phổ cập. Tôi đã phản ứng nhưng hiệu trưởng không trả lời. Khi họp Hội đồng sư phạm đầu năm tôi rất bất ngờ khi biết mình không được phân công đứng lớp. Khi tôi phản ứng, sau đó ông Cương và Ban giám hiệu mới mời tôi lên hội ý (tức BGH đã làm ngược quy trình - PV) và nội dung cuộc hội ý lại ràng buộc tôi vào 2 khả năng là chuyển sang làm phổ cập hoặc sẽ bị trả về Phòng Giáo dục” bà N. kể lại.
Cũng trong tài liệu mà bà N. có được, khi bà N. hỏi sao không đưa những giáo viên hợp đồng, có kinh nghiệm ít, chưa có bằng đại học (trong đó có con gái ruột ông hiệu trưởng - PV) vào vị trí dôi dư, thì ông Cương cho rằng, ở cấp THCS, có bằng đại học bị dôi dư là chuyện bình thường vì chỉ cần bằng cao đẳng là đủ.
Hiệu trưởng mở cổng phụ để "độc quyền" bán hàng
Ngoài việc làm gây bức xúc nói trên, người dân sống quanh khu vực chợ xã Thanh Tùng còn bức xúc về việc trường này có cổng phụ sát hàng rào cổng trường chỉ dành riêng cho việc đi lại, buôn bán hàng của người nhà ông hiệu trưởng Trần Vũ Cương.
Theo phản ánh, vào giờ giải lao, Trường THCS Thanh Tùng không hề mở cổng chính. “Lý do gì không mở cổng chính thì tôi không biết, nhưng gia đình ông hiệu trưởng sẽ giàu to do được độc quyền buôn bán cho học sinh, kể cả giáo viên của nhà trường vì không thể ra ngoài mua đồ ăn ở chỗ khác được”, một phụ huynh bức xúc.
Sau khi nhận tin phản ánh, biết được nhà trường có “cổng sau” lạ thường như nói trên, PV đã trực tiếp đến Trường THCS Thanh Tùng tìm hiểu, xác định nội dung phản ánh là đúng sự thật và ghi lại hình ảnh về “cổng sau” chỉ để sang nhà của ông hiệu trưởng.
Sau khi ghi hình xong, PV quay trở lại nhà của một người dân gần trường để tìm hiểu thêm về thông tin được cho là bất cập tại trường này. Tuy nhiên, khi PV xuống xe chưa được bao lâu thì bất ngờ có 2 người đàn ông, xưng là giáo viên và bảo vệ của trường đến gặp PV đề nghị xóa hình ảnh vừa chụp tại trường. Sau đó ít phút, lại có thêm 2 người phụ nữ (sau này mới biết 2 người này là con gái ruột của ông hiệu trưởng Cương, trong đó có một người là giáo viên dạy môn Văn) đến lớn tiếng cho rằng, PV chụp ảnh dính nhà của mình, lo sợ kẻ gian vào trộm cắp và đề nghị PV xóa ảnh. Tuy nhiên, PV không đồng ý.
Một điều khác thường nữa là mặc dù trụ sở làm việc chỉ cách trường khoảng 200 m và cổng phụ của trường cũng đã có từ nhiều năm nay nhưng khi trả lời PV, ông Lê Thanh Lam - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tùng cho rằng, ông không hề hay biết việc trường có cổng sau.
PV liên hệ với ông Võ Lợi (Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Dầm Dơi) và được ông Lợi xác nhận, có nhận được đơn khiếu nại của bà N., Phòng đang tiến hành xác minh, xử lý.
Khi PV hỏi việc ông hiệu trưởng mở cổng phụ để “độc quyền” buôn bán hàng là có đúng quy định? Ông Lợi cho rằng, cổng đó đã có hơn chục năm rồi, từ khi ông Cương mới cất nhà, nhưng không phải là để buôn bán mà chỉ để tiện cho hiệu trưởng đi qua đi lại.
PV truy vấn, nguyên nhân gì mà ông hiệu trưởng Cương không đi được cổng chính? Ông Lợi lập luận: “Thì… hồi đó là tính để cho nó tiện, nhưng nếu không được thì thôi sẽ cho đóng lại”.
PV tiếp tục thông tin là đã xác minh được việc ông hiệu trưởng có buôn bán và người dân gần đó khẳng định vào giờ giải lao, cổng chính của trường này luôn đóng… thì vị Trưởng Phòng GD-ĐT nhỏ giọng: “Để anh xem lại, chắc là có đó”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Tuấn Thanh