Bé gái bị hành hạ tới chết: Giám định thương tật thế nào khi đã hỏa thiêu?
Khi tòa quyết định trả hồ sơ để giám định lại thương tật của cháu bé trước ngày tử vong, nhiều người đặt ra câu hỏi, thi thể cháu đã hỏa thiêu thì việc giám định lại sẽ được tiến hành như thế nào?
Sau hơn 1 tiếng mở tòa, HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ bé gái bị cha và "dì ghẻ" hành hạ tới chết để giám định thương tật của cháu bé trước ngày cháu tử vong.
Quyết định này của tòa khiến dư luận đặt ra câu hỏi, hiện bé A. đã được hỏa thiêu, vậy việc giám định lại thương tật của cháu bé sẽ được tiến hành như thế nào?
Trước thắc mắc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội - người bảo vệ quyền và lợi ích của đại diện bị hại) cho biết việc trả hồ sơ để giám định lại thương tích đã được quy định tại Khoản 2, Điều 2, Thông tư 22 năm 2019 của Bộ Y tế. Theo đó, thông tư này quy định nguyên tắc giám định vẫn được thực hiện qua hồ sơ trong trường hợp nạn nhân đã tử vong hoặc mất tích.
Trong vụ án, toàn bộ hồ sơ bệnh án của cháu A. và các Biên bản khám nghiệm pháp y tử thi đã được cơ quan điều tra làm rõ và sau đó cho ra Bản kết luận giám định pháp y về nguyên nhân cái chết và cơ chế hình thành vết thương trên người cháu A.
Trong Bản kết luận giám định pháp y của Phòng kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM cũng đã xác định có nhiều vết thương cũ trước ngày 22/12/2021 (trong khoảng 20-25 ngày trước khi cháu tử vong).
Các loại vết thương, kích cỡ vết thương, các tổn thương ở bên trong như thế nào đều đã xác định được. Cơ chế hình thành vết thương đều do vật tày gây nên, phù hợp với lời khai của hai bị cáo về việc sử dụng hung khí, chân tay để gây nên các thương tích đó, trước ngày cháu tử vong (ngày 22/12/2021).
Ngoài ra, nguyên nhân chết của cháu cũng được làm rất rõ, các vết thương trước đó là yếu tố cộng hưởng cộng với tổn thương ngày 22/12/2021 tạo nên nguyên nhân cái chết cho cháu A.
Do có đủ cơ sở nên tòa trả hồ sơ, do những thiếu sót không thể khắc phục tại phiên tòa và hoàn trả lại hồ sơ cho VKS để cơ quan này trả hồ sơ cho CQĐT, thực hiện trưng cầu bổ sung các thương tích trước ngày cháu A. tử vong trên hồ sơ vụ án.
"Luật cho phép làm điều này, không như mọi người nghĩ đã hỏa thiêu rồi thì lấy đâu làm căn cứ để giám định", luật sư Thơm cho hay.
Trước đó, khi chỉ còn vài ngày nữa là tới ngày vụ án được đưa ra xét xử, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (bảo vệ cho bị hại) đã có kiến nghị gửi thẩm phán, chủ tọa phiên tòa, đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thay đổi tội từ "Hành hạ người khác sang" tội "Giết người" đối với Nguyễn Kim Trung Thái (cha của cháu A).
Trong kiến nghị gửi HĐXX và trả lời phỏng vấn của báo chí sau phiên tòa, luật sư Nữ cho hay, trong các ngày 7, 10, 11 và 12/12/2021, không chỉ mình Trang mà Thái cũng tham gia đánh, hành hạ cháu A., gây ra các thương tích cho cháu bé. Các vết thương cũ do Trang và Thái gây ra trước đó cộng hưởng với các vết thương mới dẫn đến cái chết của cháu A.
Vì vậy, các luật sư yêu cầu giám định lại tỉ lệ thương tật của cháu A. trước ngày bé tử vong để xác định các thương tích này ảnh hưởng như thế nào đến cái chết của cháu.
Trước ý kiến của các luật sư, sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung, giám định tỷ lệ thương tích của cháu A. trước ngày cháu tử vong.
Lý giải về điều này, HĐXX cho hay, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, việc xác định tính chất thương tích, tổn hại sức khỏe bắt buộc phải trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích.
Trong vụ án này, Hội đồng giám định chưa giám định tỷ lệ thương tích của người bị hại, vì vậy HĐXX xét thấy cần thiết phải hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung, theo yêu cầu của người bảo vệ lợi ích hợp pháp của người bị hại, về giám định tỷ lệ thương tật của người bị hại vào các ngày 7, 10, 11 và 12/12/2021.