Bạn đọc viết:

Ấm áp tình người trong đại dịch

Ngọc Diễm

(Dân trí) - Cầu mong cuộc sống bình yên sẽ sớm trở lại, để những giá trị yêu thương lại được sẻ chia tới những quốc gia khác với tinh thần chỉ có ở Việt Nam.

Giữa lúc dân tộc đang căng mình với cuộc chiến dịch bệnh Covid-19, cả hệ thống chính trị cùng chung sức chung lòng đẩy lùi bệnh tật, thì sự đóng góp thầm lặng của những tình nguyện viên, những nhà hảo tâm chia sẻ khó khăn cho người dân đang cách ly hoặc ở những vùng bị phong tỏa có ý nghĩa và giá trị lan tỏa to lớn.

Tại TP Hồ Chí Minh, nơi dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, mỗi ngày có vài nghìn ca bệnh nhiễm mới, cả thành phố đang gồng mình chiến đấu với căn bệnh nguy hiểm. 

Ấm áp tình người trong đại dịch - 1

Các tình nguyện viên phát cơm miễn phí cho người dân ở khu cách ly (Ảnh: FB Đình Sơn).

Trong những đợt giãn cách xã hội, tại nhiều khu dân cư và những con phố "nội bất xuất, ngoại bất nhập" có sự xuất hiện của những tình nguyện viên không ngại khó khăn, nguy hiểm để cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho người dân. Sự giúp đỡ của những "siêu thị 0 đồng" ấy là liều thuốc tinh thần và vật chất quý báu giúp người dân kết nối với thế giới bên ngoài, không còn cảm giác bị bỏ rơi nơi tâm dịch.

Qua mạng xã hội facebook, tôi được biết, đã có những người tâm huyết, đứng lên quyên góp hàng ngàn tấn rau củ quả, làm những suất cơm từ thiện giúp đỡ người bệnh tại những khu cách ly; chia sẻ khó khăn với những người dân tại các vùng bị phong tỏa, những người ngoại tỉnh không có việc làm đang thất nghiệp tại Thành phố. Nhiều người nhận đồ cứu trợ của đồng bào cả nước gửi về, sau đó đem trao cho những người trong vùng dịch.

Ấm áp tình người trong đại dịch - 2

Xe của tình nguyện viên chở thực phẩm tới phân phát cho người dân ở khu cách ly tại TPHCM (Ảnh: FB Đình Sơn).

Đồ cứu trợ rất phong phú, là nhu yếu phẩm thiết yếu hàng ngày như: thuốc men, khẩu trang, sữa, gạo, lạc, đậu xanh, cá khô, mắm ruốc, đồ bảo hộ… Với tinh thần "lá lành đùm lá rách", điều này thực sự rất cần và đáng trân quý vô cùng. Có lẽ chỉ ở một quốc gia có nền văn hóa Á Đông như Việt Nam mới có thể duy trì, phát huy được.

Tinh thần dân tộc của một đất nước là sức mạnh tập thể, được bộc lộ ra khi Tổ quốc cần, thật đáng trân kính và tự hào. Có lẽ truyền thống dòng máu Lạc Hồng này là nét riêng ở Việt Nam và vẫn được lưu truyền, gìn giữ cho các thế hệ sau.

Những tình nguyện viên ấy xuất thân từ nhiều ngành nghề, vai trò khác nhau như công chức, lao động tự do đến từ các miền đất nước, mọi lứa tuổi… gặp nhau vì tình nghĩa và muốn sẻ chia khó khăn với những người hoạn nạn.

Còn nhớ, trên trang mạng xã hội vẫn chia sẻ hình ảnh bà cụ già hơn 80 tuổi tại Bình Thuận đã dùng số tiền 10 triệu đồng tiết kiệm 2 năm của mình đem đến cơ quan Mặt trận Tổ quốc địa phương góp vào quỹ phòng chống dịch Covid-19.

Hay nhiều tấm gương của cụ ông cụ bà ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng vẫn lặn lội đi tới cơ quan đoàn thể đóng góp số tiền dành dụm chắt chiu của mình vào các địa phương đang có dịch bùng phát mạnh. Mong muốn của các cụ "Cho đi là còn mãi. Khi đất nước có giặc, toàn dân chung tay chống giặc. Khi đất nước có dịch thì toàn dân cũng phải chung tay chống dịch. Chúng tôi góp chút ít, mong là bữa cơm cho các cháu sẽ ngon hơn, mạnh khỏe hơn"…

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm dịu mát lòng người, làm xao động hàng triệu trái tim người dân cả nước hướng về TP Hồ Chí Minh. Và cũng làm khơi dậy tình người trong trái tim mỗi người được đánh thức sau những năm tháng mải miết chạy theo cuộc sống hiện đại gấp gáp, bộn bề bon chen, cám dỗ…

Chị gái tôi đang sống ở quận 2, TP Hồ Chí Minh. Mặc dù hơn một tháng nay Thành phố đang gồng mình chống dịch, hàng ngày mọi người hỏi thăm nhau qua video chỉ hỏi thăm tình hình sức khỏe, động viên nhau vượt qua giai đoạn "biến cố của lịch sử", nhưng khi hỏi về tình hình của Thành phố, chị vẫn rất vui vẻ, bình tĩnh.

Chị cho biết, chị và hai người nữa trong nhóm tình nguyện hơn một tháng nay vẫn luân phiên nấu cơm trong chùa, cùng với những người khác đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 mang cơm phân phát cho những người đang ở tại khu cách ly.

Cùng với sự chung tay của những người thiện nguyện, các tỉnh thành phố khác trong cả nước cũng chia lửa với Thành phố mang tên Bác, những đoàn xe chở y bác sỹ về vùng dịch vẫn nối đuôi nhau hướng về miền Nam. Tựu chung lại, đồng bào cả nước đang nỗ lực bằng mọi giá để tìm lại sự bình yên cho Thành phố hòn ngọc Viễn Đông.

Vẫn biết cuộc chiến chống "giặc" Covid-19 ở Việt Nam và các nước trên thế giới còn đang rất khó khăn. Dịch bệnh vẫn gia tăng mạnh từng ngày, từng giờ, trong khi đó, virus liên tục xuất hiện ra những biến thể mới, có khả năng kháng vaccine, lây lan với tốc độ khủng khiếp hơn nhiều, gây ra sự chết chóc với tốc độ báo động. 

Trước những diễn biến và tình hình khó khăn đó, hơn bao giờ hết, ở từng khu vực bị phong tỏa, ở những khu cách ly tập trung vẫn cần lắm những sự chung tay giúp sức, những tấm lòng vàng chia sẻ của các nhà hảo tâm để đồng bào vùng dịch vượt qua muôn vàn khó khăn, đấu tranh với cái chết đang rình rập từng giờ.

Tôi tin rằng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của hàng triệu tấm lòng thiện nguyện, Thành phố mang tên Bác sẽ sớm vượt qua giai đoạn này. Cầu mong cuộc sống bình yên sẽ sớm trở lại, để những giá trị yêu thương lại được sẻ chia tới những quốc gia khác với tinh thần chỉ có ở Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm