Vụ tát người khuyết tật giữa đường: "Chỉ ai rối loạn tâm thần mới làm vậy"
(Dân trí) - Theo chuyên gia tâm lý, người khuyết tật là đối tượng yếu thế. Vậy nên chỉ có người bị rối loạn tâm thần mới có hành vi lệch lạc, thiếu văn minh, vô cớ đánh người khuyết tật.
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh hai thanh niên lái xe máy, không đội mũ bảo hiểm đã dùng tay đánh vào đầu người đàn ông khuyết tật đang điều khiển xe lăn trên đường. Được biết, sự việc xảy ra trên đường Hồ Văn Nhánh (TP Mỹ Tho), theo hướng từ quốc lộ 60 ra đường Ấp Bắc.

Người đàn ông khuyết tật bị 2 thanh niên tát vào đầu khi đang điều khiển xe lăn trên đường (Ảnh cắt từ clip: MXH).
Chiều 17/2, Cảnh sát giao thông TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đang xác minh lại sự việc và danh tính của những người liên quan.
Dưới đoạn clip, cư dân mạng tỏ thái độ bức xúc trước hành vi của hai thanh niên. Trong đó, không ít người trong cộng đồng người khuyết tật chia sẻ cảm thấy bị tổn thương và sợ hãi về sự an toàn của bản thân.
Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, thường trực tại Thư Viện Lưu Trú - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, cho biết, người khuyết tật trong clip có thể nhờ đến cộng đồng và pháp luật để đòi lại công bằng cho bản thân.
Tuy nhiên, người này cũng có thể bị mặc cảm, tự ti và thu mình lại sau sự việc nói trên. Bởi trong một số trường hợp, nạn nhân sẽ chấp nhận chịu đựng những đau khổ một cách vô lý do sự kỳ thị và bạo lực từ người khác.
Hành vi trong đoạn clip không chỉ gây bức xúc cho cộng đồng người khuyết tật mà còn cả xã hội. Bởi điều này vi phạm pháp luật và đạo đức, xâm phạm quyền con người.
"Khi thấy người yếu thế, người bình thường sẽ có lòng thương xót và muốn giúp đỡ, chứ không phải là đàn áp họ. Đó là hành vi đáng xấu hổ và người văn minh sẽ không làm như vậy. Vì thế, hành vi đánh người khuyết tật vô cớ là do người ra tay đang bị rối loạn tâm thần hoặc ảnh hưởng của chất kích thích mới làm như vậy", chuyên gia tâm lý nhấn mạnh.
Để bảo vệ những nạn nhân là người khuyết tật khỏi sự kỳ thị và bạo lực, bà Hồng Hương cho rằng trước hết, chính bản thân họ cần ý thức được quyền con người của mình, không chấp nhận bị xâm hại.
Bên cạnh đó, cộng đồng cần lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực này thông qua các phương tiện truyền thông. Cơ quan chức năng cũng cần can thiệp và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm tương tự.
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TPHCM), căn cứ khoản 2 điều 14, Luật Người khuyết tật, mọi hành vi xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền lợi ích hợp pháp của người khuyết tật đều bị nghiêm cấm.
Người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (tỷ lệ thương tật dưới 11% và không có các tình tiết quy định tại khoản 1 Điều này), bị phạt tiền theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Theo đó, người có hành vi cố ý gây thương tích sẽ bị phạt tiền 5-8 triệu đồng, có thể bị tịch thu phương tiện gây thương tích và bồi thường toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho nạn nhân.
Ngoài ra, hai thanh niên trong đoạn clip còn bị xử phạt 400.000-600.000 đồng về lỗi tham gia giao thông bằng xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm hoặc không cài quai đúng quy cách (theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, Việt Nam hiện có trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, gần 29% là khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.
Báo cáo của UNICEF và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, người khuyết tật có nguy cơ bị bạo lực, lạm dụng và phân biệt đối xử cao hơn so với người bình thường. Một nghiên cứu của WHO cho thấy, 24,3% người khuyết tật bị bạo lực thể chất và 6,1% bị bạo lực tình dục.