Đắk Nông:

Bất ngờ bị cắt giảm diện tích giao rừng, "nồi cơm" của người dân cũng bị thu hẹp lại!

(Dân trí) - Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ, trong thời gian tới sẽ cắt giảm diện tích rừng giao khoán cho người dân. Trước thông tin này, nhiều hộ dân đang nhận giữ rừng tỏ ra bất ngờ vì họ giữ rừng tốt và tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng liên tục tăng trong các năm gần đây. Việc giảm diện tích rừng giao khoán khiến “nồi cơm” của họ bị thu hẹp lại.

Trong năm 2018, Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Thác Mơ (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) đã giao khoán cho 311 hộ dân địa phương, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với tổng diện tích hơn 3.800 ha rừng để quản lý, bảo vệ.

Bất ngờ bị cắt giảm diện tích giao rừng, nồi cơm của người dân cũng bị thu hẹp lại! - 1
Rừng phòng hộ Thác Mơ nhiều năm nay "bình yên" nhờ sự bảo vệ của đồng bào bản địa

Theo kế hoạch mà đơn vị này xây dựng, tới đây diện tích rừng giao khoán sẽ giảm xuống còn hơn 1.300 ha với khoảng 100 hộ dân được nhận. Phần còn lại, đơn vị sẽ chuyển sang quản lý, bảo vệ tập trung. Như vậy, dự kiến diện tích rừng giao khoán cho dân trong các năm tới đây sẽ chỉ bằng 1/3 so với các năm trước.

Lý giải về sự điều chỉnh này, ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc BQLRPH Thác Mơ cho rằng, việc giao khoán rừng cho người dân quản lý, bảo vệ thời gian qua tồn tại nhiều điểm chưa hợp lý, chưa phát huy được tinh thần trách nhiệm cũng như tính ràng buộc đối với các hộ dân.

Ông Khương khẳng định: “Việc nhận giao khoán rừng với diện tích lớn, thậm chí tại nhiều đơn vị khác nhau khiến bà con không đủ khả năng để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ hiệu quả. Nhiều vụ phá rừng để khai thác lâm sản trái phép, hoặc lấn chiếm đất lâm nghiệp đã không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời”.

Bất ngờ bị cắt giảm diện tích giao rừng, nồi cơm của người dân cũng bị thu hẹp lại! - 2

Những diện tích thông mới được bà con trồng mới

Tuy nhiên, việc thu giảm diện tích rừng được giao này đang vấp phải sự phản ứng của người dân, nhất là trong các năm gần đây, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng liên tục được điều chỉnh theo hướng tăng. Nhiều hộ dân có thu nhập chính là dựa vào việc quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Điểu Long, trú bon Bu Krắk cho biết, bản thân ông cũng như bà con trong tổ rất hoang mang trước thông tin bị cắt giao khoán rừng. Hợp đồng giao khoán của tổ với BQLRPH Thác Mơ đến năm 2022 mới kết thúc. Hiện tổ có 42 hộ gia đình, nhận quản lý, bảo vệ 334 ha.

“Người dân nhận giao khoán rừng đã nhiều năm nay. Ban đầu, mỗi năm chỉ nhận được 100.000 – 200.000 đồng/ha. Mấy năm gần đây, nhất là từ 2017, tiền dịch vụ môi trường rừng được điều chỉnh tăng nên thù lao quản lý, bảo vệ rừng cũng tăng mạnh. Năm 2017 khoảng 700.000 đồng/ha; còn năm 2018 khoảng 900.000 đồng/ha. Trong khi bà con vui mừng vì được tăng thù lao quản lý, bảo vệ rừng thì lại nhận được thông tin sẽ cắt phần lớn diện tích giao khoán”.

Bất ngờ bị cắt giảm diện tích giao rừng, nồi cơm của người dân cũng bị thu hẹp lại! - 3
Ông Điểu Long và nhiều hộ dân khác bất ngờ vì sắp tới "nồi cơm" sẽ bị ảnh hưởng do diện tích rừng giao khoán bị giảm

Tương tự ông Điểu Long, nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã cho biết, trong những năm qua họ giữ rừng rất tốt nên vẫn mong muốn là được tiếp tục giao khoán bảo vệ rừng để ổn định cuộc sống.

“Chúng tôi đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, bao nhiêu năm nay đều gắn bó với rừng, vì đây là tài sản của buôn làng. Chúng tôi nhận giao khoán rừng, vừa là để giữ rừng, vừa dựa vào đó mà kiếm thêm thu nhập. Công việc chúng tôi đều hoàn thành tốt, nên việc bất ngờ bị cắt giảm diện tích rừng được giao khiến nhiều hộ dân hụt hẫng, chưa biết làm sao”, một hộ dân nhận giao khoán rừng bon Bu Krắk nói.

Ông Phạm Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trực đánh giá, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn xã nhận giao khoán rừng tại BQLRPH Thác Mơ cơ bản hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ. Số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại đây tuy có xảy ra nhưng không nhiều. UBND xã Quảng Trực đề nghị các đơn vị liên quan phải tổ chức họp bàn cụ thể, rõ ràng. Trong đó, BQLRPH Thác Mơ cần ưu tiên giao khoán rừng cho bà con dân tộc tại chỗ để họ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bất ngờ bị cắt giảm diện tích giao rừng, nồi cơm của người dân cũng bị thu hẹp lại! - 4
Những cánh rừng già là tài sản của buôn làng, được người dân chung tay bảo vệ

Ông K Bốt, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức khẳng định, quan điểm của huyện là cần ưu tiên giao khoán rừng cho người dân quản lý, bảo vệ, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, các hộ gia đình người Kinh thuộc diện nghèo, cận nghèo. Đơn vị chủ rừng và các ngành chức năng cần có quan điểm nhất quán là tạo điều kiện cho người dân tại chỗ được nhận giao khoán để họ có điều kiện ổn định cuộc sống, bảo đảm vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới.

Dương Phong