Bài 19: Đề nghị làm rõ “động cơ” can thiệp báo chí vụ án 194 phố Huế

(Dân trí) – Một bạn đọc gửi ý kiến về tòa soạn báo Dân trí đề nghị Tổng cục Thi hành án (Bộ Tư pháp), xem xét lại động cơ của công văn 1376/THA ngày 23/08/2011 của ông Dương Minh Công, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội.

Ngay cả với Viện KSND, Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng còn ngang nhiên biến
Ngay cả với Viện KSND, Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng còn ngang nhiên biến “không thành có”, vậy thì đối với những người dân bình thường, Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng còn có thể “hô phong hoán vũ” thế nào?

Sau khi Dân trí đăng tải gần 20 bài báo phản ánh các dấu hiệu sai phạm trong vụ án 194 phố Huế, đã nhận được sự ủng hộ, khuyến khích của đông đảo bạn đọc.

Kết quả bước đầu sau loạt bài trên là việc Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Ra quyết định trái pháp luật" xảy ra tại Chi cục Thi hành án Hai Bà Trưng.

Liên quan đến vụ án này, báo Dân trí đã nhận được hàng nghìn phản hồi của bạn đọc.

Trong số đó, có phản hồi của bạn đọc Phạm Xã Hội (email: xahoi@yahoo.com.vn) gửi lời cảm ơn báo Dân trí đã dũng cảm theo đuổi và vạch trần vụ việc.

Bạn đọc này nhấn mạnh: “Liên quan đến vụ việc mà báo Dân trí đăng tải, đã có nhiều ý kiến và tôi nghĩ những vấn đề khác để Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.

Chỉ riêng với hai lỗi tóm tắt nêu ở trên (Chống lệnh cấp trên và gian dối để che mắt thiên hạ nhằm đạt mục đích cá nhân), Cơ quan Thi hành án quận Hai Bà Trưng mà cụ thể là ông Trịnh Ngọc Chung (và cả những người khác liên quan) nên bị tạm đình chỉ công tác ngay (đặc biệt là tạm dừng chức vụ để tránh hậu quả tiếp theo có thể xảy ra), và tôi hy vọng pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh để làm gương răn đe những cán bộ công quyền khác.

Bên cạnh đó tôi thấy có 3 vấn đề cần đặt ra và báo Dân trí cần chuyển đến các cơ quan chức năng khác để làm rõ:

1. Việc Viện KSND quận Hai Bà Trưng với chức năng kiểm tra và giám sát của mình đã không tham gia vào vụ cưỡng chế khi còn chưa rõ ràng là đáng hoan nghênh về mặt tinh thần, nhưng còn về trách nhiệm, Viện KSND quận Hai Bà trưng đã có biện pháp, hành động nào (ngoài việc không tham gia) để ngăn chặn việc cưỡng chế không đúng đó ? Nếu có thì tại sao sự việc vẫn xảy ra và ách tắc ở đâu ?

2. Đề nghị báo Dân trí yêu cầu Tổng cục Thi hành án (Bộ Tư pháp), xem xét lại động cơ của công văn 1376/THA ngày 23/08/2011 của ông Dương Minh Công, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội ? Tại sao lại can thiệp một cách trắng trợn như vậy? Cần xem xét và chí ít nên điều chuyển công việc ngay với những người ở cương vị như vậy để tránh việc xin xỏ cho những người làm sai.

3. Đề nghị báo Dân trí kiểm tra và thông báo lại theo quy định của Luật Báo chí cũng như các văn bản pháp luật khác liên quan, thì khi các Báo đã có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan thì sau bao lâu phải có văn bản trả lời dù là văn bản trả lời phải đợi chờ một khoảng thời gian nào đó vì những lý do này kia... Hay phải chăng Tổng cục Thi hành án (Bộ Tư pháp) và Cục Thi hành án TP Hà Nội không cần thiết phải trả lời các cơ quan báo chí ?”.
 
Điều 8 Luật Báo chí
Trả lời trên báo chí
Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu các tổ chức, người có chức vụ trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí; các tổ chức, người có chức vụ có trách nhiệm trả lời trên báo chí.
Tổ chức, công dân có quyền yêu cầu cơ quan báo chí trả lời về vấn đề mà báo chí đã thông tin; cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời.
Cơ quan báo chí phát hiện hoặc nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân về những việc có dấu hiệu phạm tội thì phải báo ngay cho cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát nhân dân bằng văn bản; cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có trách nhiệm thụ lý và trả lời cho báo chí cách giải quyết.
 
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
 
Vũ Văn Tiến

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm