Vụ cưỡng chế bất thường tại Phú Thọ:
Bài 3: "Chấp hành viên Chi cục thi hành án TP Việt Trì đã "thách đố" pháp luật"
(Dân trí) - "Chấp hành viên Đặng Xuân Quang đã bỏ qua hàng loạt các dấu hiệu sai phạm của Quyết định 16/2012, thực hiện đến cùng việc cưỡng chế thi hành án một quyết định đã bị kháng nghị giám đốc thẩm. Đó là hành vi "thách đố" pháp luật", luật sư Trương Anh Tú phân tích.
Sau khi Dân trí liên tiếp thông tin về những sai phạm nghiêm trọng trong việc thi hành án một Quyết định trái pháp luật của TAND TP Việt Trì khiến dư luận bức xúc, để rộng đường công luận, PV đã có buổi làm việc với luật sư Trương Anh Tú - Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích các tình tiết vụ việc:
Thưa luật sư, khi tiến hành kê biên tài sản đối với khối tài sản của Công ty CP đầu tư thương mại Việt Hưng, phát hiện thấy số liệu thực tế của diện tích xây dựng một sàn là 319,09m2, sai số quá lớn so với số liệu ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh Phú Thọ cấp, cũng như trong Hợp đồng thế chấp tài sản được ký kết giữa công ty Việt Hưng và một ngân hàng chi nhánh Phú Thọ là 300m2, thì trách nhiệm của cơ quan thi hành án là gì?
Theo khoản 1 Điều 179 Luật thi hành án dân sự năm 2008, trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định trong thi hành án là: “Bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế”.
Như vậy, khi ban hành một bản án, quyết định thì nội dung bản án, quyết định đó phải chính xác về đối tượng, số liệu rõ ràng, chính xác, cụ thể và phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, Quyết định số 16/2012 đã không làm rõ được vấn đề sai số giữa thực tế hiện nay với số liệu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Hợp đồng thế chấp.
Do vậy, khi tiến hành kê biên tài sản, phát hiện thấy có sự chênh lệch lớn về số liệu như đã nêu trên, chấp hành viên trực tiếp thụ lý vụ án cần phải yêu cầu TAND TP Việt Trì giải thích rõ Quyết định 16/2012 từ đó mới có hướng giải quyết tiếp theo. Vấn đề này đã được quy định tại Điều 1 Thông tư số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC, cụ thể như sau: “Trường hợp phát hiện phần quyết định của bản án, quyết định của Toà án có những điểm chưa rõ gây khó khăn cho việc thi hành án hoặc phát hiện lỗi chính tả, số liệu sai sót do nhầm lẫn hoặc tính toán sai thì cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu bằng văn bản gửi Toà án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót. Toà án được yêu cầu có trách nhiệm trả lời về những vấn đề được nêu trong văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự”.
Cũng tại Điều 1 Thông tư này đã quy định: “Văn bản trả lời của Tòa án là căn cứ để cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, quyết định thu hồi hoặc sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án đã ban hành.” Vì thế trong trường hợp này, chi cục thi hành án dân sự TP Việt Trì nhất thiết phải tạm dừng việc thi hành án lại để chờ ý kiến trả lời của TAND TP Việt Trì thì mới có hướng giải quyết tiếp theo. Như vậy, hành vi cố ý tiếp tục tiến hành cưỡng chế thi hành án nói trên của chấp hành viên Đặng Xuân Quang là một hành vi cố ý làm trái cần được xem xét, làm rõ.
Quan điểm của luật sư thế nào về việc ông Nguyễn Ngọc Hoàn hiện là người đại diện theo pháp luật của Công ty Việt Hưng lại không được tòa án triệu tập tham gia buổi hòa giải, không được trình bày ý kiến cũng như không có tên trong Quyết định số 16/2012, không được mời tham gia vào buổi kê biên tài sản hay các buổi làm việc khác của cơ quan thi hành án. Và mặc dù sau đó, ngày 08/12/2013, ông Hoàn đã có Đơn đề nghị hoãn thi hành án, trong Đơn có nêu rõ việc ông Sơn không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty nhưng cơ quan thi hành án vẫn kiên quyết thi hành án bằng được Quyết định số 16/2012 ban hành trái pháp luật nói trên?
Vì thế, việc Tòa án mời ông Sơn đến, lấy ý kiến và cho ông Sơn quyền tự quyết định các vấn đề của công ty mặc dù không hề được ủy quyền hợp pháp của ông Nguyễn Ngọc Hoàn - người đại diện theo pháp luật của công ty là một vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng về tư cách người đại diện hợp pháp của bị đơn, bởi theo khoản 3 Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự thì một trong những thành phần tham gia hòa giải phải là “các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự”.
Trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật, “người đại diện hợp pháp của đương sự” là người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền hợp pháp của người đại diện theo pháp luật của công ty. Do vậy, Quyết định 16/2012 buộc phải được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm để đảm bảo tính đúng đắn, nghiêm minh của pháp luật.
Theo theo điểm d, khoản 1 Điều 23 Luật thi hành án dân sự năm 2008 thì trong trường hợp phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm nêu trên, Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải có trách nhiệm “Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật”.
Điều này cũng được quy định rõ tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 14/2010 như sau: “Trường hợp phát hiện có căn cứ để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án được thi hành thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi đang tổ chức thi hành vụ việc có trách nhiệm kiến nghị với người có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định đó”
Theo hồ sơ vụ án cho thấy, khoảng thời gian từ khi Quyết định số 16/2012 có hiệu lực, ngày 23/7/2012, đến khi chi cục thi hành án dân sự TP Việt Trì có quyết định thi hành án là cả một khoảng thời gian đủ để chấp hành viên thụ lý hồ sơ này xem xét các vấn đề liên quan, từ đó có được những nhận định đúng đắn để lên phương án thi hành án chính xác.
Tuy nhiên, ngang nhiên bỏ qua việc có sự chênh lệch số liệu quá lớn giữa hồ sơ và thực tế khi tiến hành kê biên tài sản; bỏ qua việc phát hiện có sai phạm nghiêm trọng về tư cách người đại diện hợp pháp của đương sự trong Quyết định 16/2012 cũng như trong hàng loạt các văn bản liên quan dù đã có Đơn ngày 08/12/2013 của đương sự; bỏ qua cả công văn số 602/2013/CVTDTHA/TA ngày 20/12/2013 yêu cầu tạm dừng thi hành án của TAND tỉnh Phú Thọ; đặc biệt “làm ngơ” trước Kháng nghị Giám đốc thẩm ngày 09/01/2014 của Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ quyết định tạm đình chỉ thi hành án Quyết định 16/2012 để chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm, chấp hành viên Đặng Xuân Quang đã kiên quyết chỉ đạo tiếp tục thi hành án gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho công ty Việt Hưng.
Trước đó, liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án trái pháp luật với ngôi nhà 194 phố Huế, Dân trí đã có loạt bài điều tra làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật của ông Trịnh Ngọc Chung - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Sau hàng chục bài báo đấu tranh không khoan nhượng của báo điện tử Dân trí, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội: “Ra quyết định trái pháp luật” để điều tra làm rõ. Ngay sau đó, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiết tục Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung về tội: “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đã hơn 2 năm kể từ ngày Trịnh Ngọc Chung nhân danh “Nhà nước” cưỡng chế trái pháp luật ngôi nhà 194 phố Huế, đồng thời đã 6 tháng trôi qua kể từ ngày bị truy tố, bị can Trịnh Ngọc Chung vẫn đang được tại ngoại, TAND TP Hà vẫn "ngâm tôm" vụ án chưa đưa ra xét xử khiến dư luận một lần nữa không khỏi hoài nghi về những “bất thường” của vụ án này. |
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế