Dấu hiệu hàng loạt tội danh vụ lấy ô tô, đánh chết người ở Hà Nội

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo các luật sư, Duy có thể bị xem xét trách nhiệm về các tội như Trộm cắp tài sản, Cướp tài sản, Giết người và Cố ý gây thương tích.

Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội, đang tạm giữ Ma Vũ Duy (20 tuổi, ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) để xác minh làm rõ các hành vi liên quan tới vụ việc chiếm đoạt ô tô, tông tài xế xe ôm và đánh chết người vào ngày 20/11. 

Theo công an, sáng 20/11, Duy lấy trộm xe ô tô tại Thái Nguyên xuống huyện Đông Anh (Hà Nội) rồi để lại xe, bắt taxi sang huyện Sóc Sơn. Tại đây, đối tượng đập cửa kính, lấy ô tô của người dân đỗ ở vỉa hè rồi lái xe tông một người đàn ông làm tài xế xe ôm khiến người này bị chấn thương sọ não. 

Gây án xong, Duy bỏ trốn vào nhà dân. Khi bị phát hiện, đối tượng đã dùng hung khí đánh vào đầu khiến một người đàn ông 70 tuổi tử vong. Đối tượng sau đó bị người dân khống chế, giao cho công an. Theo công an, Duy có sử dụng ma túy đá trước khi gây án. 

Với hàng loạt hành vi như trên, đối tượng có thể phải chịu trách nhiệm về những tội danh nào theo quy định của pháp luật? 

Dấu hiệu hàng loạt tội danh vụ lấy ô tô, đánh chết người ở Hà Nội - 1

Hiện trường vụ việc (Ảnh: C.T).

Trộm cắp hay Cướp tài sản?

Dưới góc độ của người từng có nhiều năm hoạt động trong các cơ quan tiến hành tố tụng, luật sư Dương Đức Thắng (Giám đốc Công ty Luật Đức Trí Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận đây là sự việc có tính chất phức tạp, bao hàm nhiều hành vi và chứa đựng nhiều yếu tố bất thường, cần được xác minh làm rõ một cách chi tiết, cẩn trọng nhằm xác định chính xác trách nhiệm pháp lý của nam thanh niên trong vụ việc. 

Trong đó, cần bóc tách riêng biệt các hành vi bao gồm trộm xe máy và xe ô tô ở Thái Nguyên; đập cửa kính để lấy xe ô tô ở Hà Nội; tông người lái xe ôm và đánh tử vong người đàn ông 70 tuổi. Mỗi hành vi sẽ tương ứng với các tội danh (nếu có) khác nhau, cụ thể như sau: 

Đối với hành vi lấy ô tô và lái từ Thái Nguyên xuống Hà Nội, theo thông tin hiện có, Duy đã trộm chìa khóa của giảng viên, lấy xe đỗ trước giảng đường và lái xuống Hà Nội. Đây là hành vi lén lút, lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt và có thể bị xử lý về tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015. 

Theo khoản 3 điều này, trường hợp tài sản có giá trị từ 200 triệu tới dưới 500 triệu đồng, khung hình phạt có thể áp dụng là 7-15 năm tù. Trường hợp giá trị tài sản từ đủ 500 triệu đồng trở lên, mức phạt nam thanh niên có thể bị truy tố nếu bị quy kết phạm tội là 12-20 năm tù. 

Đối với hành vi đập vỡ kính và chiếm đoạt ô tô ở Hà Nội, theo dữ liệu hiện có, Duy đã đập vỡ kính chiếc xe đỗ ven đường rồi lấy ô tô bỏ chạy. Tuy nhiên, luật sư Thắng nhận định những tình tiết hiện tại còn mập mờ, chưa rõ ràng, chưa thể kết luận hành vi có dấu hiệu của tội danh nào theo quy định pháp luật. 

"Còn nhiều chi tiết bất thường cần làm rõ, như việc tại sao dù không có chìa khóa xe nhưng sau khi đập kính thì nam thanh niên vẫn lái được xe để bỏ chạy? Thời điểm kính xe bị đập, chủ xe có ở đó hay không? Có bị nam thanh niên đe dọa, buộc phải giao chìa khóa không hay việc thanh niên có thể điều khiển xe xuất phát từ nguyên nhân khác, ví dụ như việc để quên chìa khóa xe trong ô tô?", ông Thắng đặt câu hỏi. 

Dấu hiệu hàng loạt tội danh vụ lấy ô tô, đánh chết người ở Hà Nội - 2

Luật sư Dương Đức Thắng (Ảnh: NVCC).

Từ đó, có thể xảy ra 2 tình huống như sau: Nếu thời điểm này không có chủ xe, việc nam thanh niên đập kính và lấy xe bỏ chạy là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản, có dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản. Nếu khi đó có chủ xe, hành vi đập kính được thực hiện nhằm đe dọa, ép chủ xe phải để lại xe cho đối tượng, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015. 

Hai hành vi cùng có dấu hiệu của tội Giết người?

Cũng theo dõi thông tin sự việc, luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, ngoài nhóm tội xâm phạm về quyền sở hữu tài sản, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hàng loạt hành vi có dấu hiệu xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác của đối tượng. 

Đối với hành vi lao xe vào tài xế xe ôm, luật sư Trang cho biết, theo quy định, ô tô được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Mọi hành vi điều khiển xe cố tình lao vào người khác đều là hành động có tính chất hết sức nguy hiểm, có khả năng tước đoạt tính mạng người khác ngay lập tức và hoàn toàn có thể bị xử lý về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. 

Trường hợp này, dù tính mạng của người đàn ông lái xe ôm có bị xâm phạm hay không, cơ quan công an vẫn có cơ sở để xem xét trách nhiệm đối với nghi phạm về tội Giết người. Nếu nạn nhân may mắn qua khỏi, trường hợp này có thể được coi là phạm tội chưa đạt. Khi đó, mức phạt áp dụng đối với nghi phạm sẽ bằng 3/4 mức phạt có thể bị truy tố và mức phạt cao nhất có thể áp dụng là 20 năm tù thay vì tù chung thân hoặc tử hình. 

Dấu hiệu hàng loạt tội danh vụ lấy ô tô, đánh chết người ở Hà Nội - 3

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Ảnh: NVCC).

Đối với hành vi dùng xẻng đánh chết người, cần đánh giá ngoài vùng xương sườn, Duy có tấn công vào vùng trọng yếu khác trên cơ thể, có khả năng tước đoạt tính mạng của ông C. như chẩm đỉnh đầu, thái dương, gáy... ngay lập tức hay không; và cơ chế hình thành vết thương dẫn tới tử vong của ông C. như thế nào. 

Nếu kết quả giám định cho thấy Duy thực hiện hành vi nguy hiểm, quyết liệt, đánh vào các vùng trọng yếu của nạn nhân, lực đánh mạnh, tần suất lớn, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Giết người. 

Trường hợp nghi phạm không đánh vào các vùng nguy hiểm, cơ chế hình thành vết thương dẫn tới việc nạn nhân tử vong có thể do việc ông C. bị chảy máu trong hay ngã đập đầu vào các vật cứng khác rồi mới tử vong thì đây là hành vi có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. 

Với tình tiết định khung làm chết người, khung hình phạt có thể áp dụng là phạt tù 7-14 năm. 

Về tình tiết nghi phạm sử dụng ma túy đá, đây không được coi là tình tiết để xem xét miễn trách nhiệm hình sự. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm