Sóc Trăng:
Bất ngờ kết quả rà soát vụ 30 năm "cõng đơn" đi đòi lại đất cho cán bộ mượn
(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Gần 30 năm cõng đơn đi đòi lại đất cho cán bộ mượn” xảy ra tại huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), gia đình rất bất ngờ trước kết quả rà soát của cơ quan chức năng.
Mới đây, tổ công tác của Thanh tra Chính phủ do ông Bùi Văn Dũng (Thanh tra viên chính, Cục III) làm tổ trưởng, cùng 2 thành viên của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ TN&MT, lãnh đạo Thanh tra tỉnh Sóc Trăng đã làm việc với gia đình ông Trần Văn Khương (ngụ ấp 5, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, người cho vợ chồng bà Trần Thị Én mượn đất) để công bố kết quả xác minh nguồn gốc đất, quá trình sử dụng, quá trình quản lý khu đất tranh chấp.
Theo thông báo kết quả của tổ công tác, về nguồn gốc tranh chấp đất, UBND tỉnh Sóc Trăng và UBND huyện Long Phú xác định chưa đúng về nguồn gốc đất, bởi đất này là của địa chủ, sau đó làm đồn bót. Sau giải phóng, đất này thuộc diện Nhà nước quản lý (?).
Về giấy tờ mua bán đất thể hiện bán lô 35, tờ bản đồ số 4, qua trích lục tại Trung tâm lưu trữ tài nguyên phía Nam (thuộc Bộ TN&MT) thì lô 35, tờ bản đồ số 4 là không có.
Bên cạnh đó, qua rà soát cũng chưa có tài liệu nào thể hiện rằng cha bà Trần Thị Én có mượn phần đất tranh chấp cho bà Én ở. Từ đó, việc cho mượn đất cũng không có giấy tờ chứng minh, việc mua bán giữa các bên cũng không có cơ sở.
Do đó, thấy rằng việc đánh giá chứng cứ thu thập của địa phương chưa khách quan, không phù hợp với tài liệu do tổ công tác thu thập được.
Ngoài ra, giấy mua bán đất năm 1974 cũng chưa thực hiện đủ các thủ tục pháp lý theo quy định của chế độ cũ; việc mua bán trong giấy tờ thể hiện ngang 33m, sâu 7m là không có căn cứ do thực tế ghi nhận chỉ mua 230m2.
Qua kiểm tra tài liệu (sổ mục kê, hồ sơ địa chính, việc kê khai, đăng ký...) thì ông Trần Văn Khương không có quá trình quản lý, sử dụng phần đất này. Quyết định của UBND tỉnh Sóc Trăng ngày 20/2/2009 chỉ giải quyết cho ông Khương chiều ngang 4,7m, nhưng thực tế hiện nay gia đình đã sử dụng lớn hơn diện tích này (7,2m).
Gia đình ông Trần Văn Khương cũng thông tin, tổ công tác cũng yêu cầu gia đình ông Khương cho biết sau khi triển khai quyết định của UBND tỉnh Sóc Trăng, gia đình ông có xin phép xây dựng hay không mà đã cất nhà?
Ông Trần Quốc Việt (con trai ông Khương) cho biết: “Khi có quyết định của UBND tỉnh, gia đình ông yêu cầu triển khai quyết định và được chính quyền địa phương xuống đo đạc giao đất. Toàn bộ diện tích đất đó do gia đình bồi đắp, cất nhà ở từ trước đến nay.
Việc cha bà Én là ông Chương hỏi mượn đất cho bà Én cất nhà ở là có thật, nội dung này cũng được báo chí thông tin phản ánh sau khi trao đổi trực tiếp với ông Chương. Đất bà Én mượn của gia đình ông thì phải trả cho gia đình chứ không thể làm khác được”.
Điều đáng nói, theo bà Lâm Thị Thà (vợ ông Khương), tại buổi làm việc, cán bộ có gợi ý với gia đình bà rằng phần đất 50m2 phía sau đất của gia đình bà hiện bà Én không có lối ra, phía gia đình bà có giải pháp gì để cùng địa phương tháo gỡ.
“Gia đình tôi đang khiếu nại phần đất 50m2 đó và yêu cầu trả lại cho gia đình tôi nhưng cán bộ lại nói là đất của bà Én, gợi ý gia đình tôi có giải pháp để tháo gỡ là vô lý. Thậm chí, một cán bộ của Thanh tra tỉnh gợi ý với gia đình tôi là mua lại phần đất đó của bà Én cho êm chuyện. Chúng tôi rất bất ngờ với gợi ý này”, bà Thà bức xúc.
Bà Hồ Thị Bảy (80 tuổi, nguyên cán bộ UBND thị trấn Long Phú) cho biết: “Tôi công tác tại UBND thị trấn Long Phú từ sau giải phóng miền Nam cho đến ngày nghỉ hưu. Hồi đó có một cán bộ địa phương mượn đất của ông Khương làm nhà ở, nhưng sau đó không trả nên ông Khương khiếu nại, chúng tôi tiến hành hòa giải.
Qua kiểm tra hồ sơ, ông Khương cung cấp đầy đủ chứng cứ chứng minh đất của mình, còn vị cán bộ kia không có chứng cứ nên chúng tôi động viên và cuối cùng ông này trả đất cho ông Khương. Tôi khẳng định toàn bộ khu đất của ông Khương hiện đang quản lý, sử dụng là đất ông Khương ở từ trước đến nay, kể cả đất mà chính quyền cho rằng của bà Én mua của người khác. Hồi đó trụ sở UBND thị trấn nằm đối diện với nhà ông Khương, chúng tôi chứng kiến ông Khương dùng xe kéo đất về san lấp, tôn cao mặt bằng ở khu đất đó”.
Một chi tiết khác khiến gia đình ông Khương bất ngờ là tổ công tác cho rằng “nguồn gốc đất của ông Khương trước đây là của địa chủ, sau đó làm đồn bót và sau giải phóng đất này thuộc diện Nhà nước quản lý”. Nhưng trong thống kê của UBND thị trấn Long Phú được lập ngày 30/6/2009 về danh sách các hộ ở địa phương này lấn chiếm đất công có rất nhiều hộ, tại ấp 5 có 10 hộ nhưng hoàn toàn không có hộ ông Trần Văn Khương. Vậy căn cứ nào để tổ công tác kết luận đất thuộc diện Nhà nước quản lý (nói cách khác là kết luận ông Khương chiếm đất công).
Một cán bộ ở huyện Long Phú (đã nghỉ hưu) chia sẻ: “Ông Khương có hồ sơ mua đất từ trước giải phóng, ông đã ở, quản lý sử dụng đất đó từ trước năm 1975, chỉ vì cho bà Én là cán bộ mượn nên mới xảy ra kiện tụng. Lúc đầu bà Én nói ông Khương bán cho bà diện tích 90m2 với giá 1 triệu đồng vào năm 1981, nhưng không có căn cứ chứng minh. Sau này bà Én lại nói mua của bà Bê, tiền hậu bất nhất vậy mà chính quyền cũng giải quyết cho bà Én”.
Như Dân trí đã phản ánh, năm 1984, bà Trần Thị Én (cán bộ Thanh tra Nhà nước huyện Long Phú, nay đã nghỉ việc) cùng chồng là ông Nguyễn Quốc Cường (cán bộ Văn phòng UBND huyện Long Phú) đến gặp gia đình ông Trần Văn Khương (ngụ thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) hỏi mượn một nền nhà để ở.
Lúc ban đầu, với lý do gia đình đông con nên ông Khương không đồng ý. Sau đó, ông Trần Văn Chương (cha của bà Én, và là thông gia với gia đình ông Khương) đích thân đến hỏi mượn, thì ông Khương đồng ý cho mượn khoảng 90m2 đất với thời gian từ 4 - 5 năm.
Năm 1989, ông Khương sang gặp vợ chồng bà Én đặt vấn đề lấy lại đất cho con làm nhà thì vợ chồng bà Én không chịu trả, với lý do ông Khương đã bán cho vợ chồng bà vào năm 1981 với giá 1 triệu đồng. Bà Én không có cơ sở chứng minh việc mua bán nên ông Khương khiếu nại đến chính quyền.
Năm 2003, UBND huyện Long Phú ban hành các quyết định số 78, 378, 2238 với nội dung thừa nhận phần đất mà bà Én đang ở là của ông Khương, buộc bà Én phải dỡ nhà, trả lại đất cho ông Khương.
Thế nhưng, bà Én lại khiếu nại lên UBND tỉnh Sóc Trăng. Ngày 7/3/2005, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành quyết định (số 31) với nội dung: Hủy các quyết định 78, 378, 2.238 của UBND huyện Long Phú; công nhận phần đất mà ông Khương đòi lại là của bà Én.
Trong quyết định số 31, UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, theo hồ sơ lưu trữ tại Sở Tài nguyên và Môi trường thì phần đất của ông Khương không nằm tại nơi đang tranh chấp với bà Én và chưa thể khẳng định nó nằm tại vị trí nào. Thậm chí, UBND tỉnh còn cho rằng ông Khương đang chiếm đất trái phép của Nhà nước.
Thế là từ chỗ làm ơn, cuối cùng ông Khương không chỉ bị mất đất mà còn bị quy vào tội chiếm trái phép đất của Nhà nước. Hài hước hơn, phần đất ấy lại đang do bà Én chiếm giữ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.
Các nhân chứng ở địa phương, như ông Đỗ Văn Ba, Nguyễn Văn Quới, Tiêu Hồng Vinh, Lâm Kên, Lâm Khách,… đều khẳng định phần đất mà bà Én đang sử dụng là đất của ông Khương cho vợ chồng bà Én mượn, chứ không hề có chuyện mua bán. Ngay cả cha ruột bà Én cũng thừa nhận điều đó và ông này từng cho biết “rất khổ tâm khi con gái và con rể lại làm như vậy”.
Sau nhiều năm ông Khương khiếu nại, ngày 20/2/2009, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành quyết định (số 10) với nội dung: “Thu hồi quyết định số 31 của UBND tỉnh; công nhận quyết định số 378 ngày 8/4/2003 của UBND huyện Long Phú về việc giải quyết tranh chấp đất thổ cư giữa ông Khương với bà Én”.
Tuy nhiên, với quyết định số 10, ông Khương không đồng ý một phần, vì quyết định số 378 của UBND huyện Long Phú trước đó đã cố tình “bớt xén” một phần đất của ông cho bà Én mượn. Cụ thể, quyết định số 378 cho rằng “diện tích đất ông Khương cho bà Én mượn, phía trước giáp lộ có chiều ngang 4,78m, chiều dài 14,5m tính từ tim lộ trở vào; còn phần phía sau ngang 5m, dài 10m là của bà Én mua của bà Mã Thị Bê ngày 3/3/1992 và được UBND thị trấn Long Phú xác nhận ngày 4/5/1996”. Theo ông Khương, quyết định số 10 của UBND tỉnh Sóc Trăng đã làm ông mất toàn bộ 50m2 phần đất phía sau, một phần do chính quyền tính đất ông bắt đầu từ giữa đường đi về xã Lịch Hội Thượng, một phần cho rằng đất bà Én mua của bà Bê; trong khi đó, ông Khương còn đủ giấy tờ chứng minh toàn bộ diện tích đất là của gia đình ông.
Quyết định số 378 của UBND huyện Long Phú cho rằng, bà Én mua đất của bà Bê và làm giấy mua bán năm 1992, được chính quyền xác nhận năm 1996, nhưng từ năm 1989 ông Khương đã khiếu nại ra chính quyền, yêu cầu bà Én trả lại đất cho ông và sau 4 năm mới xác nhận. Hơn nữa, thời điểm nói trên, Luật Đất đai năm 1988 còn hiệu lực, việc mua bán đất đai bất hợp pháp bị cấm. Như vậy việc xác nhận của địa phương cho bà Én mua đất bà Bê ngay trên phần đất ông Khương đang đòi lại là hoàn toàn vô lý.
Ông Trần Văn Khương bức xúc: “Chính quyền cho rằng bà Mã Thị Bê bán đất cho bà Én nhưng không thể chứng minh đất của bà Bê chỗ nào. Trong khi đó, phía sau nhà tôi có một khu đất công hiện nay các con của bà Bê đang chiếm dụng, xây nhà ở. Họ đã cho xây hàng rào kiên cố bao quanh phía sau đất của tôi, bít đường thoát nước công cộng, tôi đã phản ánh nhưng chính quyền không giải quyết”.
Nhiều lần trao đổi với chúng tôi, chính quyền địa phương của huyện Long Phú cho rằng, diện tích đất 50m2 của bà Én đã được cấp “sổ đỏ”, nhưng khi chúng tôi đề nghị được cung cấp hồ sơ chứng minh thì bị từ chối. Hơn nữa, việc cấp “sổ đỏ” cho bà Én sử dụng 50m2 đất lại nằm trọn trong phần đất ông Khương đang khiếu nại đòi từ năm 1989. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên tục gây sức ép với ông Khương như mời ông làm việc nhiều lần, yêu cầu ông cung cấp hồ sơ chứng minh đất, mặc dù ông Khương đã cung cấp đầy đủ từ trước.