Vụ 194 phố Huế:

Bài 66: “Trịnh Ngọc Chung có thể phải nhận mức án cao hơn 30 tháng tù treo”

(Dân trí) - “Trong kỳ án 194 phố Huế, cùng với việc bất thường khi gia đình 194 phố Huế bị TAND TP Hà Nội tước quyền kháng cáo thì chỉ còn bị cáo Trịnh Ngọc Chung có quyền này. Và nếu bị cáo Chung kháng cáo, TAND Tối cao hoàn toàn có khả năng tuyên phạt bị cáo mức án cao hơn 30 tháng tù treo” luật sư Trương Quốc Hòe phân tích.

Kỳ án 194 Phố Huế đã được đưa ra xét xử cách đây gần bốn tháng, sau 3 năm Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) tiến hành khởi tố và truy tố Trịnh Ngọc Chung - Nguyên Trưởng Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Tuy nhiên, qua hơn 2 ngày xét xử rất căng thẳng, HĐXX TAND TP Hà Nội chỉ tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung 30 tháng tù treo trong khi đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị mức án 5-6 năm tù giam khiến cho công luận hết sức bất bình về những dấu hiệu bất thường.

Một điều khiến dư luận đặt câu hỏi nữa là việc TAND TP Hà Nội đã tước mất quyền kháng cáo của gia đình 194 phố Huế. Đồng nghĩa với việc chỉ còn bị cáo Trịnh Ngọc Chung có quyền kháng cáo bản án lên TAND Tối cao. Dưới góc nhìn pháp lý, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung 30 tháng tù treo gây bức xúc dư luận.
TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung 30 tháng tù treo gây bức xúc dư luận.
TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Ngọc Chung 30 tháng tù treo gây bức xúc dư luận.

Thưa luật sư Trương Quốc Hòe, có điều gì bất thường không khi hành vi phạm tội của bị cáo Trịnh Ngọc Chung đã bị VKSND Tối cao truy tố theo Khoản 3 Điều 296 Bộ luật Hình sự, bị công tố viên đề xuất mức án từ 5 đến 6 năm tù giam, nhưng HĐXX lại chỉ tuyên bị cáo Trịnh Ngọc Chung phạm tội theo Khoản 2 Điều 296 Bộ luật Hình sự và cho bị cáo hưởng án treo?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Việc HĐXX tuyên phạt bị cáo dưới khung mà Viện kiểm sát truy tố, dù không đưa ra được bất cứ căn cứ pháp lý nào cho việc thay đổi nào, sau đó lại “ưu ái” cho bị cáo hưởng án treo, theo tôi là một điều hết sức bất thường.

Tại phiên xử vụ 194 phố Huế, VKSND TP Hà Nội đề nghị mức án 5 - 6 năm tù giam đối với bị cáo Trịnh Ngọc Chung, nhưng HĐXX chỉ tuyên phạt bị cáo này 30 tháng tù treo. Theo bạn mức án nào là hợp lý?
Mức án tù giam VKSND TP Hà Nội đề nghị
Mức án treo HĐXX đã tuyên
  

Theo Khoản 1 Điều 296 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Tội danh được quy định tại Điều 296 Bộ luật Hình sự là tội danh có cấu thành vật chất, vì thế dấu hiệu “gây hậu quả” là một trong những dấu hiệu bắt buộc của tội danh này.

Theo hồ sơ vụ án, hành vi phạm tội của Trịnh Ngọc Chung đã gây hậu quả rất lớn về nhiều mặt: xâm hại trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; gây thiệt hại về vật chất cho Nhà nước và cho gia đình 194 Phố Huế; gây tổn thất về tinh thần rất lớn cho gia đình 194 Phố Huế; gây bất bình và mất niềm tin sâu sắc trong quần chúng nhân dân về sự hoạt động nghiêm minh, đúng đắn của các cơ quan nhà nước.


Đại diện VKSND TP Hà Nội chỉ rõ tội của bị cáo Trịnh Ngọc Chung tại tòa và đề nghị mức án 5-6 năm tù giam với Trịnh Ngọc Chung.

Kết luận điều tra cũng như Cáo trạng của VKSND tối cao đã nêu rõ: “Thiệt hại do quyết định cưỡng chế giao nhà gây nên đối với gia đình ông Hoàng Ngọc Minh (bao gồm chi phí cưỡng chế, thiệt hại do bị mất thu nhập từ việc cho thuê nhà 194 Phố Huế, tiền thuê nhà cho các thành viên trong gia đình...) là 6.696.053.000 đồng”. Còn tính đến thời điểm hiện nay, theo như gia đình 194 Phố Huế cung cấp thì tổng số thiệt hại đã lên đến trên 10 tỷ đồng. 

Thiệt hại nêu trên đã thỏa mãn theo quy định tại tiết c.5, điểm c, mục 3, phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT ngày 25/12/2001 của Bộ tư pháp, Bộ công an, TAND tối cao và VKSND tối cao hướng dẫn xác định hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Và theo Khoản 3 Điều 296 thì “Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm”. Như vậy, hậu quả gây thiệt hại còn là căn cứ để định khung cho tội danh này. Chính vì việc gây ra thiệt hại rất lớn của vụ án này, Trịnh Ngọc Chung đã bị VKSNDTC truy tố theo Khoản 3 của Điều này. Việc HĐXX tùy tiện tuyên bị cáo phạm tội theo Khoản 2 Điều 296 BLHS là một việc làm hoàn toàn không có căn cứ pháp lý và là một điều rất khó hiểu cần phải được làm sáng tỏ để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.


Tuy nhiên, TAND TP Hà Nội chỉ tuyên phạt bị cáo Chung 30 tháng tù treo.

Một bất thường nữa trong vụ án này là rõ ràng không hề có bất cứ căn cứ nào để có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo nhưng  HĐXX lại vẫn tuyên cho bị cáo được hưởng án treo là một điều quá bất thường. Cụ thể như sau:

- Kể từ khi thực hiện hành vi phạm tội của mình đã tròn ba năm nhưng bị cáo Trịnh Ngọc Chung vẫn không hề có động thái tích cực để ngăn ngừa, giảm bớt tác hại do hành vi phạm tội của mình đối với gia đình 194 Phố Huế.

- Bị cáo chưa hề khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra.

- Bên cạnh đó, bị cáo đã phạm tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng; phạm tội gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

- Hồ sơ vụ án thể hiện rất rõ khi phạm tội hoàn toàn do bị cáo chủ động thực hiện hành vi chứ không do ai đe dọa, cưỡng ép bị cáo, thậm chí bị cáo đã chỉ đạo và ra lệnh cho những người khác phải làm theo ý của mình để thực hiện đến cùng hành vi phạm tội cũng như để che dấu hành vi phạm tội của mình, sau đó, bị cáo lại quanh co đổ tội cho các thuộc cấp của mình. Tuy nhiên, quá trình điều tra, truy tố cũng như tại phiên tòa đã làm sáng tỏ được những thuộc cấp của Trịnh Ngọc Chung chỉ làm theo lệnh của bị cáo chứ hoàn toàn không có động cơ, mục đích trục lợi hay thù hằn cá nhân gì trong việc này.

- Bị cáo không tự thú dù trước đó 5 tháng VKSND tối cao đã khởi tố vụ án, dù từ tháng 11/2011 đến tháng 4/2012 là một khoảng thời gian đủ dài để bị cáo tự giác thực hiện điều này;

- Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo hoàn toàn không thành khẩn khai báo; không có động thái tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra; không có tình tiết lập công chuộc tội, tại phiên tòa bị cáo liên tục quanh co chối tội, không tôn trọng những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng...

Chính vì các căn cứ trên nên rõ ràng bị cáo không thể được hưởng tình các tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 46 Bộ luật Hình sự cũng như không thể áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự trong việc lượng hình đối với bị cáo được.

Thế nhưng vị thẩm phán chủ tọa Ngô Tiến Phong lại nhận định: “Xét nhân thân bị cáo tốt, trước khi phạm tội đã có thời gian công tác, cống hiến lâu năm, được nhiều giấy khen của Bộ tư pháp, UBND TP Hà Nội, bị cáo là người trưởng thành trong quân ngũ, do vậy khi lượng hình cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo... Bị cáo là người có công ăn việc làm ổn định, có nơi ở rõ ràng, có sức khỏe làm việc cống hiến cho xã hội, nên khi lượng hình tòa thấy không cần thiết phải bắt bị cáo phải cách ly với xã hội mà để cho bị cáo được cải tạo lao động sản xuất cũng đủ trở thành công dân tốt cho xã hội”.

Mặc dù tại phiên tòa bị cáo chưa một lần nhận tội, thậm chí còn lớn tiếng tranh cãi với công tố viên về việc hành vi phạm pháp của mình, nhưng sau đó HĐXX lại đã áp dụng điểm p Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự: Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; điểm s Khoản 1 Điều 46: Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; Khoản 2 Điều 46, Điều 60 Bộ luật Hình sự để làm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Do vậy, mặc dù bị cáo Trịnh Ngọc Chung bị VKSND tối cao truy tố theo Khoản 3 Điều 296 Bộ luật Hình sự, theo tội danh này thì bị cáo có nguy cơ đối diện với mức án từ 5 đến 10 năm tù, và tại phiên tòa, vị công tố viên đã đề nghị HĐXX tuyên phạt Trịnh Ngọc Chung mức án từ 5 đến 6 năm tù và buộc phải cách ly với xã hội, nhưng cuối cùng HĐXX lại đã tuyên phạt bị cáo có 30 tháng tù, cho hưởng án treo.

Luật sư Trương Quốc Hòe: Nếu kháng cáo, 
Luật sư Trương Quốc Hòe: "Nếu kháng cáo, Trịnh Ngọc Chung có thể phải nhận mức án cao hơn 30 tháng tù treo”.

Vậy thưa luật sư, trước một bản án có nhiều dấu hiệu bất thường như vậy, ai sẽ là người có thẩm quyền kháng cáo, kháng nghị bản án này?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Theo quy định của pháp luật thì Người bị hại là gia đình 194 Phố Huế, Bị cáo Trịnh Ngọc Chung có quyền kháng cáo; VKSND TP Hà Nội và VKSND tối cao có quyền kháng nghị bản án sơ thẩm này. Tuy nhiên, một lần nữa vụ án này lại bộc lộ quá nhiều điểm bất thường, cụ thể là:

Thứ nhất, tại phiên tòa, HĐXX lại xác định các thành viên của gia đình 194 phố Huế là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 54 Bộ luật tố tụng hình sự thì gia đình 194 phố Huế chỉ có quyền kháng cáo bản án về các vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại dân sự mà không có quyền kháng cáo đối với hình phạt của bị cáo. Thế nhưng, tại phiên tòa này, HĐXX đã tuyên tách phần bồi thường thiệt hại dân sự thành một vụ án khác, xét xử sau nếu gia đình 194 phố Huế có yêu cầu. Điều này đồng nghĩa với việc gia đình 194 phố Huế hoàn toàn không có quyền kháng cáo đối với bản án đã tuyên ngày 10/07/2014.

Theo khoa học hình sự, khách thể tội phạm của tội “Ra quyết định trái pháp luật” là lợi ích của Nhà nước, xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm đến hoạt động bình thường của Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án.

Hành vi phạm tội của Trịnh Ngọc Chung đã gây nên rất nhiều tổn thất về vật chất và tinh thần đối với gia đình nhà 194 phố Huế. Theo Cáo trạng số 18/VKSTC-V1A ngày 08/07/2013 thì tổng số thiệt hại lên tới 6.696.053.000 đồng. Như vậy, có thể thấy rõ ràng gia đình nhà 194 phố Huế là bị hại trong vụ án này.

Mặt khác, ngày 22/08/2013, TAND thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự cho Luật sư Phan Thị Lam Hồng và Luật sư Trương Quốc Hòe, trong đó chứng nhận chúng tôi là “người bảo vệ quyền lợi cho các người bị hại Hoàng Ngọc Minh, Hoàng Thị Thu Hằng, Hoàng Đình Mạnh. Trong vụ án hình sự: Trịnh Ngọc Chung phạm tội “Ra quyết định trái pháp luật”.

Tại phiên tòa, tôi đã rất nhiều lần đề nghị HĐXX xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của gia đình 194 phố Huế nhưng đều không được ông Chủ tọa chấp nhận. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích hợp pháp của gia đình nhà 194 phố Huế, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Về vấn đề này, chúng tôi đã có khiếu nại lên TAND thành phố Hà Nội, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được phản hồi, giải quyết. Bất thường này nếu không được xem xét, giải quyết thì quyền lợi hợp pháp của gia đình 194 Phố Huế mãi mãi bị xâm hại.

Thứ hai, mặc dù VKSND tối cao đã truy tố bị cáo theo Khoản 3 Điều 296 Bộ luật Hình sự (theo tội danh này thì bị cáo có nguy cơ đối diện với mức án từ 5 đến 10 năm tù), và tại phiên tòa, vị công tố viên đã đề nghị HĐXX tuyên phạt Trịnh Ngọc Chung mức án từ 5 đến 6 năm tù và buộc phải cách ly với xã hội, thế nhưng sau khi HĐXX tuyên bố bị cáo chỉ phạm tội theo Khoản 2 Điều 296 BLHS, phạt bị cáo chỉ có 30 tháng tù và lại cho hưởng án treo, hoàn toàn khác với những gì VKSND Tối cao truy tố và đề nghị thì cả VKSND TP Hà Nội lẫn VKSND Tối cao đều đã im lặng, không thực hiện quyền kháng nghị của mình đối với khung hình phạt và mức án nêu trên. Đây rõ ràng cũng là một bất thường cần phải làm rõ.

Thứ ba, giả sử bị cáo Trịnh Ngọc Chung thực hiện quyền kháng cáo của mình và kháng cáo này là hợp lệ được TAND Tối cao chấp thuận, thì cũng sẽ xảy ra các trường hợp sau:

- Trường hợp thứ nhất: TAND Tối cao sẽ tuyên mức án thấp hơn mức án của bản án sơ thẩm, hoặc tuyên bị cáo vô tội. Tôi khẳng định đây là trường hợp không bao giờ có thể xảy ra, bởi hành vi phạm tội của bị cáo Trịnh Ngọc Chung đã quá rõ ràng, đã được làm sáng tỏ trong các bút lục của hồ sơ vụ án, trong bản Kết luận điều tra, trong Cáo trạng cũng như trong bản án sơ thẩm. Rõ ràng những hành vi phạm tội này phải được điều tra, truy tố và xét xử theo Khoản 3 Điều 296 BLHS, với mức án thấp nhất là 5 năm tù giam, cao nhất là 10 năm tù giam.

- Trường hợp thứ hai: TAND Tối cao sẽ tuyên y án bản án sơ thẩm. Nếu vậy thì những bất thường và bất công trong bản án sơ thẩm sẽ vẫn tồn tại và hoàn toàn không được giải quyết, dù rằng trong suốt hơn 3 năm qua, các thành viên nhà 194 Phố Huế phải ly tán mỗi người một nơi, cuộc sống gặp biết bao u uất, khổ đau và vất vả bởi hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo. Không thể nào có thể duy trì một bản án có quá nhiều bất thường gây thiệt hại nghiêm trọng cho bị hại là gia đình 194 Phố Huế. Càng không thể nào dung túng và bao che cho hành vi phạm tội cũng như thái độ ngoan cố đầy thách thức của bị cáo Trịnh Ngọc Chung trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

- Trường hợp thứ ba: TAND Tối cao sẽ tuyên mức án cao hơn mức án của bản án sơ thẩm. Nếu vậy thì những bất thường trong bản án sơ thẩm mới được giải quyết và rõ ràng công lý lúc này mới được thực thi đối với toàn bộ hành vi phạm tội của bị cáo Trịnh Ngọc Chung.

Xin cảm ơn luật sư!

Anh Thế (thực hiện)