Tình nghĩa nơi thăm thẳm rừng già bên kia biên giới
(Dân trí) - "Gian khổ, hiểm nguy chúng tôi không nề hà, chỉ mong tìm và đưa các anh, các bác trở về với tổ quốc, với gia đình", Thượng tá Chế Ngọc Hà, Đội trưởng Đội quy tập hài cốt liệt sỹ tỉnh Nghệ An chia sẻ.
Tình riêng, nghĩa chung
Tháng 10/2022, Thượng úy Nguyễn Viết Phong (34 tuổi, quê huyện Yên Thành, Nghệ An) có mặt trong hàng ngũ Đội quy tập hài cốt liệt sỹ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An hành quân sang Lào. Ngoài nhiệm vụ chung, Thượng úy Phong mang theo những gửi gắm đau đáu của bà nội quá cố: tìm và đưa người em trai của bà - liệt sỹ Hoàng Danh Thiệm - trở về.
"Ông cậu tôi là lính tình nguyện, chiến đấu và hi sinh trên đất bạn Lào. Tất cả thông tin mà bà tôi có chỉ có vậy. Tìm và đưa em trai trở về là tâm nguyện bao nhiêu năm của bà tôi. Cho đến tận khi bà qua đời, vẫn chưa trở thành hiện thực...", Thượng úy Phong trầm ngâm.
Hơn ai hết, Thượng úy Phong hiểu nỗi mong ngóng của thân nhân các liệt sỹ, nỗi mong ngóng đằng đẵng có khi dài cả đời người. Nhiệm vụ của anh Phong và đồng đội là bằng mọi cách, sớm tìm thấy và đưa các anh trở về với mẹ, với chị, với vợ, với các con...
Gánh trên vai "tình riêng, nghĩa chung", bởi vậy, những vất vả, nhọc nhằn trên con đường quy tập giữa mênh mông rừng Lào ấy chưa bao giờ làm anh nhụt chí. Ở nơi thăm thẳm rừng già bên kia biên giới ấy, các bác, các anh đã chờ lâu lắm rồi.
Bàn tay người lính trẻ đầy những vết chai của ngày tiếp nối ngày cầm cuốc, cầm thuổng. Những nhát cuốc bổ xuống lớp đá gan gà, tóe lửa...
"Những lớp chai này rồi cũng bong ra thôi, chẳng có gì đáng ngại. Có khi tay tóe máu, thấm vào cán cuốc nhưng thấy mảnh tăng hay đế dép lốp cao su, báng súng AK hiện ra, tôi cảm thấy như một luồng điện tê dại chạy dọc sống lưng. Lần mở lớp tăng, anh em hét lên vui sướng "tìm thấy rồi, thấy các bác rồi". Mỗi lần tìm thấy các bác, chúng tôi quên hết vất vả, gian khổ", Thượng úy Phong tâm sự.
Tháng 10/2023, Thượng úy Phong cùng Thiếu tá Ngô Văn Hậu có nhiệm vụ đi vào bản Nậm Xiểm, huyện Phả Xay (tỉnh Xiêng Khoảng) thu thập thông tin mộ liệt sỹ quân tình nguyện. Đầu bản, một người phụ nữ tầm hơn 30 tuổi đang ngồi đốt lửa sưởi ấm.
Biết bộ đội Việt Nam đi tìm liệt sỹ, chị chỉ tay về đỉnh núi Phu Đôm xa xa, bảo trong hang trên đỉnh núi ấy có mộ liệt sỹ.
Dù thông tin chị cung cấp khá mơ hồ nhưng hai anh em vẫn quyết định trèo lên đỉnh núi để xác minh. Suốt mấy tiếng vừa đi, vừa dò dẫm tìm đường, phát cây dại, khi mặt trời đứng bóng, Thượng úy Phong và đồng đội cũng tìm được một cửa hang đã bị đá, cây che lấp.
"Sau một lúc nghỉ lấy lại sức, hai anh em quyết định tìm kiếm. Phát hiện có lớp tăng bộ đội Việt Nam, hai anh em mừng lắm, bảo nhau "bác đây rồi". Ở đây không có sóng điện thoại, anh Hậu ở lại tìm tiếp, còn tôi chạy về đơn vị báo tin, xin thêm người hỗ trợ và lấy dụng cụ. Chẳng hiểu lúc ấy sức lực ở đâu ra, chạy trên núi về đơn vị cả quãng đường dài mà không thấy mệt", Thượng úy Phong kể tiếp.
Đơn vị cử thêm 3 đồng chí theo Thượng úy Phong lên núi. Trong buổi chiều, tổ công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt một liệt sỹ quân tình nguyện còn nguyên vẹn ngay trước cửa hang.
Sang ngày hôm sau, tổ quyết định vào hang tìm kiếm. Suốt một ngày ròng rã, các thành viên cần mẫn đào, xới, xúc từng xẻng đất, sàng tìm phần xương của liệt sỹ. Kết quả, tại khu vực hang Phu Đôm, đội tìm được hài cốt 2 liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam.
Suốt 2 mùa khô, Thượng úy Phong đi tìm đồng đội ở nước bạn Lào, mọi chuyện trong gia đình, vợ anh phải gánh vác thay chồng. Kể cả ngày hạ sinh đứa con thứ 2, anh vẫn không thể ở bên vợ.
"Vợ chồng tôi có 2 cháu, cháu lớn 4 tuổi, cháu nhỏ mới 4 tháng tuổi. Cảnh phụ nữ một nách hai con nhỏ, lại xa chồng, chị cũng hiểu vất vả như thế nào. Nhưng tôi may mắn khi vợ và gia đình luôn cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu nhiệm vụ của người lính quy tập", Thượng úy Phong tâm sự.
Trong mùa khô 2023-2024, Thượng úy Nguyễn Viết Phong cùng đồng đội tìm kiếm, cất bốc 87 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh tại Lào, đưa về nước an táng. Rất tiếc, không có liệt sỹ nào xác định được danh tính. Lời gửi gắm của bà nội của anh vẫn chưa thể trở thành hiện thực.
"Không biết liệt sỹ Hoàng Danh Thiệm - ông cậu tôi - có phải là một trong số 11.000 hài cốt liệt sỹ đã quy tập về nước chưa xác định được danh tính hay đang nằm đâu đó bên nước bạn Lào?". Đôi mắt người lính quy tập chất chứa niềm riêng...
Bước tiếp dấu chân những người anh hùng
Theo ước tính, tại 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Viêng Chăn và Xây Sổm Bun (Lào) đang còn hàng nghìn hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam chưa tìm kiếm, quy tập được.
Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, Đội quy tập hài cốt liệt sỹ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An được giao chỉ tiêu tìm kiếm trên dưới 100 hài cốt liệt sỹ tại 3 địa phương này.
"Anh có cảm thấy áp lực trước chỉ tiêu này không?", tôi hỏi Thượng tá Chế Ngọc Hà, Đội trưởng Đội trưởng Đội quy tập hài cốt liệt sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An.
Gần như không cần suy nghĩ, anh trả lời: "Chỉ tiêu các cấp giao cho đơn vị là động lực để anh em phấn đấu. Mỗi người lính quy tập luôn nêu cao quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, qua đó góp sức xoa dịu đau thương mất mát của thân nhân các liệt sỹ, đón các anh trở về, ngủ yên trong lòng Đất mẹ. Thực tế, hàng năm, chúng tôi đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu tìm kiếm, quy tập trên địa bàn được phân công".
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh trên đất bạn Lào được xác định ngày càng khó khăn hơn. Theo Thượng tá Chế Ngọc Hà, thời gian trôi qua đã lâu, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của nước bạn và phong tục canh tác của bà con đã làm thay đổi vị trí hoặc khiến các phần mộ bị vùi lấp, cuốn trôi...
Bên cạnh đó, các nhân chứng sống đã già yếu, trí nhớ giảm sút, không thể nhớ được chính xác nơi chôn cất các liệt sỹ. Địa bàn tìm kiếm ngày càng được mở rộng, vào những vùng xa xôi, hẻo lánh, núi cao, vực sâu, nhiều nơi chưa có đường ô tô, nhiều bom mìn còn sót lại, chưa kể những hiểm nguy từ các nhóm "địch rừng"...
Khó khăn, gian khổ và cả mối hiểm nguy ấy không thể ngăn bước chân của những người lính quy tập trên con đường tìm đồng đội đã ngã xuống vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
"Trong quá trình triển khai công tác tìm kiếm thông tin, quy tập hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, chúng tôi luôn được quân đội, Đảng, nhà nước, Ban chỉ đạo 515 các cấp, chính quyền tỉnh Nghệ An, chính quyền các tỉnh bạn, đặc biệt là nhân dân các bộ tộc Lào giúp đỡ, hỗ trợ.
Đó là nguồn động viên tinh thần lớn lao để chúng tôi vượt đèo cao, núi sâu, vượt thời tiết khắc nghiệt và cả những hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ của mình, xứng đáng là những người lính của đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới", Thượng tá Chế Ngọc Hà chia sẻ.
Trên những cánh rừng Lào, có lẽ, không còn nơi đâu không lưu dấu chân của bộ đội con đi tìm bộ đội cha. Có những cuộc hành quân xuyên rừng, ngày trở về, đoàn lính quy tập rưng rưng khi ôm một phần thân thể còn sót lại của những người lính tình nguyện năm xưa hay có khi là bước chân nặng trĩu vì không đạt kết quả như kỳ vọng.
Mỗi mùa mưa qua đi, những người lính quy tập lại lên đường, mang theo bao kỳ vọng, bao lời gửi gắm, bao ánh mắt mỏi mòn mong đợi của những người mẹ, người vợ, người con liệt sỹ. Nơi ấy, trong những cánh rừng xa xôi bên kia biên giới nhiều gian khổ và lắm hiểm nguy, những người lính tình nguyện đã ngã xuống vì nghĩa vụ quốc tế đang chờ họ tìm thấy và đưa về yên nghỉ trong vòng tay Tổ quốc thân yêu.
Năm 2001, Đội Quy tập hài cốt liệt sỹ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kỳ đổi mới. Đơn vị cũng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công Hạng 3 (năm 1997), Huân chương Chiến công Hạng 3 (năm 2012 và năm 2021), Huân chương Lao động Hạng Nhì (năm 2004) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác...