Ba vấn đề mấu chốt từ vụ xe 16 chỗ của VTV vượt ẩu, gây tai nạn ở Mai Châu

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, cần làm rõ việc tài xế VTV có vi phạm quy định an toàn về vượt xe hay không, và mức độ thương tật của tài xế xe tải ra sao, từ đó xác định trách nhiệm pháp lý của người này.

Liên quan tới vụ việc lái xe 16 chỗ của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vượt ẩu gây tai nạn ở huyện Mai Châu (Hòa Bình), theo báo cáo từ phía VTV, sự việc xảy ra vào sáng 18/11 tại khu vực xã Đồng Tâm, huyện Mai Châu. Thời điểm này, ô tô thuộc quản lý của Trung tâm Phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) vượt cùng lúc 2 xe phía trước khiến tài xế xe tải đi ngược chiều phải đánh lái gấp, lao xuống cống bên đường và bị thương, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). 

Sau khi sự việc xảy ra và bị đăng tải trên mạng xã hội, VTV đã làm việc với gia đình tài xế xe tải, bệnh viện cũng như các cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết, đồng thời thực hiện xử lý tài xế điều khiển xe 16 chỗ theo đúng quy chế làm việc. 

Những ngày qua, sự việc trên gây xôn xao, phẫn nộ trong dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi về việc với hành vi vượt ẩu như trên, tài xế xe 16 chỗ có thể phải chịu trách nhiệm ra sao trước pháp luật? 

Ba vấn đề mấu chốt từ vụ xe 16 chỗ của VTV vượt ẩu, gây tai nạn ở Mai Châu - 1

Cú vượt ẩu gây tai nạn của tài xế xe 16 chỗ (Ảnh cắt từ clip).

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về việc vượt xe, phương tiện xin vượt phải đảm bảo đầy đủ các quy chuẩn như sau: Phải có báo hiệu bằng đèn và còi; Chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

Ngoài ra, khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp như khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được. 

Đối với các trường hợp cấm vượt, người điều khiển không được vượt xe khi không bảo đảm các điều kiện an toàn; trên cầu hẹp có một làn xe; trên đoạn đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế; tại nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt hoặc khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt...

Đối chiếu các quy định trên, có thể thấy các nguyên tắc cơ bản của việc vượt xe là vượt bên trái, tại nơi đoạn đường đảm bảo điều kiện an toàn và vượt khi xe phía trước đã tránh về bên phải.

Trong trường hợp các tài xế cố tình không tuân thủ quy định về vượt xe, không vượt tại điểm an toàn và gây ra hậu quả nghiêm trọng, họ có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Trường hợp chưa để lại hậu quả nghiêm trọng, tài xế vượt xe sai quy định sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt cao nhất có thể lên tới 12 triệu đồng.

Đối với sự việc trên, luật sư Giáp nhìn nhận có 3 vấn đề cần phải làm rõ như sau: Thứ nhất, tài xế xe VTV có vi phạm quy định về an toàn khi vượt xe tại Luật Giao thông đường bộ 2008 hay không; Thứ hai, nếu tài xế được xác định vượt ẩu, cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vượt ẩu và việc tài xế xe tải phải đánh lái, từ đó đánh giá việc vượt xe đó có phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn hay không và Thứ ba, đó là mức độ thương tật của tài xế xe tải ra sao, đã tới mức phải xem xét trách nhiệm hình sự (61%) hay chưa. 

Từ những cơ sở pháp lý nêu trên, cơ quan chức năng sẽ đánh giá trách nhiệm của tài xế xe 16 chỗ theo đúng quy định của pháp luật, từ đó áp dụng các chế tài xử lý vi phạm phù hợp nếu có đủ căn cứ xác định tài xế xe 16 chỗ đã không tuân thủ quy tắc an toàn khi vượt xe và đó là nguyên nhân chính dẫn tới vụ tai nạn làm tài xế xe tải bị thương.