Dấu hiệu nhiều tội danh vụ 80 thanh niên hỗn chiến trên quốc lộ
(Dân trí) - Theo luật sư, ngoài tội Gây rối trật tự công cộng, cần xem xét thêm dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích hoặc Giết người (nếu có).
Như Dân trí thông tin, tối 26/3, nhóm của Lê Trung Kiên (17 tuổi) và Nguyễn Đức Tr. (16 tuổi, cùng ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) hẹn nhau ra Quốc lộ 1, đoạn qua xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang, mang theo nhiều hung khí để giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Tới khoảng 1h30 ngày 27/3, hai nhóm thanh niên gặp nhau và lao vào hỗn chiến. Hậu quả khiến một người bị thương, phải đi bệnh viện cấp cứu.
Tiếp nhận tin báo, Công an tỉnh Khánh Hòa đã triệu tập 80 thanh niên tới làm viẹc, bất khẩn cấp 37 nghi phạm về hành vi Gây rối trật tự công cộng, trong đó có Kiên và Tr., đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý những người liên quan còn lại theo quy định.
Với diễn biến hành vi như trên, nhóm thanh niên có thể phải chịu trách nhiệm ra sao trước pháp luật?

Nhóm thanh niên cầm theo hung khí, tụ tập gây rối trên Quốc lộ 1 (Ảnh cắt từ clip).
Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá hành động của nhóm thanh niên thể hiện sự thiếu suy nghĩ, ngông nghênh, coi thường pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự xã hội và đe dọa tới sự an toàn của những người tham gia giao thông. Do đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần xử lý nghiêm nhằm tạo tính răn đe, giáo dục, ngăn ngừa những sự việc có tính chất tương tự có thể xảy ra.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư đánh giá có ít nhất 2 khách thể đã bị xâm phạm, đó là trật tự công cộng và sức khỏe, tính mạng của người khác. Bởi vậy, có thể xem xét dấu hiệu của các tội danh theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.
Thứ nhất, theo thông tin từ cơ quan chức năng và hình ảnh hiện trường, nhóm thanh niên đã có nhiều hành vi như tự tập đông người, lấn chiếm làn đường, cản trở giao thông, sử dụng hung khí để đánh nhau, loạn đả, gây hoang mang, sợ hãi cho nhiều người và cản trở hoạt động tham gia giao thông.
Đây là những hành vi có thể xếp vào nhóm gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và cần bị xem xét xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Với các tình tiết như dùng vũ khí, hung khí hay có tổ chức, những người bị xử lý hình sự có thể đối diện khung hình phạt theo khoản 2 Điều này là 2-7 năm tù.
"Hiện nay, trong số 80 người bị triệu tập, công an đã bắt khẩn cấp 37 nghi phạm. Đối với những người còn lại, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục củng cố hồ sơ, sàng lọc, phân loại đối tượng, mở rộng phạm vi điều tra để tiếp tục tống đạt các quyết định tố tụng, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cần lưu ý đối với các vụ việc gây rối trật tự công cộng có tính chất như trên, có thể phân loại thành nhiều nhóm nghi phạm, nhiều nhóm hành vi như nhóm trực tiếp đánh nhau, hỗn chiến; nhóm hô hào, kích động hay nhóm giúp sức (VD: rủ rê, xúi giục, chở bạn đi đánh nhau...). Tuy nhiên, dù thuộc nhóm hành vi nào và có trực tiếp đánh nhau hay không, những thanh niên liên quan tới vụ việc đều có thể bị xử lý hình sự với các vai trò khác nhau trong vụ án", luật sư Trang bình luận.
Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, theo Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi tội danh, còn người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về một số tội danh, trong đó không có tội Gây rối trật tự công cộng.
Bởi vậy, trong quá trình xác minh, công an sẽ phân loại nhóm thanh niên theo độ tuổi để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân. Với những người dưới 16 tuổi (nếu có), nhóm này được miễn trừ trách nhiệm hình sự nhưng có thể bị áp dụng các biện pháp quản thúc, giáo dục tại địa phương.

Hàng chục thanh niên mang hung khí tràn ra quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa để hỗn chiến (Ảnh: OFFB).
Cũng theo dõi sự việc, luật sư Dương Đức Thắng (Giám đốc Công ty Luật Đức Trí Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá ngoài tội Gây rối trật tự công cộng, cần xem xét trách nhiệm về hành vi gây thương tích khiến một thanh niên phải nhập viện cấp cứu. Trong đó, cần tập trung làm rõ các vấn đề như ai là người trực tiếp tấn công, những ai là người có vai trò giúp sức, việc tấn công được thực hiện như thế nào, có sử dụng hung khí và có tấn công vào các vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân hay không.
Nếu kết quả xác minh cho thấy đã xuất hiện hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm, tấn công vào các vùng trọng yếu như đầu, mặt, cổ và gây ra thương tích nghiêm trọng cho nạn nhân, có thể xem xét dấu hiệu hình sự về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội Giết người, song hành vi được thực hiện bằng hung khí nguy hiểm và nạn nhân có xuất hiện mức độ thương tật, bất kể mức độ thương tật có trên 11% hay không, có cơ sở để xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, trong quá trình loạn đả, nếu xuất hiện hành vi đập phá tài sản, có thể xem xét dấu hiệu của hành vi Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015.