Bạn đọc viết:

Bí quyết giữ cân bằng giữa tâm dịch của một giáo sư người Việt ở Mỹ

(Dân trí) - Trạng thái tâm lý cân bằng có một vai trò vô cùng quan trọng để giữ cho mình vững vàng, bình yên, sáng suốt, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng dịch Covid-19 đang diễn ra.

Sống trong đại dịch hơn một năm tại nước Mỹ, đã cho tôi những trải nghiệm và bài học giúp vượt qua được giai đoạn khó khăn này.  

Đối mặt và thích nghi với sự thay đổi

Mùa hè năm ngoái cả nước Mỹ đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh vì số ca nhiễm tăng nhanh mà không thể kiểm soát. Thành phố và bang nơi tôi sinh sống cũng có tỷ lệ người nhiễm virus rất cao. Trường đại học nơi tôi làm việc lên kế hoạch cho năm học mới với nhiều thay đổi. Để giãn cách thì nhà trường yêu cầu một nửa số lớp sẽ học online qua mạng Zoom, một nửa còn lại sẽ học bình thường trên giảng đường.

Bí quyết giữ cân bằng giữa tâm dịch của một giáo sư người Việt ở Mỹ - 1

Cả giáo viên và sinh viên đều phải đối mặt và thích nghi với sự thay đổi này. Lần đầu tiên tôi đã phải học cách dạy online qua Zoom và đồng thời thích ứng với việc dạy trên lớp nhưng tất cả đều đeo khẩu trang kín mít. Đây là một công việc không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, phần lớn giáo viên và sinh viên đã vượt qua thành công trong cả một năm dạy và học như vậy.

Học kỳ mới năm nay, kế hoạch ban đầu của nhà trường là tất cả sẽ quay trở lại bình thường khi mọi người đều đã có cơ hội tiêm vắc xin. Tuy nhiên, vì số lượng ca nhiễm do biến chủng Delta tăng đột biến nên nhà trường lại yêu cầu giáo viên và sinh viên đều phải đeo khẩu trang trong lớp học.

Điều này làm cho nhiều người thất vọng bởi vì ở nước Mỹ có một sự tranh cãi gay gắt giữa hai phe, một bên thì ủng hộ đeo khẩu trang, bên kia thì chống lại. Chấp nhận và đối mặt với một thực tế là dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn đã giúp tôi có một tâm thế sẵn sàng và thoải mái trước những thay đổi đang xảy ra trong năm học mới này.  

Để có được một trạng thái cân bằng giữa những thách thức thì mình cần phải đứng ở giữa tâm. Mình phải sống và làm việc từ cái tâm của mình. Tâm là trung tâm, là điểm giao thoa hòa hợp giữa các mặt đối lập, là cốt lõi thẳm sâu trong trái tim và tâm hồn mình. Nếu ý thức được tâm và hành động từ tâm thì mình sẽ giữ được thăng bằng và vững vàng trong lúc khó khăn, thách thức, đổi thay.

Suốt thời gian dịch bệnh diễn ra tôi để tâm lắng nghe mọi thông tin, cả tích cực và tiêu cực, thật và giả, chính thống và không chính thống, lạc quan và bi quan… Lắng nghe tất cả thông tin trái chiều giúp mình thấy rõ được tình hình thực tại của dịch bệnh và sẵn sàng đối phó với nó. Góc nhìn khách quan và toàn diện sẽ giúp mình đứng cân bằng ở giữa, không nghiêng về bi quan lo lắng và cũng không hướng về hi vọng viển vông.

Thông thường trong những thời điểm khó khăn thì tâm mình hay bị lo lắng bất an. Mình làm việc nhưng tâm trí thì lại không để trong công việc đang làm. Mình mất đi sự sáng suốt và nhạy bén. Điều này lại càng làm cho mình không có được những giải pháp tốt và không đạt được kết quả mong đợi. Nếu không thoát ra được cái vòng luẩn quẩn này thì mình sẽ luôn cảm thấy cuộc sống chông chênh.

Làm chủ và vượt qua được suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực!

Tôi đã vượt qua được tình trạng bất an khi dịch bệnh vẫn luôn ở mức cao bằng cách tập trung vào sống và làm việc từng ngày, từng ngày một. Mỗi một ngày mình cố gắng làm tốt nhất những việc cần làm trong ngày hôm đó mà không cần phải đắn đo lo lắng về tương lai. Khi sống và làm việc tâm huyết trong hiện tại ngay ngày hôm nay chính là lúc mình đang đứng cân bằng ở giữa tâm.

Bí quyết giữ cân bằng giữa tâm dịch của một giáo sư người Việt ở Mỹ - 2

Khi tâm huyết thì mình mới làm việc hết lòng và dám đương đầu với mọi thách thức khó khăn ở ngay trong thực tại. Mình không lo sợ, e ngại, thất vọng, hay lảng tránh những vấn đề đang gặp phải. Khi đó những ý tưởng mới và giải pháp sáng tạo sẽ xuất hiện giúp mình vượt qua được những thách thức này.

Một điều quan trọng hàng đầu nữa đó là làm chủ và vượt qua được suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực trong những thời điểm khó khăn bất trắc. Tâm lý của mình bấp bênh mất cân bằng là do những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực gây ra. Để giải quyết được vấn đề này thì mình phải nhận ra và ý thức được rất rõ những suy nghĩ và cảm xúc đang xuất hiện và diễn ra trong tâm trí mình.

Tôi đã học cách quan sát và ý thức được những suy nghĩ và cảm xúc của mình để từ đó làm chủ và thay đổi chúng. Khi tĩnh lặng lắng nghe và nhìn sâu vào trong thế giới nội tâm để thấu hiểu được suy nghĩ và cảm xúc thì mình sẽ dần dần vượt lên và làm chủ được tâm trí của mình.

Thực hành điều này thường xuyên sẽ giúp ý thức của mình phát triển và cuối cùng mình sẽ đứng bên trên được mọi suy nghĩ và cảm xúc. Lúc đó ý thức sẽ trở thành tâm thức, tức là mình đã nhận thức và thấu hiểu được thế giới nội tâm. Đây là bài học cơ bản nhất trong thực hành thiền mà Đức Phật đã khởi xướng và giảng dạy từ hàng nghìn năm nay.

Khi làm chủ được những suy nghĩ và cảm xúc là lúc mình làm chủ được chính mình. Mình trở thành người lãnh đạo thực sự của bản thân. Mình không còn bị lôi kéo và xô đẩy bởi những yếu tố ở bên ngoài để đánh mất cân bằng. Lúc này mình mới thực sự có được bình yên, vững vàng, và chắc chắn.

Dịch bệnh đã diễn ra hơn một năm nay và sẽ còn tiếp tục trong tương lai mà chưa biết lúc nào sẽ hết. Nhưng có một điều chắc chắn đó là cái gì đã sinh ra thì cũng sẽ có hồi chết đi và kết thúc. Gìn giữ một trạng thái tâm lý cân bằng là giải pháp giúp cho mình sáng suốt để đối mặt và vượt qua thời điểm khó khăn khủng hoảng này.

GS.TS. Nguyễn Quang Vịnh

Đại học Coe College, bang Iowa, Hoa Kỳ

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang Vịnh với kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy hơn 20 năm về lĩnh vực lãnh đạo và quản lý con người. Ông tốt nghiệp bằng cử nhân tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Viện Công nghệ Châu Á AIT Thái lan, và bằng Tiến sĩ về quản trị nhân lực tại Đại học Tổng hợp bang Mississippi Hoa kỳ.

Ông cũng là tác giả hai cuốn sách: "Lãnh Đạo Từ Tâm: Hành Trình Giúp Mình Trở Thành Người Lãnh Đạo Đích Thực" và "Chinh Phục Chính Mình: 101 Câu Chuyện Nhỏ Giúp Bạn Đạt Được Ước Mơ Lớn Nhất Đời Mình".