Thử việc có phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?
(Dân trí) - Nhiều lao động được ký hợp đồng lao động ngay trong thời gian thử việc. Sau thời gian thử việc ngắn, họ nghỉ việc nên doanh nghiệp không biết có phải đóng bảo hiểm xã hội cho lao động này hay không.
Trao đổi tại diễn đàn đối thoại giữa cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) và doanh nghiệp, cán bộ nhân sự của một công ty thắc mắc, trường hợp nhân sự mới được tuyển vào, công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) gộp cả thời gian thử việc vào thì có phải đóng BHXH bắt buộc cho người lao động trong thời gian thử việc hay không? Nếu sau thời gian thử việc, lao động không đáp ứng được yêu cầu và nghỉ việc thì xử lý như thế nào?
Về trường hợp này, đại diện BHXH TPHCM trả lời như sau: "Căn cứ Luật BHXH năm 2014, Bộ Luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn dưới luật quy định: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc; Người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc".
Như vậy, trường hợp người lao động có thời gian thử việc ghi trong HĐLĐ mà HĐLĐ đó thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng BHXH bắt buộc cho cả thời gian thử việc.
Trong trường hợp thử việc không đạt yêu cầu, người lao động nghỉ việc thì xem xét thời gian người lao động làm việc trong tháng đó để quyết định đóng BHXH bắt buộc cho người lao động hay không.
Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014 quy định: "Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản".
Như vậy, trong tháng người lao động nghỉ việc mà thời gian không làm việc và không hưởng tiền lương (tính từ đầu tháng đến cuối tháng) là từ 14 ngày trở lên thì không đóng BHXH bắt buộc tháng đó. Còn nếu thời gian không làm việc trong tháng dưới 14 ngày thì đóng BHXH bắt buộc tháng đó.