Nghĩ về chữ “sợ” trong bài viết của Chủ tịch Trương Tấn Sang
(Dân trí) - Thời gian gần đây, vào những dịp kỉ niệm trọng đại của đất nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thường có những bài viết thể hiện niềm vui mừng trước sự phát triển của đất nước đồng thời cũng bày tỏ những băn khoăn, lo lắng về trách nhiệm đối với Tổ quốc của cá nhân ông cùng những người đồng chí của ông.
Kỷ niệm Quốc khánh năm nay, ngoài việc nêu lên những thành tựu, Chủ tịch Trương Tấn Sang còn bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại về tình trạng mất niềm tin. Chủ tịch viết: “Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta”.
Ngạn ngữ có câu: “Mất niềm tin là mất tất cả”. Dù một cá nhân hay một thể chế, không có nỗi sợ nào bằng nỗi sợ mất niềm tin.
Trong bài viết của mình, Chủ tịch nước đã chỉ rõ nguyên nhân gây nên mất niềm tin của nhân dân, đó là “vẫn còn tệ tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thói quan liêu hống hách cửa quyền với nhân dân, tình trạng trù dập, ức hiếp người dân lương thiện, gây ra bao nỗi oán thán, bất bình trong nhân dân”.
Chúng ta đã nói nhiều, quá nhiều về những thói hư, tật xấu, về quan liêu, tham nhũng… nhưng trong những điều mà Chủ tịch nước nêu lên, cá nhân mình lại suy nghĩ rất nhiều về ý “thiếu trách nhiệm” và “thói quan liêu hống hách cửa quyền với nhân dân”.
Có lẽ trong lịch sử từ ngày thành lập Việt Nam dân chủ cộng hòa (9/1945) đến nay, chưa bao giờ xuất hiện hiện tượng nhiều cán bộ công chức có biểu hiện thiếu trách nhiệm như tại thời điểm hiện nay.
Bởi lịch sử cách mạng Việt Nam là lịch sử của sự hi sinh, cống hiến vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, vẹn toàn lãnh thổ và hạnh phúc nhân dân của những người cộng sản.
Trách nhiệm đối với Tổ quốc, bao anh hùng liệt si đã anh dũng hi sinh.
Trách nhiệm với mỗi cá nhân, đã có biết bao nhiêu người không tiếc công sức, máu xương.
Không chỉ có trách nhiệm đối với mọi người, mỗi cán bộ đảng viên còn phải có tinh thần trách nhiệm bảo vệ thanh danh, hình ảnh của mình.
Vì thế, phải công tâm và trung thực trong mỗi hành xử nhỏ.
Vì thế, không có chuyện “thiếu trách nhiệm, thói quan liêu hống hách cửa quyền với nhân dân, tình trạng trù dập, ức hiếp người dân lương thiện, gây ra bao nỗi oán thán, bất bình trong nhân dân”.
Vì thế, xã hội những năm trước đây hầu như không có những oan sai như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, khép một người lương thiện vào tội tử hình để đến mức chịu tù đày oan sai hơn 10 năm trời.
Vì thế, cũng không có vụ thiếu công minh như vụ 194 Phố Huế kết quả là một bản án nhẹ hều 30 tháng tù cho hưởng án treo. Trong khi đó, tội của nguyên Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự Trịnh Ngọc Chung quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là nghiêm trọng.
Báo Nhân dân ngày 13/7, bài “Một bản án thiếu sức thuyết phục” viết: “Những hành vi phạm tội của Trịnh Ngọc Chung đã gây thiệt hại cho gia đình ông Hoàng Ngọc Minh ở 194 Phố Huế, Hà Nội lên đến hơn 6,6 tỷ đồng. Kết quả điều tra đã khẳng định, trong quá trình thi hành án, Trịnh Ngọc Chung đã có hàng loạt vi phạm mang tính cố ý như: Kê biên nhà 194 Phố Huế cũng như quá trình bán đấu giá không thông báo cho các đồng chủ sở hữu biết; nhà 194 Phố Huế chưa có "sổ đỏ", không đủ điều kiện để chuyển dịch bất động sản cũng như đang bị phong tỏa mà chưa có quyết định giải tỏa; chỉ đạo thư ký giả mạo chữ ký, thêm nội dung vào biên bản thi hành án trái với ý chí, nguyện vọng của người thi hành án; vận dụng Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26-7-2010 không đúng, tự chế ra mẫu quyết định cưỡng chế sai với biểu mẫu theo quy định của Bộ Tư pháp”.
Theo quy định tại Khoản 3, điều luật này, Trịnh Ngọc Chung đã phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng và phải bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
Thế nhưng…!
Trước đây, cũng không có chuyện cán bộ vào quán ăn nhậu trong giờ hành chính, đánh nhau đến sứt đầu, mẻ trán.
Trước đây cũng không có những cán bộ công chức giàu có khi về hưu xây dựng biệt thự, “lâu đài” hay khi mất trộm mới lộ những khoản tiền mặt “khủng” trong gầm giường, phòng làm việc….
Có lẽ không ai không biết một điều niềm tin vào thể chế, niềm tin vào Đảng của người dân không chỉ bởi những chủ trương, nghị quyết mà bởi hình ảnh cá nhân và cách hành xử của các cơ quan công quyền cấp cơ sở trong từng trường hợp, dù nhỏ nhất.
Thế nhưng ngày càng nhiều thêm những vụ án không tâm phục, khẩu phục.
Ngày càng ít đi hình ảnh người cán bộ, đảng viên đến từng căn nhà, từng tổ dân phố để khuyên can, hòa giải các mối bất đồng.
Phải chăng đã qua rồi thời cán bộ đến từng nhà người dân để phân tích, thuyết phục, vận động mà thay vào đó là những quyết định “vô cảm”?!
Và tiếc thay, ngày càng xuất hiện thêm những cá nhân vô trách nhiệm với cách hành xử vô trách nhiệm.
Vì thế, điều lo lắng của Chủ tịch Trương Tấn Sang về niềm tin của nhân dân là có thật và tiếc thay nhiều khi chỉ bắt đầu từ cách hành xử của cán bộ, công chức qua những việc cụ thể như thế này.
Bùi Hoàng Tám