Bài 3:
Bắc Giang: Cấp phép xây dựng cho các dự án trốn ĐTM, trách nhiệm của Sở Xây dựng ở đâu?
(Dân trí) - “Luật Bảo vệ môi trường và Luật Xây dựng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề môi trường. Đặc biệt, các điều luật này đều quy định việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường phải thực hiện nghiêm ngặt ngay từ khi thẩm định chủ trương đầu tư. Vì vậy, việc cấp phép cho hàng loạt dự án trốn ĐTM là vi phạm pháp luật”, luật sư Nguyễn Thị Hiên nhận định.
Các dự án trốn đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại tỉnh Bắc Giang được Báo Dân trí chỉ rõ gồm: dự án “Trung tâm thương mại và dịch vụ khách sạn” của Công ty cổ phần Trung Tín nằm tại mặt đại lộ Hùng Vương dẫn vào trung tâm TP Bắc Giang, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương của Công ty cổ phần Kiến trúc và Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Nội (nay đổi tên là Công ty cổ phần xây dựng đô thị số 1 Hà Nội) có quy mô 27 ha tại xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa và dự án xây dựng trung tâm sữa chữa bảo dưỡng ô tô, máy công trình và kinh doanh nông sản của Công ty TNHH TM&DV Trường Phú tại huyện Lạng Giang.
Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang xác nhận với PV Dân trí về việc từ trước đến nay sở này cấp giấy phép xây dựng không cần xét đến việc dự án đã được phê duyệt ĐTM hay chưa.
Và một cây xăng khủng có dấu hiệu đấu nối ra Quốc lộ hình thành. Dự án này đã được Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cấp phép khi chưa hề có ĐTM.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương với quy mô 27ha chưa hề được phê duyệt ĐTM đã thi công tại huyên Hiệp Hòa.
Để làm rõ sự việc dưới góc độ pháp lý, PV Dân trí có buổi làm việc với Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Thị Hiên - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Hiên cho biết: “Quy định pháp luật về vấn đề môi trường khi thực hiện các dự án đều được thể hiện rất chặt chẽ và nghiêm túc trong các bộ luật. Cụ thể, có 2 bộ luật ràng buộc vấn đề này về nghĩa vụ của nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện cấp phép xây dựng cho dự án là Luật Bảo vệ môi trường và Luật Xây dựng.
Luật Bảo vệ môi trường quy định rõ: Tại khoản 2 Điều 19 quy định việc đánh giá tác động môi trường phải được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án; khoản 2 Điều 25 quy định: quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đối với các dự án thuộc đối tượng phải quyết định chủ trương đầu tư; cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng; Điều 31 quy định chủ dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xác nhận trước khi triển khai dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Luật Xây dựng quy định rõ tại Điều 91, Điều 92 về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị, công trình không theo tuyến ngoài đô thị: Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ…
Khoản 3 điều 91 Luật Xây dựng nêu rõ: Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hoá, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Thiết kế xây dựng công trình đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Điều 82 của Luật này. Khoản 5 điều 82 Luật Xây dựng quy định: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thẩm định về môi trường, phòng, chống cháy, nổ và nội dung khác theo quy định của pháp luật khi thẩm định thiết kế xây dựng.
Khoản 6 điều 82 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng do mình thực hiện.
Sở TN&MT Bắc Giang ra công văn yêu cầu làm rõ và xử lý các doanh nghiệp trốn ĐTM.
Như vậy, việc tuân thủ các quy định về môi trường mà cụ thể ở đây là việc được phê duyệt ĐTM là yêu cầu bắt buộc để Sở Xây dựng cấp phép xây dựng cho dự án”.
Theo luật sư Hiên, sự việc xảy ra tại Bắc Giang là khó chấp nhận bởi Sở Xây dựng đã làm trái các quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về việc này.
“Các dự án đã được cấp giấy phép xây dựng nên họ tiến hành thi công theo giấy phép. Trong trường hợp này nếu Sở Xây dựng đình chỉ thi công của họ để khắc phục sai phạm của mình thì doanh nghiệp có thể sẽ khởi kiện cơ quan nhà nước này ra tòa. Việc trốn ĐTM của các dự án này cần phải được các cơ quan chức năng tiến hành xử phạt và yêu cầu thực hiện hoàn thiện ngay”, luật sư Hiên cho biết.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lưu Xuân Vượng - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang khẳng định: Việc yêu cầu tất cả các tổ chức, doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật về môi trường là chỉ đạo nhất quán và quyết liệt của Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang. Ngay sau khi có thông tin từ Báo Dân trí, Sở đã lập tức chỉ đạo kiểm tra và ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo, thực hiện nghiêm các quy định về môi trường.
Ông Vượng cũng khẳng định sự đồng hành của các cơ quan báo chí, đặc biệt là Báo Dân trí về việc giám sát và phản ánh các vấn đề thực thi pháp luật môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được Sở TN&MT rất ghi nhận và phối hợp giải quyết.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế