Hà Nội:

Bài 47 vụ 194 phố Huế: "Tòa trả hồ sơ phạm luật, thẩm phán sẽ phải chịu trách nhiệm"

(Dân trí) - "Nếu TAND TP Hà Nội trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Trịnh Ngọc Chung thì phải trong thời hạn tối đa 3 tháng từ khi thụ lý. Tòa trả hồ sơ không có căn cứ, phạm luật thẩm phán sẽ phải chịu trách nhiệm", luật sư Phan Thị Lam Hồng nói.

Trước thông tin gia đình 194 phố Huế cho biết Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã có Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Trịnh Ngọc Chung - nguyên Trưởng Chi cục THA dân sự quận Hai Bà Trưng phạm tội “Ra quyết định trái pháp luật”, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Phan Thị Lam Hồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về sự việc dưới góc độ pháp lý.

Thưa luật sư Phan Thị Lam Hồng, tại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, ai có thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung và thời gian ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung được quy định như thế nào? Với cụ thể vụ án 194 phố Huế, thời hạn TAND TP Hà Nội được trả hồ sơ điều tra bổ sung như thế nào theo quy định pháp luật?

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 BLTTHS thì Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có quyền ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

“2. Trong thời hạn ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong những quyết định sau đây:

a) Đưa vụ án ra xét xử ;

b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá mười lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp”.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: 
Luật sư Phan Thị Lam Hồng:  Nếu như tại thời điểm này Thẩm phán mới ra quyết định trả hồ sơ v 194 phố Huế để điều tra bổ sung thì sẽ hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về tố tụng hình sự.

Vấn đề này cũng được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/08/2010 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an và Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sungThẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 2 Điều 176 của BLTTHS”

Trong vụ án 194 Phố Huế này, kể từ thời điểm VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố Trịnh Ngọc Chung vào ngày 08/7/2013 và TAND TP Hà Nội tiếp nhận và thụ lý hồ sơ vụ án đến nay đã được 9 tháng, cho nên nếu như tại thời điểm này Thẩm phán mới ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì sẽ hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về tố tụng hình sự tại Điều 176 nêu trên.

Theo Khoản 2 Điều 121 BLTTHS và Khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC thì “Thời hạn điều tra bổ sung do Tòa án trả hồ sơ không quá một tháng tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung đến khi Cơ quan điều tra có bản kết luận điều tra bổ sung.

Luật sư có thể cho biết những trường hợp được phép trả hồ sơ để điều tra bổ sung?

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Những trường hợp Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung được quy định tại Khoản 1 Điều 179 BLTTHS, cụ thể như sau:

a) Khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được;

b) Khi có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác;

c) Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Những vấn đề cần điều tra bổ sung phải được nêu rõ trong quyết định yêu cầu điều tra bổ sung”

Cũng theo Khoản 3, Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC thì: Điều kiện để trả hồ sơ điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án:

b) Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử), Hội đồng xét xử (tại phiên tòa) ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án được hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà xét thấy không thể bổ sung tại phiên tòa được;

c) Không trả hồ sơ nếu là chứng cứ quan trọng nhưng nếu thiếu cũng truy tố, xét xử được hoặc không thể thu thập được.

Bên cạnh đó, Điều 7 của Thông tư này cũng nêu rõ:

 “2. Sau khi nhận được hồ sơ vụ án và quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án, nếu thấy quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án có căn cứ mà không thể tự mình bổ sung được thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra; nếu thấy quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án không có căn cứ theo hướng dẫn tại các điều 1, 3 và 4 Thông tư này thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án để đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 179 của BLTTHS...

4. Nếu kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi quyết định truy tố thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án; nếu kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi quyết định truy tố thì Viện kiểm sát ban hành cáo trạng mới thay thế cáo trạng cũ và chuyển hồ sơ đến Tòa án để xét xử”.

Xin luật sư cho biết rõ pháp luật hiện hành quy định thế nào là “Cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được”?

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Theo Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC, tại Điều 1 có quy định rất cụ thể về Chứng cứ quan trọng đối với vụ án:

“1. “Chứng cứ quan trọng đối với vụ án” quy định tại khoản 1 Điều 168 và điểm a khoản 1 Điều 179 BLTTHS là chứng cứ quy định tại Điều 64 của BLTTHS dùng để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 63 của BLTTHS và nếu thiếu chứng cứ này thì không thể giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.

2. Thiếu chứng cứ sau đây là trường hợp thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án:

a) Chứng cứ để chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra hay không” là chứng cứ để xác định hành vi xảy ra đó có đủ yếu tố của cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự hay thuộc các trường hợp không phải là hành vi phạm tội (phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ, quan hệ dân sự, kinh tế, vi phạm hành chính...);

b) Chứng cứ để chứng minh “thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định nếu có hành vi phạm tội xảy ra thì xảy ra vào thời gian nào, ở đâu; phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm như thế nào;

c) Chứng cứ để chứng minh “Ai là người thực hiện hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định một con người cụ thể đã thực hiện hành vi phạm tội đó;

d) Chứng cứ để chứng minh “có lỗi hay không có lỗi” là chứng cứ xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có lỗi hay không có lỗi; nếu có lỗi thì thuộc trường hợp lỗi cố ý (lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp) hoặc lỗi vô ý (lỗi vô ý do quá tự tin hay lỗi vô ý do cẩu thả) theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Bộ luật hình sự;

.......

e) Chứng cứ để chứng minh “mục đích, động cơ phạm tội” là chứng cứ xác định người thực hiện hành vi phạm tội với mục đích, động cơ gì và trong trường hợp mục đích, động cơ phạm tội là yếu tố tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc là yếu tố (tình tiết) của cấu thành tội phạm hoặc là yếu tố (tình tiết) định khung hình phạt;

g) Chứng cứ để chứng minh tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo là chứng cứ xác định bị can, bị cáo có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 46 của Bộ luật hình sự; có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 48 của Bộ luật hình sự hoặc là chứng cứ xác định tình tiết định khung hình phạt;

......

i) Chứng cứ để chứng minh “tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra” là chứng cứ để đánh giá tính chất, hậu quả (vật chất và phi vật chất) của hành vi phạm tội trong việc xác định tội phạm và quyết định hình phạt;

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: 
Sự chậm trễ trong việc xét xử vụ 194 phố Huế khiến dư luận không khỏi hoài nghi về những “bất thường” của vụ án này.

Thưa luật sư, thời gian gần đây có rất nhiều vụ án thẩm phán đã buộc phải ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thậm chí có những vụ án đã bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần. Vậy làm sao để có thể hạn chế được số lần trả hồ sơ bổ sung nhằm đảm bảo tiến độ của vụ án theo đúng quy định tố tụng cũng như đảm bảo được tính đúng đắn của pháp luật?

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Điều này đã được ghi nhận tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC: “Để không trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, Viện kiểm sát, Tòa án phải nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án để phát hiện các trường hợp phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung và phải kịp thời ra quyết định, không được để hết thời hạn quyết định truy tố hoặc hết thời hạn chuẩn bị xét xử mới ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung”

Vậy pháp luật có quy định thẩm phán phải chịu trách nhiệm gì nếu như ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung không có căn cứ?

Luật sư Phan Thị Lam Hồng: Khoản 4 Điều 39 BLTTHS quy định rõ:Thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình”

Theo Khoản 3, Khoản 4 Điều 12 Thông tư liên tịch số 01/2010 nói trên thì nếu thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử trong trường hợp quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung không có căn cứ pháp luật và Viện kiểm sát có văn bản giữ nguyên quyết định truy tố, sau đó Tòa án xét xử vụ án như đề nghị của Viện kiểm sát, thì lãnh đạo Tòa án sẽ phải tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm cụ thể của từng người tiến hành tố tụng có liên quan đến việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và có biện pháp khắc phục.

Xin cảm ơn lut sư!

Liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án trái pháp luật với ngôi nhà 194 phố Huế, Dân trí đã có loạt bài điều tra làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật của ông Trịnh Ngọc Chung - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Sau hàng chục bài báo đấu tranh không khoan nhượng của báo điện tử Dân trí, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội: “Ra quyết định trái pháp luật” để điều tra làm rõ.

Ngay sau đó, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp tục ra Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung về tội: “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, đã hơn 2 năm kể từ ngày Trịnh Ngọc Chung nhân danh “Nhà nước” cưỡng chế trái pháp luật ngôi nhà 194 phố Huế, đồng thời đã gần 1 năm trôi qua kể từ ngày bị truy tố, bị can Trịnh Ngọc Chung vẫn đang được tại ngoại, TAND TP Hà vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử khiến dư luận một lần nữa không khỏi hoài nghi về những “bất thường” của vụ án này.

Về quan điểm chỉ đạo giải quyết vụ 194 phố Huế, trả lời PV Dân trí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định chỉ đạo cơ quan tư pháp xử lý nghiêm, khách quan, đúng luật. 

Anh Thế (thực hiện)

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm