Bài 1:
Khó hiểu hàng loạt dự án bất chấp pháp luật về môi trường "lọt lưới" tại Bắc Giang
(Dân trí) - Chưa hề được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng hàng loạt dự án đã được thi công rầm rộ tại tỉnh Bắc Giang. Điều khó hiểu là không những các dự án này “qua mặt” được cơ quan chức năng mà thậm chí còn được cấp phép xây dựng.
Trung tâm thương mại “trốn” ĐTM ngay đầu thành phố
Nằm tại mặt đại lộ Hùng Vương dẫn vào trung tâm TP Bắc Giang, dự án “Trung tâm thương mại và dịch vụ khách sạn” của Công ty cổ phần Trung Tín là một trong những công trình đồ sộ nổi bật nhất với quy mô và hoạt động xây dựng đang diễn ra rầm rộ.
Tuy nhiên, điều ít ai ngờ được là dự án này hiện vẫn chưa hề được phê duyệt đánh giá báo cáo tác động môi trường (ĐTM).
Thực hiện quyết định số 1615/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này, ngày 29/9/2017, Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM mới tổ chức hội nghị thẩm định. Tại hội nghị 6/6 thành viên hội đồng có mặt đã nhất trí thông qua báo cáo với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung.
Cụ thể, hàng loạt các yêu cầu chỉnh sửa như sau: Làm rõ chức danh người đại diện theo pháp luật của dự án (bà Đỗ Thùy Dung là Chủ tịch HĐQT hay Giám đốc); Mô tả rõ sự kết nối khu cũ và khu mới, thể hiện rõ công trình thu gom, xử lý nước thải trên bản vẽ tổng mặt bằng; Làm rõ quy mô, vị trí trạm xử lý nước thải của dự án; Làm rõ trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý chất thải khu vực trung tâm thương mại…
Cùng đó, hàng loạt nội dung cần bổ sung như: Bổ sung vị trí của bể tách dầu mỡ và hướng đấu nối với trạm xử lý nước thải tập trung dự kiến xây dựng; Chỉnh sửa cho thống nhất vị trí của trạm xử lý nước thải tập trung trên bản vẽ QH01, QH02, QH04; Bổ sung mô tả khoảng cách của địa điểm thực hiện dự án tới các công trình chính trị, xã hội; Bổ sung giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của hệ thống điều hòa nhiệt độ…
Trong công văn số 2077/TNMT-BVMT của Sở TN&MT do ông Vũ Văn Tưởng - Phó giám đốc ký ghi rõ yêu cầu chủ đầu tư dự án: Chỉ được đưa dự án đi vào triển khai thực hiện và hoạt động khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM và được đưa dự án đi vào hoạt động sau khi được xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt theo quy định.
Trong khi Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang còn đang yêu cầu chủ đầu tư chỉnh sửa bổ sung hồ sơ trình duyệt ĐTM thì Sở Xây dựng Bắc Giang đã cấp phép xây dựng và dự án "khủng" thi công rầm rộ từ bao giờ.
Thủ tục hồ sơ trên giấy tờ về các yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ pháp luật môi trường chặt chẽ, nghiêm túc là vậy nhưng thực tế đại công trường này đã thi công tự bao giờ và hiện đã là một khối sừng sững ngay mặt đại lộ Hùng Vương cách trụ sở UBND tỉnh Bắc Giang chỉ trên dưới 1km.
Làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Đô - Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cho biết sở này đã cấp giấy phép xây dựng cho dự án. Về việc dự án này chưa hề có ĐTM, ông Đô cho rằng hồ sơ cấp giấy phép xây dựng cho dự này nói riêng và các dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không cần xét đến việc dự án đó có ĐTM hay chưa.
Như vậy, việc Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang yêu cầu chủ đầu tư thực hiện việc chỉnh sửa, bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu bắt buộc chỉ được triển khai dự án khi được phê duyệt ĐTM chỉ là “trò đùa”?
Dự án làng nghề quy mô 27ha không thủ tục môi trường
Báo Điện tử Dân trí đã từng có loạt bài phản ánh kêu cứu của các hộ dân tại thôn Phúc Linh, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho rằng bị xâm hại quyền lợi hợp pháp trong việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương khi UBND huyện Hiệp Hòa thu hồi đất của các hộ gia đình giao cho Công ty cổ phần Kiến trúc và Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Nội (nay đổi tên là Công ty cổ phần xây dựng đô thị số 1 Hà Nội) thuê để thực hiện.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng làng nghề Mai Hương với quy mô 27ha chưa hề được phê duyệt ĐTM đã thi công tại huyên Hiệp Hòa.
Được biết dự án với quy mô 27 ha này mới đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhưng trên thực tế chủ đầu tư dự án đã tự ý xây dựng nhà ở, cây xăng, nhà nghỉ và các công trình xây dựng khác.
Ông Phạm Văn Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà xác nhận có việc chủ đầu tư dự án đã xây dựng một số công trình không đúng quy hoạch trên đất dự án và đã có yêu cầu xử lý sai phạm.
Tuy nhiên, làm việc với PV Dân trí, đại diện Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang bất ngờ cho biết hiện dự án “khủng” này chưa hề được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đô - Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cho rằng không biết việc cấp phép xây dựng cho dự án này có được UBND huyện Hiệp Hòa thực hiện hay không còn Sở Xây dựng không có hồ sơ cấp phép cho dự án này.
Trạm xăng kỳ quặc bất chấp pháp luật về môi trường
Mặc dù chỉ được Sở Xây dựng Bắc Giang cấp phép xây dựng các công trình cấp III như nhà văn phòng, nhà kho chứa đồ tại xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Thế nhưng, Công ty TNHH TM&DV Trường Phú lại ngang nhiên xây dựng công trình có thiết kế như một trạm xăng với quy mô rộng lớn, kiên cố và có dấu hiệu đấu nối vào hệ thống giao thông đường quốc lộ 1A.
Được biết, ngày 13/2/2015 Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bắc Giang có tờ trình số 66/TTr-SKHĐT gửi UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho công ty Trường Phú để làm Dự án xây dựng trung tâm sữa chữa bảo dưỡng ô tô, máy công trình và kinh doanh nông sản.
Sở Công thương tỉnh Bắc Giang đồng ý cho Công ty Trường Phú xây dựng trạm cấp phát xăng nội bộ.
Ngay trong ngày, UBND tỉnh Bắc Giang đã ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 20121000613 cho Công ty Trường Phú triển khai Dự án trên diện tích 13.112,1m2, thời gian hoạt động 31 năm với tổng vốn đầu tư 35 tỷ đồng. Dự án sẽ hoàn thành vào hoạt động từ tháng 01/2016. Tại Điều 3 của giấy chứng nhận đầu tư thì mục tiêu và quy mô dự án khi đi vào hoạt động sẽ sữa chữa bảo dưỡng ô tô, máy công trình 1000 chiếc/năm; kinh doanh nông sản 2000 tấn/năm và kinh doanh ô tô, máy công trình 200 chiếc/năm.
Tuy nhiên, chỉ gần 2 tháng sau, ngày 09/4/2015 doanh ngiệp này quay ra gửi Công văn số 18/ĐĐN đến Sở Công thương Bắc Giang xin xây dựng trạm cấp phát xăng dầu nội bộ. Sau đó, ngày 05/5/2015, ông Trần Văn Lộc - Giám đốc Sở Công thương đã ký văn bản sổ 307/SCT-QLTM đồng ý cho doanh nghiệp này xây dựng trạm cấp phát xăng dầu nội bộ và yêu cầu chỉ được cung cấp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và không được phép đấu nối với các đường giao thông.
Làm việc với PV Dân trí ngày 24/10, ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại tỉnh Bắc Giang xác nhận việc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang đồng ý cho doanh nghiệp này xây dựng trạm cấp phát xăng dầu nội bộ. Ông Phương cũng xác nhận nếu doanh nghiệp này đấu nối trạm xăng ra Quốc lộ và thực hiện việc kinh doanh, Sở Công thương tỉnh Bắc Giang sẽ phải chịu trách nhiệm với vai trò quản lý, giám sát nhưng hiện cây xăng này chưa hoạt động.
Trao đổi với PV Dân trí, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cho biết qua rà soát, dự án này chưa hề thực hiện thủ tục nào về vấn đề pháp luật môi trường quy định chứ đừng nói là thủ tục ĐTM.
Và một cây xăng khủng có dấu hiệu đấu nối ra Quốc lộ hình thành. Dự án này đã được Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cấp phép khi chưa hề có ĐTM.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là, ngày 29/6/2015 Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cấp Giấy phép xây dựng số 702/GPXD cho Công ty Trường Phú.
Theo nội dung giấy phép xây dựng thì phía doanh nghiệp này chỉ được phép xây dựng các công trình cấp III như nhà văn phòng, nhà ăn, nhà kho và nhà để dụng cụ.
Thế nhưng, trong quá trình triển khai xây dựng thì doanh nghiệp này lại “phớt lờ” các hạng mục công trình đã được cấp phép xây dựng và tự ý xây dựng có dấu hiệu một trạm xăng được thiết kế quy mô, kiên cố.
Sau khi kiểm tra, ngày 18/4/2017 ông Nguyễn Huy Chiên - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng đã ký quyết định số 94/QĐ-XPVPHC xử phạt hành chính công ty Trường Phú 30 triệu đồng do xây dựng sai so với giấp phép xây dựng được cấp và yêu cầu công ty phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Như vậy bài học nhãn tiền về việc xây dựng bất chấp quy định pháp luật về môi trường như trường hợp dự án sản xuất tấm silic và lắp ráp tấm pin năng lượng hàng trăm triệu USD của Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam tại KCN Quang Châu (Việt Yên - Bắc Giang) vẫn chưa đủ sức răn đe với nhiều đơn vị.
Và điều khó hiểu là những sự việc tương tự như vậy lại vẫn đã và đang diễn ra tại tỉnh Bắc Giang, vượt qua sự cấp phép, giám sát của hang loạt các sở ngành chuyên môn và chính quyền địa phương.
Dư luận vẫn đặt ra một câu hỏi chưa có lời đáp: Tại sao lại như vậy?
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế