1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tư vấn, hỗ trợ cho 100% lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp

(Dân trí) - Thống kê của TT DVVL Quảng Bình, qua 6 tháng đầu năm 2019, 100% lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được tư vấn và giới thiệu việc làm.

Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động

Đánh giá về công tác trong 6 tháng đầu năm 2019, ông Nguyễn Thanh Phương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình (Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình) cho biết, các nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp và đào tạo nghề đều được Trung tâm chú trọng triển khai.

Trong công tác tư vấn, giới thiệu cung ứng việc làm trong tỉnh, trong nước, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã tổ chức các phiên GDVL, gửi công văn tới các địa phương trong tỉnh về việc phối hợp giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Trung tâm cũng gửi công văn đến các trường THPT, Đại học Quảng Bình về việc phối hợp giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên; gửi công văn đến Bộ chỉ huy quân sự tỉnh về việc giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ;…

Ông Nguyễn Thanh Phương đánh giá về công tác thực hiện chính sách BHTN

Trong 6 tháng đầu năm, 100% số lao động thất nghiệp đều được tư vấn ban đầu và đã tư vấn được cho 1.392 người lao động thất nghiệp trong đó có 105 người có nhu cầu giới thiệu việc làm (tăng 72,13% so với cùng kỳ năm ngoái).

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, các phiên GDVL định kỳ, phiên GDVL đột xuất, Phiên GDVL đầu xuân và các phiên GDVL lưu động tại các địa phương trong tỉnh đã được Trung tâm tổ chức thành công.

Để hỗ trợ tốt nhất cho lao động thất nghiệp, Trung tâm đã có sự phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh về việc cung cấp các thông tin về tuyển sinh để có cơ sở tư vấn, giới thiệu cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia các khóa học nghề.

Kết quả trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã giới thiệu được 29 lao động tham gia học nghề. Người lao động chủ yếu tham gia học nghề lái xe với tổng kinh phí hỗ trợ học nghề là 136 triệu đồng.

“Với những nỗ lực tích cực nêu trên, nhiều lao động đã tìm kiếm được việc làm phù hợp với năng lực chuyên môn của bản thân, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Ý thức tìm kiếm việc làm của người lao động ngày càng được tiến bộ, tín nhiệm của Trung tâm đối với người lao động và các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao rõ rệt” - ông Nguyễn Thanh Phương cho biết.

Đẩy mạnh việc hỗ trợ cho lao động thất nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Thanh Phương cũng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều khó khăn, tồn tại.

“Qua 6 tháng đầu năm, mặc dù Trung tâm đã chú trọng đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đối tượng lao động bị thất nghiệp nhưng số lượng người lao động thất nghiệp có nhu cầu giới thiệu việc làm chưa đáng kể. Phần lớn lao động chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình là được nhận tiền trợ cập thất nghiệp không có nhu cầu tìm việc làm mới” - ông Nguyễn Thanh Phương nói.

Tư vấn, hỗ trợ cho 100% lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp - 1

Số lượng doanh nghiệp tăng cũng như các vị trí việc làm đa dạng nhưng lượng lao động đến vẫn còn thấp. Lao động chưa thực sự nhiệt tình trong việc tìm kiếm việc làm (doanh nghiệp tuyển dụng đạt nhưng lao động không đến làm việc hoặc làm việc được trong thời gian ngắn lại nghỉ việc).

Hoạt động cung ứng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài còn thấp. Lao động đến tham gia phiên tương đối nhiều, nhưng số lượng lao động đăng ký tại các phiên lưu động còn ít, chất lượng phiên lưu động chưa thật cao.

Theo ông Nguyễn Thanh Phương: “Có trường hợp lao động không trung thực trong việc khai báo tình trạng việc làm do lo sợ bị mất quyền lợi hưởng trợ cấp thất nghiệp nên đã gây không ít khó khăn trong quá trình giải quyết”.

Ngoài ra, thị trường lao động ngoài nước diễn ra trên địa bàn tỉnh còn phức tạp, nhiều doanh nghiệp và cá nhân môi giới hoạt động tự do tuyển dụng đi làm việc ở các nước chưa cho phép làm cho người lao động có quá nhiều kênh thông tin, ảnh hưởng đến tâm lý và không lựa chọn, định hướng cho mình hướng đi phù hợp.

Nhiều trường hợp người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa nhận thức rõ về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động nên không cập nhật được số liệu về tình hình biến động lao động tại địa phương. Những khó khăn, tồn tại kể trên đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt hơn trong thời gian tới để có được thành quả cao hơn, bền vững hơn.

Nguyễn Lâm