Dấu hiệu hàng loạt tội danh trong vụ kẻ ngáo đá bắt cóc bé gái 9 tuổi
(Dân trí) - Theo luật sư, với diễn biến hành vi thực hiện, Tuấn có thể bị xử lý về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Cướp tài sản và Gây rối trật tự công cộng.
Như Dân trí thông tin, khuya 26/3, Phan Văn Tuấn (42 tuổi, quê Hải Phòng) cầm 2 con dao tới Trạm Y tế phường Cổ Thành (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) để gây rối và bị công an phường vây bắt. Quá trình bỏ trốn, Tuấn khống chế một người đàn ông, yêu cầu chở xe máy tới thị xã Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh). Do người đàn ông thấy tổ tuần tra đêm và hô hoán nên Tuấn bỏ chạy, cướp một xe máy khác tại quán ăn rồi chạy tới nhà của anh T.T.H. (39 tuổi, ở phường Phượng Mao, thị xã Quế Võ).
Tại đây, đối tượng có nhiều biểu hiện bất thường trước khi xông vào nhà, khống chế bé Tr. (9 tuổi) rồi đưa lên mái nhà. Tới khoảng 8h ngày 27/3, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh khống chế Tuấn, giải cứu bé Tr.
Với những diễn biến hành vi như trên, nghi phạm có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?

Phan Văn Tuấn (Ảnh: Công an Bắc Ninh).
Tội chồng tội
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá đây là vụ việc có tính chất hết sức nghiêm trọng, đối tượng thể hiện sự manh động, liều lĩnh, coi thường pháp luật và đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, thậm chí tính mạng người khác. Với những hành vi đã thực hiện, Tuấn có thể đối diện nhiều tội danh khác nhau theo quy định của pháp luật.
Phân tích cụ thể diễn biến hành vi của nghi phạm, ông Giáp nhìn nhận trước hết, cơ quan công an sẽ xác minh, làm rõ hành vi dùng dao gây rối tại trạm y tế của đối tượng. Nếu bị xác định đã xâm phạm nghiêm trọng tới an ninh trật tự công cộng, hành vi của Tuấn có thể bị xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015.
Trong trường hợp bị quy kết trách nhiệm hình sự về tội danh này, với tình tiết định khung dùng hung khí, vũ khí để phạm tội, Tuấn có thể bị xử lý theo khoản 2 Điều này với khung hình phạt là 2-7 năm tù.
Tiếp đó, với hành vi dùng dao đe dọa, cướp xe máy của người dân tại quán ăn rồi bỏ chạy trên địa bàn thị xã Quế Võ, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt cơ bản đối với tội danh này là phạt tù 3-10 năm.

Phan Văn Tuấn tại thời điểm bị công an khống chế, bắt giữ (Ảnh: T.Đ).
Đối với hành vi khống chế, bắt cóc bé Tr. làm con tin rồi yêu cầu cung cấp tiền và phương tiện để đối tượng bỏ trốn, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015. Với tình tiết định khung phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, Tuấn có thể bị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều này, mức phạt có thể áp dụng là 5-12 năm tù.
Trường hợp tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên, khung hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với hành vi vi phạm là 15-20 năm tù hoặc tù chung thân.
Nhân thân xấu
Theo công an, Tuấn đã có đã có 1 tiền án về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy và 2 tiền án về tội Bắt giữ người trái pháp luật. Kiểm tra đối tượng tại thời điểm gây án, công an xác định Tuấn có dương tính với ma túy.
Bình luận về vấn đề trên, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá đây là đối tượng có nhân thân xấu, nhiều tiền án. Quá trình điều tra, với lý lịch bất hảo của nghi phạm, cơ quan công an sẽ làm rõ việc đối tượng đã được xóa án tích hay chưa, và tội danh đối tượng từng bị xử lý có thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hay không.
Nếu kết quả xác minh cho thấy Tuấn chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng có thể phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là "tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm" theo khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.

Đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Ninh lấy lời khai Phan Văn Tuấn (Ảnh: Công an Bắc Ninh).
Về việc đối tượng phạm tội tại nhiều địa bàn khác nhau, luật sư Lực cho biết theo khoản 4, Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền điều tra, cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
Đối với trường hợp trên, do Tuấn thực hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội tại 2 địa bàn là Hải Dương (Gây rối trật tự công cộng) và Bắc Ninh (Cướp tài sản, Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), thẩm quyền xác minh, giải quyết hành vi của đối tượng đối với từng hành vi riêng biệt sẽ thuộc về Công an tỉnh Hải Dương và Công an tỉnh Bắc Ninh.