Bài 4: Lật lại hồ sơ bán đấu giá ngôi nhà 194 phố Huế

(Dân trí) - Ngôi nhà 194 Phố Huế (tài sản bảo lãnh) có giá trị lớn hơn rất nhiều so với số tiền được bảo lãnh (5 tỷ đồng). Kết quả bán đấu giá được hơn 31 tỷ đồng, trong khi giá trị thực tế lên tới cả trăm tỷ đồng.

Chỉ riêng sự chênh lệch quá lớn này đã khiến dư luận đặt câu hỏi về tính minh bạch của quá trình thi hành án. Những phân tích dưới góc nhìn pháp lý của các luật sư sau đây sẽ cho bạn đọc thấy được việc để thực hiện Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM, Cơ quan Thi hành án Quận Hai Bà Trưng đã tiến hành kê biên và bán đấu giá ngôi nhà 194 phố Huế có dấu hiệu đã mắc phải nhiều sai phạm cần phải được làm sáng tỏ.

Dấu hiệu sai phạm khi kê biên tài sản đảm bảo

Theo Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla cho hay: Ngày 6/01/2009, Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng đã có quyết định thi hành án số 03, ngày 24/4/2009 có quyết định kê biên diện tích nhà đất 194 phố Huế.

Theo Hợp đồng tín dụng cho vay trung hạn số 01/NHCG, ngôi nhà 194 phố Huế chỉ là tài sản bảo lãnh cho số tiền 5 tỷ đồng. Vậy mà, khi kê biên tài sản, Chi cục Thi hành án Hai Bà Trưng không tiến hành kê biên các tài sản cầm cố và thế chấp mà lại kê biên tài sản bảo lãnh trước.      
Luật sư Trương Quốc Hòe: Biên bản kê biên đối với ngôi nhà 194 Phố Huế
 Luật sư Trương Quốc Hòe: "Biên bản kê biên đối với ngôi nhà 194 Phố Huế
không có hiệu lực pháp luật"

Ngày 24/4/2009, khi tiến hành thủ tục kê biên, phía đương sự chỉ có bà Nguyễn Thị Thu Hồng là người có quyền và nghĩa vụ liên quan có mặt, còn tất cả những người khác đều vắng mặt và không ký vào Biên bản kê biên.

Theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế (Điều 632 và Điều 637 Bộ luật dân sự năm 2005), khi ông Mậu chết (30/3/2006) không để lại di chúc, nên tài sản của ông sẽ được chia đều cho vợ là bà Nguyễn Thị Thu Hồng và 05 người con là: Hoàng Ngọc Minh, Hoàng Thị Thu Hằng, Hoàng Đình Mạnh, Hoàng Đình Sang, Hoàng Hồng Mẫn Nhi. Các đồng thừa kế này đều có quyền, nghĩa vụ như nhau đối với phần tài sản do ông Hoàng Đình Mậu để lại.

Việc bà Hồng tự ý giao phần diện tích đã kê biên cho Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các thành viên trong gia đình được coi là việc làm tự thỏa thuận giữa bà Hồng với cơ quan Thi hành án. Việc làm này là hoàn toàn trái với các quy định của pháp luật về thừa kế, xâm hại đến quyền bình đẳng về thừa kế của tất cả các đồng thừa kế đối với khối di sản trên. Vậy, Biên bản kê biên đối với ngôi nhà 194 Phố Huế không có hiệu lực pháp luật.

Dấu hiệu sai phạm khi bán đấu giá tài sản đảm bảo

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định: Sau khi kê biên, Cơ quan thi hành tiến hành bán đấu giá ngôi nhà 194 Phố Huế khi các con, cháu của ông Mậu đang trực tiếp sinh sống tại ngôi nhà 194 phố Huế (trong đó có 09 cháu nhỏ) nên họ là đối tượng được ưu tiên mua đấu giá theo quy định tại Điều 223 Bộ luật dân sự năm 2005 và Khoản 3 Điều 74, Luật Thi hành án dân sự: “Khi bán tài sản chung, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản”.
Liệu có điều gì uẩn khúc trong việc cưỡng chế ngôi nhà 194 Phố Huế này?
Liệu có điều gì uẩn khúc trong việc cưỡng chế ngôi nhà 194 Phố Huế này?
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Tuy nhiên, khi tiến hành tổ chức bán đấu giá căn nhà số 194 phố Huế, Chi cục Thi hành án Hai Bà Trưng và đơn vị bán đấu giá đã không thông báo cho các đồng thừa kế của ông Hoàng Đình Mậu, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ việc này được biết và tham dự. Điều này vi phạm nguyên tắc công khai trong quy định về bán đấu giá tại Nghị định số 05/2005/NĐ – CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (Nghị định số 05)

Dấu hiệu vi phạm quy định về chuyển quyền sử dụng đất đai

Theo Luật sư Trương Quốc Hòe, khi ông Mậu ký kết hợp đồng tín dụng số 01/NHCG thì ngôi nhà 194 Phố Huế chưa được xác định chủ quyền theo quyết định của bản án Dân sự số 160 ngày 25/7/1995 của TAND TP.Hà Nội (chưa làm thủ tục đăng bộ, sang tên). Cho đến nay, bản án này đã bị hủy theo quyết định giám đốc thẩm số 19 ngày 28/1/1997 của Tòa Dân sự TANDTC. Như vậy, căn nhà 194 Phố Huế chưa xác định chủ sở hữu hợp pháp và chưa được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất nên không có đủ điều kiện chuyển dịch bất động sản này theo quy định tại Điều 106 Luật đất đai.

Ngoài ra, theo Nghị định số 05 hướng dẫn về bán đấu giá tài sản thì người bán đấu giá (Công ty Cổ phần bán đấu giá Hà Nội) và người có tài sản đấu giá (trong trường hợp này là Cơ quan Thi hành án) đã “bỏ qua” một yêu cầu  tiên quyết là tài sản đấu giá là bất động sản bắt buộc phải có GCNQSDĐ, cũng như vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nghị định số 05 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

Bán đấu giá tài sản đang bị kê biên

Theo Luật sư Trương Quốc Hòe, Quyết định phong tỏa tài sàn số 02/TB-THA ngày 20/1/2000 của Đội Thi hành án quận Hai Bà Trưng thì căn nhà 194 Phố Huế chưa được giải biên nên không được thế chấp, cầm cố, cho thuê, chuyển dịch. Đến nay quyết định này vẫn còn hiệu lực; Đồng thời Đội Thi hành án cũng có công văn số 79 ngày 20/1/2000 đề nghị cơ quan chức năng chưa cho chuyển tên căn nhà; (Quyết định kháng nghị và Giám đốc thẩm xem đây là một trong những căn cứ để hủy quyết định hòa giải 143). Vì vậy, việc bán đấu giá căn nhà 194 Phố Huế khi đang bị kê biên là trái Pháp luật.

Tuy nhiên, bất chấp các quy định của pháp luật, ngày 24/8/2009, Công ty Cổ phần bán đấu giá Hà Nội đã tiến hành bán đấu giá tài sản thành cho ông Đặng Văn Thoán với mức giá 31.528.000.000 đồng.
 
Và một điều bất thường nữa xuất hiện trong việc quản lý số tiền bán đấu giá thành này đó là: Theo báo cáo của Cơ quan thi hành án Quận Hai Bà Trưng tại công văn số 83/CV-THA ngày 09/09/2009 thì toàn bộ số tiền trên đã được chuyển vào tài khoản của Cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, thật trùng hợp khi đúng số tiền đó (31.528.000.000 đồng) lại nằm trong sổ tiết kiệm của Ngân hàng Techcombank mang tên ông Hoàng Phi Long, cán bộ của chính Cơ quan Thi hành án quận Hai Bà Trưng. Phải chăng, đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên đến từng “chi tiết”?
Quyết định Giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM – GĐT của TANDTC
Quyết định Giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM – GĐT của TANDTC
(Ảnh: Vũ Văn Tiến) 

Ngày 21/12/2010, Tòa Kinh tế - Tòa án Nhân dân Tối cao đã Quyết định hủy Quyết định số 143/2007/QĐST – KDTM ngày 20/12/2007 của TAND TP. Hà Nội; Giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Hà Nội để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Và hiện nay TAND TP. Hà Nội đang thụ lý xét xử lại từ đầu vụ án này.

Nếu như toàn bộ quá trình kê biên, bán đấu giá ngôi nhà 194 Phố Huế là vi phạm pháp luật thì theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 05 kết quả bán đấu giá ngôi nhà 194 Phố Huế phải bị hủy vì đã “Có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc huỷ toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật”. Và theo đó “Trong trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.

Nhưng trên thực tế, ngày 7/7/2011, Cơ quan Thi hành án quận Hai Bà Trưng đã cưỡng chế thi hành án, khiến gần 20 con người (trong đó có 9 cháu nhỏ) trong gia đình ông Minh lâm vào cảnh không có chốn nương thân, tan đàn xẻ nghé phải đi ở nhờ khắp nơi.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến