Bạn đọc hiến kế phương án giúp hạn chế bệnh nhân Covid-19 tử vong

(Dân trí) - Tôi là độc giả thân quen của báo Dân trí. Nỗi niềm thôi thúc tôi viết những dòng này vì tôi là người con đất Việt. Nhìn dân mình mất đi, nhìn Tổ quốc mình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tôi rất đau lòng.

Qua báo Dân trí, tôi xin được gửi những suy nghĩ của mình qua việc chắt lọc thông tin, rất mong được góp một phần nhỏ bé tới công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Vắc xin là "cứu cánh" phòng, chống dịch

Lúc đầu tôi cũng rất sốt ruột việc triển khai tiêm vắc xin ở Việt Nam thì bao giờ phủ được 75% dân số tiêm đủ 2 mũi? Sau này theo dõi tin tức, tôi thấy chúng ta đã triển khai tốt. Một thành phố có hàng ngàn dây chuyền tiêm, huy động các lực lượng y tế đã về hưu, tư nhân, quân đội... vào cuộc. Chính phủ đã thúc đẩy việc mua vắc xin nhanh hơn. Nếu cung ứng đủ vắc xin thì chúng ta có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 1/2022.

Bên cạnh đó, tôi thấy có một bộ phận người dân không muốn tiêm vắc xin chỉ định mà muốn tiêm vắc xin theo yêu cầu, đó là tiêm dịch vụ.

Về phần này tôi có ý kiến cho những người dân mong muốn tiêm theo dịch vụ: Lập danh sách những người này, thể theo yêu cầu tiêm vắc xin loại nào? Vào thời điểm nào? Tại đâu? Chúng ta tổ chức tiêm dịch vụ theo yêu cầu của họ nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi tiêm vắc xin cho họ, về mặt xã hội sẽ góp phần đạt miễn dịch cộng đồng.

Về mặt điều trị cho bệnh nhân F0

Theo truyền thông, các bệnh viện đang bị quá tải. Riêng TPHCM, mỗi ngày có thêm từ 3.000-4.000 ca và Bình Dương hơn 2.000 ca (khoảng 7.000 ca chưa kể các địa bàn khác).

Con số này cho thấy, việc thành lập bao nhiêu viện dã chiến cũng sẽ vẫn quá tải, chưa kể sức lực của ngành y đã rất mệt do thời gian chống dịch kéo dài và cũng không biết bao giờ mới dừng.

Vậy nên chăng chúng ta rà soát lại việc tổ chức điều trị F0 để người dân không bị tử vong khi bệnh trở nặng, không được cấp cứu kịp và giảm gánh nặng cho bệnh viện.

Để làm được điều này, theo tôi:

Thu dung bệnh nhân F0 vào bệnh viện: từ sàng lọc cộng đồng, từ truy vết các ổ dịch, từ những người tự xét nghiệm khi có dấu hiệu ho, sốt, đau họng, khó thở... Theo tôi diễn biến phân loại bệnh diễn ra 7-10 ngày đầu: từ không triệu chứng, dấu hiệu nhẹ như cảm cúm thông thường, rồi dấu hiệu nặng, nặng nhất là nguy kịch.

Viện này về cơ sở như một bệnh viện thu dung không cần trang thiết bị quá hiện đại, nhưng đòi hỏi bác sĩ có trình độ chuyên môn tốt để sàng lọc và tiên lượng diễn biến bệnh. Những ca diễn biến trở nặng và nguy kịch sẽ được chuyển ngay đến các cơ sở có trang thiết bị đầy đủ, góp phần cấp cứu bệnh nhân kịp thời.

Như vậy chúng ta cần khoảng 10 bệnh viện thu dung với khoảng 6.000 giường (vì cứ 7-10 ngày chúng ta chủ động cho ra viện 80% - khoảng 5.600 bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ).

Sau 7-10 ngày có tới 80% F0 thoát khỏi nguy cơ trở bệnh nặng. Chúng ta cho họ xuất viện - về cách ly và điều trị tiếp tại địa phương có sự quan tâm y tế phường. Quá trình này, trang bị cho họ "sổ tay" các kiến thức cơ bản tự chăm sóc, theo dõi bản thân, số điện thoại y tế phường khi cần trợ giúp. Cung cấp cho họ một cơ số thuốc thiết yếu và hướng dẫn sử dụng theo diễn biến bệnh nếu có. Thực hiện chế độ cách ly tại nhà như quy định đối với F0 do Bộ Y tế ban hành.

Số bệnh nhân nặng và nguy kịch còn lại sẽ được tiếp tục điều trị tại bệnh viện theo phác đồ của Bộ Y tế.

Cách làm này sẽ giảm tải cho ngành y tế (giữ sức cho cán bộ y tế chiến đấu với dịch lâu dài). Theo chuyên môn ta bóc tách được F0, ta theo dõi được diễn biến bệnh của F0 trong thời điểm vàng 7-10 ngày đầu. Cách làm này còn giúp ngành y tế chủ động phát huy chuyên môn, tránh cứ phải chạy theo sự vụ quá mất sức (Cùng lúc phải thụ động xử lý nhiều ca cấp cứu do bệnh trở nặng các nơi gửi đến).

Mặc dù nhiều nơi đã tự lo thuốc và oxy phòng khi cấp cứu, nhưng khi cấp cứu thời gian tính từng phút giây, mọi thủ thuật và cách dùng thuốc phải chính xác. Hơn nữa bệnh này diễn biến suy hô hấp nhanh trở tay không kịp, cần phải ở luôn trong bệnh viện để kịp cấp cứu. Cách làm này sẽ giúp mỗi người dân bị mắc Covid-19 đều được chăm sóc y tế một cách bình đẳng, không kẹt trong nhà tại thời điểm cấp cứu, tránh đi cái chết không đáng có.