Nghệ sĩ quảng cáo quá lố, sai sự thật: Xử phạt thế nào?
(Dân trí) - Theo Luật sư, nhiều nghệ sĩ lợi dụng tình trạng quản lý hoạt động quảng cáo không thấu đáo, việc xử lý vi phạm hành chính ít khi xảy ra nên đã bất chấp để quảng cáo sai sự thật, thu lợi bất chính.
"Hàng rởm gắn mác nghệ sĩ thật, quá đau lòng!"
Những nghệ sĩ, người nổi tiếng thường có lượng khán giả quan tâm, yêu quý rất đông đảo và hùng hậu. Những người nổi tiếng mà Facebook, Youtube… có đến cả triệu người theo dõi ở Việt Nam không phải là hiếm.
Thời gian gần đây, có người nổi tiếng livestream có lượng người xem vượt cả số lượng người theo dõi một trận bóng đá của đội tuyển quốc gia. Qua đó, ta có thể thấy sự quan tâm của người dân, khán giả với người nổi tiếng, nghệ sĩ lớn đến mức độ nào.
Sự quý mến, ái mộ với thần tượng sẽ khiến khán giả, người dân nảy sinh tâm lý tin tưởng mọi hành động, việc làm của họ là đúng đắn, muốn học theo, làm theo, sử dụng những sản phẩm dịch vụ người nổi tiếng, nghệ sĩ đang sử dụng.
Trong tâm lý học, biểu hiện này được gọi tên là hiệu ứng hào quang. Danh tiếng của các ngôi sao, nghệ sĩ, người nổi tiếng là lý lẽ thuyết phục mạnh mẽ công chúng về chất lượng, uy tín của một sản phẩm dịch vụ nào đó. Người dân, khán giả tin vào vầng hào quang của nghệ sĩ để mua sản phẩm, sử dụng dịch vụ mà không kiểm chứng chất lượng.
Các nhãn hàng tận dụng tối đa sự tin tưởng này để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ. Các nghệ sĩ, người nổi tiếng sẵn sàng hợp tác thực hiện quảng cáo để gia tăng thu nhập, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh như hiện nay.
Một độc giả của Dân trí đã phải thốt lên đầy bức xúc rằng: "Hàng rởm gắn mác nghệ sĩ thật, quá đau lòng!".
"Chế tài đã có, nhưng chưa thấy dùng"
Trước thực trạng một số nghệ sĩ "thi nhau quảng cáo" rồi lại "thi nhau xin lỗi", nhiều độc giả Dân trí thắc mắc: nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm quá lố, sai sự thật, kém chất lượng có vi phạm pháp luật hay không? Hệ thống pháp luật của ta đã có chế tài để xử lý hành vi này chưa? Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội - Công ty Luật TNHH LSX) đã có những chia sẻ về vấn đề này dưới góc nhìn pháp lý.
Theo Luật sư Lực, hiện nay người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, phóng đại công dụng, tính năng của hàng hóa sản phẩm diễn ra phổ biến. Những hành xử này có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây nguy hại cho cộng đồng cũng như danh tiếng của họ.
Theo điều 8, Luật Quảng cáo 2012, được sửa đổi năm 2018, hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 70 triệu đồng (Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP).
Ngoài việc bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thêm nữa, điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định rõ: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…
Luật sư Lực chia sẻ, nhiều người nổi tiếng có hiểu biết pháp luật nhưng lợi dụng tình trạng quản lý hoạt động quảng cáo không thấu đáo, việc xử lý vi phạm hành chính ít khi xảy ra nên đã bất chấp để quảng cáo sai sự thật, thu lợi bất chính.
Cũng có những người nổi tiếng vì thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu thông tin về hàng hóa sản phẩm, dịch vụ nên đã thực hiện việc tiếp tay cho sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng.
Việc nhận làm đại diện thương hiệu, quảng cáo sản phẩm, dịch vụ cho các nhãn hàng của người nổi tiếng sẽ vẫn diễn ra và càng phổ biến hơn trong thời gian tới. Để đảm bảo danh tiếng của mình, những người nổi tiếng cần nâng cao hiểu biết về pháp luật liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.
Để làm được điều này, họ cần những người hiểu biết pháp luật trợ giúp để kiểm tra, đánh giá sự đầy đủ, tính hợp pháp giấy tờ pháp lý công bố chất lượng hàng hóa, giấy phép lưu hành sản phẩm, giấy phép đăng ký kinh doanh, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ… với các nhãn hàng, sản phẩm, dịch vụ mình nhận làm đại diện, quảng cáo.
Họ cũng cần những chuyên gia tư vấn, quan hệ công chúng để đánh giá sự phù hợp về đạo đức, tôn giáo, tiêu chuẩn cộng đồng, sự ảnh hưởng đến công chúng khi tham gia hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ.
"Quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn - đó là điều những người của công chúng cần hết sức ghi nhớ. Họ cần phải hành xử sao cho xứng đáng với danh tiếng của mình, sao cho xứng với lòng tin, sự yêu mến của người hâm mộ", Luật sư Quách Thành Lực nêu quan điểm.