Điều tra theo đơn thư bạn đọc:

Bài 7: Lộ sáng "nhóm lợi ích" vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình

(Dân trí)- Dư luận đang muốn làm sáng tỏ nguyên nhân tại sao lại xảy ra tình trạng "vỡ trận" tại bến xe Mỹ Đình? Theo điều tra của PV Dân trí và phản ánh của nhiều doanh nghiệp vận tải, nguyên nhân sâu xa chính là từ quyền lợi cục bộ của một số “nhóm lợi ích”.

Vì quyền lợi riêng, “nhóm lợi ích” này đã cố tình không thực hiện nghiêm túc chủ trương, chỉ đạo, định hướng của thành phố và cố ý làm trái các quy định trong tổ chức vận tải hành khách trên địa bàn Hà Nội.
 
Vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình: Lộ sáng nhóm lợi ích
Sở GTVT chính là đơn vị cấp phép tràn lan khiến bến xe Mỹ Đình "bội thực" trên 400 chuyến xuất bến/ngày, dẫn đến tình trạng "vỡ trận" bắt buộc phải giảm tải như hiện nay.
 
Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự cho hay: Trước tiên, phải khẳng định “quyền” chấp thuận mở tuyến, cấp “lốt” (giờ chạy xe), bổ sung xe vào bến, tước quyền khai thác… đều thuộc Sở GTVT Hà Nội. Luồng tuyến, “lốt” vận tải đã trở thành một thứ tài nguyên đặc biệt nhưng lại được quản lý theo cơ chế xin – cho nên tạo ra đặc quyền, đặc lợi thuộc sự quyết định của một số người.
 
Phía các bến xe hầu như chỉ biết tiếp nhận “lệnh” của Sở, không được quyền “hỏi lại” luồng, tuyến, “lốt” xe ấy có hợp lý, có gây ra quá tải hay không? Đây chính là một thứ “đặc quyền” mà lẽ ra không thể tồn tại nếu các tuyến vận tải được quản lý công khai minh bạch, số lượng xe được thông báo rộng rãi đến các doanh nghiệp để có sự giám sát lẫn nhau. Đã từ hàng chục năm nay, số lượng xe thực tế tại mỗi bến, số “lốt” vận tải ở Hà Nội vẫn chỉ là một điều bí ẩn!
 
Từ năm 2010, quy trình chấp thuận mở tuyến, bổ sung, thay thế phương tiện vào bến thuộc sự quyết định của 2 đầu là Sở GTVT Hà Nội và địa phương. Trong khi đó, chưa hề có bất cứ quy chế giám sát thực chất số lượng phương tiện đang hoạt động trên một tuyến là bao nhiêu, số xe đang thực sự hoạt động có đúng như trong báo cáo? Chính vì thế, muốn “bổ sung” xe mới, muốn kiếm “lốt” đẹp bắt buộc doanh nghiệp, chủ xe phải tìm đến Sở để “xin xỏ, chạy vạy”.
 
Một chủ xe chạy tuyến Hà Nội – Thái Bình tiết lộ, để được đưa xe vào bến xe Giáp Bát và bến xe Mỹ Đình chủ phương tiện đã phải chi phí từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/lốt! Người ta có thể chuyển nhượng, mua đi bán lại “lốt” cho nhau. Tính xa xôi, anh này bỏ tiền ra “mua” 2 “lốt” đẹp (tại một bến xe hiện đang vắng vẻ ở Hà Nội), khi nào đông khách lập tức đưa xe vào hoạt động hoặc sẽ bán lại kiếm lời!
 
“Từ năm 2007, Sở GTVT Hà Nội thông báo bến xe Mỹ Đình không tiếp nhận thêm xe chạy từ Thái Bình, Nam Định… vì bến quá tải. Nhưng thay vào đó, Sở lại “thả cửa” cho vào bến Mỹ Đình chạy xuyên tâm, trái với chủ trương, quy hoạch của TP. Hà Nội. Chính các xe này đã gây nhiễu loạn luồng tuyến, tạo ra hàng loạt tiêu cực, mất an toàn giao thông (ATGT), đẩy các tuyến xe này vào cảnh cứ 2 phút lại có một xe trên đường. Nghịch lý là thế mà người quản lý tuyến vẫn chấp thuận. Ngoài lợi ích cục bộ của một nhóm người thì không vì lý do gì khác…” – giám đốc một doanh nghiệp vận tải lớn bức xúc bày tỏ.
 
Do bến xe Mỹ Đình quá tải nên đã xuất hiện nhiều bến xe dù ở quanh khu vực này
Do bến xe Mỹ Đình quá tải nên đã xuất hiện nhiều bến xe "dù" ở quanh khu vực này
Giới vận tải săn "lốt" đẹp
 
Được biết, mới đây trước thông tin Sở GTVT Hà Nội dự kiến di dời một số tuyến vận tải về BX Yên Nghĩa, hiện giới vận tải đã “rục rịch” săn “lốt” đẹp tại bến xe này. Nhằm quyết bám trụ khu vực Mỹ Đình, một số chủ xe đã tính đến việc “chạy” mở tuyến Thái Bình, Nam Định –đến Nhổn (Hoài Đức), Trôi (Đan Phượng). “Tôi dám chắc các xe Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình… đang lo ngay ngáy, nhất là những xe vào bến Mỹ Đình sau năm 2009. Nếu không “lo liệu” biết đâu sẽ bị chuyển đi. Nghe nói di dời lần này là đợt 1, còn đợt 2 nữa…” – một chủ xe cho hay.
 
Nhiều năm nay, xe khách chạy xuyên tâm, “trái bến” gây nhiễu loạn, ùn tắc, mất ATGT đã ngang nhiên vi phạm nhưng thật trớ trêu, nó vẫn “ngang nhiên tồn tại”! Mặc dù chạy vào nội thành qua các tuyến phố đông đúc không được dừng đỗ đón, trả khách nhưng các xe này vẫn điềm nhiên phạm luật, bất cứ chỗ nào có khách là dừng. Cảnh tượng đua nhau tranh giành bắt khách liên tục diễn ra. Phải chăng lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm dày đặc gồm thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự 113, công an phường… không hay biết những vi phạm trên?
 
Do bến xe Mỹ Đình quá tải nên đã xuất hiện nhiều bến xe dù ở quanh khu vực này
Xe dù tuyến Hà Nội - Vinh - Hà Tĩnh thường được sơn màu vàng cam, màu đỏ và không có tên đơn vị vận tải

Vậy các “nhóm lợi ích” ẩn náu ở đâu? Qua điều tra của PV Dân trí đã thu thập nhiều chứng cứ khẳng định rõ:

Nhóm lợi ích thứ nhất thuộc cá nhân có chức năng thanh tra đã hưởng lợi từ việc làm ngơ hoặc tổ chức cho xe khách liên tỉnh xuyên tâm hoặc vào trong Thành phố Hà Nội, các văn phòng bán vé trong nội đô đón, trả khách.

Nhóm lợi ích thứ hai thuộc cá nhân có chức năng cấp phép vào các bến xe để hưởng lợi từ việc cho xe vào bến hoặc vào lốt (giờ) có nhiều khách, đi theo lộ trình qua khu tập trung dân cư, trường học hoặc bệnh viện, v.v…

Ai đứng ra xóa bỏ "nhóm lợi ích"?

Xin trở lại những vấn đề chúng tôi đã đề cập ở phần trên. Trước những bức xúc của vấn đề quá tải và tình trạng xe dù bến cóc tràn lan, xe khách liên tỉnh chạy xuyên tâm thành phố gây mất ANTT, ATGT, ùn tắc giao thông và mỹ quan đô thị, ngay từ năm 2005 – 2006, TP Hà Nội đã có những chủ trương, chỉ đạo khắc phục tình trạng trên.
 
Vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình: Lộ sáng nhóm lợi ích
Từ năm 2006, Sở GTVT Hà Nội đã khẳng định công suất tối đa của bến xe Mỹ Đình là 800 lượt xe trên/ngày. Vậy mà "nhóm lợi ích" đã thả cửa bổ sung thêm gần 500 lượt xe xuất bến/ngày tại bến Mỹ Đình khiến bến xe này "bội thực" và "vỡ trận"
 
Ngày 27/12/2006, ngành GTVT TP đã có văn bản về việc “Quy hoạch vận tải hành khách liên tỉnh tại các bến xe năm 2007 trên địa bàn TP Hà Nội” chỉ rõ nguyên tắc sau:

Các tuyến phía Nam tổ chức tại các Bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm, Lương Yên; Các tuyến phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam: tổ chức tại Bến xe Mỹ Đình; Các tuyến phía Bắc, Đông, Đông Bắc: tổ chức tại Bến xe Gia Lâm, Lương Yên. Và quy định cụ thể số lượng xe tối đa, lộ trình ra, vào cho từng bến.

Nhằm kiên quyết thực hiện chủ trương của Thành phố, ngày 6/5/2008 Ban chỉ đạo 197 Thành phố đã có văn bản số 05/TB – BCĐ197TP thông báo về công tác đảm bảo TTATGT, yêu cầu “sắp xếp, điều chỉnh các tuyến xe khách đỗ tại các bến theo hướng: Xe đi các tỉnh phía Tây, Tây Bắc đón, trả khách tại bến xe Mỹ Đình; xe đi các tỉnh phía Nam đón, trả khách tại bến xe phía Nam (Bến xe Giáp Bát) và bến xe Nước Ngầm; xe đi các tỉnh phía Bắc đón, trả khách tại bến xe Gia Lâm”…

Ngày 14/10/2009 Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản số 1382/TB thông báo về việc “Tạm dừng đăng ký mới, bổ sung phương tiện từ các tỉnh phía Đông, Đông Nam, Nam thành phố Hà Nội đến Bến xe Mỹ Đình và ngược lại” vì lý do “Bến xe khách Mỹ Đình đã vào tình trạng quá tải”…

Tuy nhiên, mặc dù đã có những văn bản, chủ trương nêu trên, thực trạng bố trí tuyến vận tải khách đã không thực hiện theo quy hoạch nên đã gây ra hàng loạt tiêu cực và hệ lụy là hầu hết các bến đều có xe chạy tới các tỉnh trong cả nước và ngược lại; bến xe Mỹ Đình vẫn bổ sung thêm xe (mặc dù đã có văn bản ngừng bổ sung) dẫn đến mức bùng nổ; bến xe Yên Nghĩa được Thành phố đầu tư bài bản thì quá ít xe; một số bến xe còn lại chưa được khai thác hợp lý…

Việc tăng mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường của Thủ đô đã gây mất ANTT, ATGT và rối loạn, ùn tắc giao thông; mất lòng tin của người dân đối với cơ quan công quyền, kỷ cương phép nước bị coi thường; lái xe coi thường pháp luật, tấn công hoặc chống lại người thi hành công vụ; đối với các doanh nghiệp vận tải tạo ra sự chạy đua chi phí giữa các doanh nghiệp vận tải khách vào những bến xe có nhiều khách hoặc những bến xe có đường đi qua nội đô để tiện cho việc đón trả khách trên các tuyến phố v.v...
 
Đối với một số cơ quan quản lý có liên quan đã tạo ra các cuộc “chạy” vị trí làm việc của công chức, viên chức trong những cơ quan quản lý cấp phép kinh doanh vận tải khách hoặc trong các cơ quan có chức năng kiểm tra kiểm soát ANTT, ATGT, luồng tuyến v.v...
 
Dư luận đề nghị Công an TP. Hà Nội mạnh tay trấn át nạn xe dù, đảm bảo
Dư luận đề nghị Công an TP. Hà Nội mạnh tay trấn át nạn xe dù, đảm bảo
cho người dân được đi lại an toàn.

Trước tình hình trên, dư luận cho rằng cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ các cơ quan Trung ương nhằm tổ chức lại giao thông đối với phương tiện vận tải khách ở Hà Nội với những giải pháp cơ bản:

Một là xóa bỏ tình trạng xe khách liên tỉnh vào đón khách tại các văn phòng bán vé của các doanh nghiệp vận tải khách trong nội đô.

Hai là nghiêm cấm xe khách liên tỉnh giả danh xe du lịch, xe đưa rước, v.v... để đưa, đón khách ra, vào nội đô.

Ba là sắp xếp tuyến vận tải khách liên tỉnh theo đúng “Quy hoạch vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe năm 2007 trên địa bàn TP Hà Nội” theo nguyên tắc: Bến xe phía Đông – Bến xe Gia Lâm bố trí các tuyến xe vận tải khách liên tỉnh thuộc các hướng Đông Bắc, Đông và Đông Nam. Bến xe phía Tây – Bến xe Yên Nghĩa bố trí tuyến xe vận tải khách liên tỉnh thuộc các hướng: Tây, Tây Bắc và Tây Nam. Bến xe phía Nam – Bến xe Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm: bố trí tuyến xe vận tải hành khách liên tỉnh thuộc phía Nam. Bến xe phía Bắc – Bến xe Mỹ Đình bố trí các tuyến xe vận tải khách liên tỉnh thuộc các hướng: Bắc, Bắc Tây Bắc và Đông Bắc.

Việc tổ chức lại giao thông theo đúng trật tự trên sẽ hóa giải được những bất cập bấy nay. Đó là không cần chi phí đã giảm đáng kể ùn tắc và tai nạn giao thông của Thành phố do giảm hàng ngàn lượt xe chạy xuyên tâm/ngày (đa số xe tuyến ngắn Hà Nội đi Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh v.v... quay vòng 2 đến 3 lượt ngày – đặc biệt những ngày lễ tết). Trước mắt và lâu dài đều hạn chế được tới mức tối thiểu việc ùn tắc nút giao thông nút cầu vượt Mai Dịch (vì không còn tình trạng các xe phía Nam quay đầu ra, vào bến xe Mỹ Đình). Mặt khác sẽ lành mạnh mối quan hệ giữa cơ quan quản lý tuyến, cơ quan kiểm soát, thanh tra v.v... đối với các đơn vị vận tải khách có cùng bến xuất phát đến Hà Nội và hạn chế tối đa tai nạn, ùn tắc giao thông trên tuyến chở khách về Hà Nội…

Việc lập lại trật tự kỷ cương nhằm bảo đảm hoạt động lành mạnh cho các bến xe, doanh nghiệp vận tải hành khách và bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở Thủ đô đã đến cấp độ “báo động đỏ”.
 
Báo Dân trí đề nghị UBND TP. Hà Nội cần mạnh tay trong chỉ đạo tổ chức thực hiện để giữ nghiêm kỷ cương phép nước và kiên quyết triệt tiêu “lợi ích nhóm” đang “cố thủ” hoành hành. Hơn thế nữa, vấn đề an toàn giao thông của Thủ đô Hà Nội đã quá nhức nhối, đang thực sự là mối quan tâm lớn của dư luận cả nước. Nhằm lành mạnh hóa tình hình trật tự an toàn giao thông ở Thủ đô, đã đến lúc rất cần sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương, Bộ GTVT, Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và UBND TP. Hà Nội.
 
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc bến xe Mỹ Đình thừa nhận có việc bổ sung xe vào bến Mỹ Đình hoạt động vì là quan hệ của chỗ nọ, chỗ kia, là điều khó tránh khỏi. Vậy, cái “quan hệ” kia là gì, tại sao lại không tránh khỏi?
 
Dư luận đặt câu hỏi: Liệu Hà Nội có đủ dũng cảm để chặt đứt “nhóm lợi ích” để lập lại trật tự vận tải, sắp xếp theo đúng quy hoạch đã có từ lâu?!.
 
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
 
Vũ Văn Tiến