Thừa Thiên Huế: Tạo ra nhiều mô hình giảm nghèo bền vững
(Dân trí) - Ngày 17/3 tại UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 5 Dự án thành phần với tổng ngân sách dự ước 470 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là hơn 333 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 73 tỷ đồng, nguồn huy động hợp pháp khác hơn 63 tỷ đồng.
Nhiều mô hình sinh kế hay
Theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, qua 5 năm thực hiện từ 2016-2020, 5 Dự án thành phần đã thực hiện được nhiều việc làm ý nghĩa.
Ở Dự án 1 "Chương trình 30a" đã triển khai tại 27 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, đầu tư mới 85 công trình giao thông nông thôn và nội đồng; 8 công trình kênh mương thủy lợi; 23 công trình trường học; 2 nhà văn hóa thôn, xã và 3 công trình hạ tầng trang trại, cánh đồng liền kề.
Đặc biệt các mô hình hay giúp người dân giảm nghèo hiệu quả. Từ năm 2016, 2017 có 17 loại dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với 1.559 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ.
Tiêu biểu như các dự án nuôi lợn thịt, lợn nái F1; nuôi gà Ai Cập lấy trứng; nuôi gà trên đệm lót sinh học; trồng rau sạch theo hướng hữu cơ; nuôi bò nhốt chuồng, trồng cỏ; nuôi bò lai Sind; nuôi cá chình trong bể xi măng...
"Đến năm 2018, hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đã thực hiện nhiều hơn với 31 dự án sản xuất và chăn nuôi; 1.333 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã tham gia và đem lại hiệu quả đáng kể về kinh tế cho người dân.
Đặc biệt, dự án đã nhân rộng một số mô hình giảm nghèo trọng điểm cho người dân các địa phương tốt như: Nuôi cá lồng trên sông Ô Lâu; nuôi lợn nái Phong Điền; sản xuất nông nghiệp tổng hợp huyện Quảng Điền; nuôi cá Hồng Mỹ; nuôi cá Vẩu; nuôi gà thả vườn; nuôi cá nước ngọt ở huyện Phú Vang; nuôi gà trên đệm lót sinh học ở huyện Phú Lộc với tổng 129 hộ tham gia thực hiện.
Song song với triển khai mô hình, Sở chúng tôi đã triển khai các hoạt động tập huấn phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người tham gia, nhân rộng mô hình hơn nữa" - ông Phúc trao đổi.
Một hộ dân thực hiện nuôi gà trên đệm lót sinh học ở huyện Phú Lộc vui mừng cho biết, từ gia cảnh khó khăn, nuôi gà thành công đã đem lại cho kinh tế gia đình hơn 100 triệu/năm giúp cho nhà cải thiện sinh kế và đỡ khó khăn hơn.
Ưu tiên các xã nghèo vùng biên
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020 còn thực hiện hiệu quả ở Chương trình 135. Các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có 133 công trình khởi công mới chủ yếu tập trung vào đường giao thông với 96 công trình; 11 trường học mở rộng và làm mới; 8 công trình nước sinh hoạt; 9 nhà sinh hoạt cộng đồng; 7 kênh mương, thủy lợi…
Hầu hết công trình đưa vào sử dụng đều phát huy hết hiệu quả, nhất là đường vào các khu sản xuất, làm tăng giá trị của các rừng sản xuất như rừng cao su, keo, tràm…
Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại vùng xã nghèo biên giới, miền núi đã nhân rộng nhiều mô hình, dự án. Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã có hơn 1.000 hộ tham gia và giảm nghèo. Rất nhiều xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản đã giảm nghèo đáng kể.
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, từ 2016 đến 2020, công tác giảm nghèo bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm.
Đầu 2016 nếu tỷ lệ hộ nghèo là 8,36% thì đến cuối năm 2020 giảm chỉ còn 3,45%; bình quân tỷ lệ giảm nghèo hàng năm 0,98%, vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo Chính phủ giao là 0,87%/năm và Nghị quyết Tỉnh ủy giao là 0,9%/năm; đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm bình quân 3,45%/năm.
Thừa Thiên Huế giảm được gần 13.000 hộ nghèo qua 5 năm
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã giảm được 12.729 hộ nghèo (từ 23.6000 hộ đầu năm 2016 giảm còn 10.871 hộ nghèo cuối năm 2020) với 14/19 xã có có hộ nghèo trên 25% đã giảm xuống dưới 25%.
Nhóm hộ nghèo, cận nghèo có mức thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 1,3-1,5% lần so với đầu giai đoạn 2016-2020.
Trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025, Thừa Thiên Huế sẽ đặt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh là 0,4%; cuối năm 2025 phấn đấu hộ nghèo toàn tỉnh sẽ còn còn chỉ từ 2-2,2%.