Vụ Công viên Cầu Giấy bị “băm nát”:
Bài 4: Rầm rộ lấn chiếm đất công bất chấp chỉ đạo của TP. Hà Nội
(Dân trí) - TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo huyện Từ Liêm và quận Cầu Giấy kiểm tra, xử lý vụ việc “xẻ thịt” công viên Cầu Giấy theo đúng quy định, nhưng đến giờ, những hoạt động trái phép trên khu đất dự án này vẫn “rầm rộ” tiếp diễn.
Các trạm trộn bê tông này ầm ầm hoạt động suốt ngày đêm, xả nước thải trực tiếp xuống con kênh chạy giữa khu đất và đổ tràn lênh láng nhiều m3 xi măng ra mặt đường. Trước các trạm trộn bê tông xuất hiện nhiều vũng nước nổi váng và vôi vữa lầy lội.
Nhiều xe dù vẫn ngang nhiên vào bến cóc trong công viên để ẩn nấp. Cứ từ 17h trở đi, các xe khách lại rục rịch kéo vào gara, điểm trông giữ xe, rửa xe để tiếp tục “yên tâm lộng hành” vào hôm sau.
Cũng sau hai bài viết về thực trạng đất công viên Cầu Giấy bị chiếm dụng trái phép, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc. Những người dân sống lân cận khu dự án vô cùng bức xúc và đã nêu rõ những ảnh hưởng xấu của việc thả cửa chiếm đất kinh doanh đến cuộc sống của họ.
Bạn đọc Đỗ Hà phản hồi: “Nhà tôi ở ngay khu vực này, việc trạm trộn bê tông thường xuyên hoạt động về đêm gây ồn ào và khó chịu cho chúng tôi, cảnh quan môi trường ô nhiễm, con đường bị xe trộn bê tông đâm nát, trông cực kì phản cảm. Mong quý báo tiếp tục đưa tin để công viên Cầu Giấy không bị băm nát và cuộc sống của chúng tôi bình yên khi đêm xuống!”
Qua ý kiến của độc giả, PV Dân trí đã nắm bắt được thêm thông tin về nhiều khu đất công, đất dự án rơi vào tình trạng như công viên Cầu Giấy và ngay cả những công viên đã đi vào sử dụng từ lâu như công viên Thanh Nhàn, công viên Tuổi trẻ cũng đang bị “xẻ thịt”.
Như thông tin báoDân tríđã đưa, Công viên Cầu Giấy là dự án xây dựng hồ điều hòa và khu công viên trung tâm trên diện tích rộng 40ha, tiếp giáp với mặt đường Phạm Hùng, giao cắt giữa quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm.
Những hộ dân này, đang chiếm dụng phần đất của dự án, nhưng dường như họ “nghiễm nhiên” coi đó là đất của cá nhân. Mọi hoạt động kinh doanh cho đến sinh hoạt hàng ngày như trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm đều diễn ra một cách công khai, giống như những cụm dân cư khác trên địa bàn.
Vì cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, nên các hộ dân “thừa cơ” kéo đến công viên Cầu Giấy làm nhà ngày càng đông, mà không hề thấy cơ quan chức năng đến kiểm tra, dẹp bỏ.
Không chỉ làm nhà để ở, những phần “đất vàng” của công viên nằm trên mặt đường Phạm Hùng còn bị “xẻ thịt” thành từng mảng phục vụ kinh doanh như: trông giữ xe, rửa xe, gara ô tô, sân tennis, quán bia….
Một tình trạng đáng báo động khác, môi trường của công viên Cầu Giấy rộng 40ha đang bị ô nhiễm bởi phế liệu xây dựng đang chất thành “núi” và chất thải từ một số trạm trộn bê tông đang ngày đêm hoạt động.
Điều đáng buồn hơn, công viên Cầu Giấy mãi nằm trên giấy và đang dần bị lãng quên. Khi PV Dân trí phỏng vấn người dân về khu đất dự án này, thì hầu hết họ đều không biết đây là đất dự án để xây dựng công viên. Bạn đọc cũng bình luận vì sự ngỡ ngàng khi biết khu đất 40ha là công viên sau khi báo Dân trí đăng tải về vụ việc.
BáoDân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy