Người lao động "bỏ quên" cơ hội học nghề trong gói bảo hiểm thất nghiệp?
(Dân trí) - Ngoài khoản trợ cấp thất nghiệp được nhận, nhiều người lao động có bảo hiểm thất nghiệp chưa tận dụng tốt chế độ hỗ trợ học nghề khi lỡ mất việc...
Hơn 14.000 người ở Hà Nội đăng ký trợ cấp thất nghiệp
3 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp nhận hơn 14.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 23,52% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hơn 13.000 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân thất nghiệp do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động, công ty giải thể. Người lao động cảm thấy công việc không còn phù hợp; khi người lao động hết hạn hợp đồng không được doanh nghiệp ký lại...
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thanh Liễu, việc số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 23,52% so với cùng kỳ năm ngoái là khá cao.
"Đầu năm thường ghi nhận người lao động đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp đông hơn so với đầu hoặc cuối năm", bà Liễu cho hay.
Tính đến cuối năm 2022, cả nước có khoảng 14,3 triệu người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Mức độ bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 31,18%.
Theo bà Liễu, tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp 60% của bình quân 6 tháng lương liền kề trước khi mất việc, được hỗ trợ học nghề miễn phí, được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí.
"100% người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được cán bộ đơn vị tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí và hỗ trợ học nghề.
Trong quý I/2023, đã có 272 người có quyết định hỗ trợ học nghề, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước", bà Liễu nói.
Bà Liễu thông tin, hiện nay Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện đào tạo 4 nghề gồm: Kỹ thuật pha chế đồ uống, kỹ thuật chế biến món ăn, tin học văn phòng, may công nghiệp.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội còn giới thiệu người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp phép đào tạo trên địa bàn TP Hà Nội với gần 20 nghề, qua đó tăng cơ hội lựa chọn nghề nghiệp cho người lao động.
Qua nắm bắt nguyện vọng của người lao động, bà Liễu cho biết, đa phần người lao động học nghề kỹ thuật pha chế đồ uống, kỹ thuật chế biến món ăn có độ tuổi ngoài 35 nên sau khi tốt nghiệp khóa học, họ khởi nghiệp bán hàng online và có nhiều khách bởi sản phẩm chất lượng, bắt mắt.
Không nhiều lao động "mặn mà" với việc học nghề
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số người thất nghiệp lựa chọn học nghề thấp, chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Từ năm 2015 đến nay, số người có quyết định hỗ trợ học nghề là gần 30.400 người/năm (chiếm 4% số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi năm).
Là đơn vị trực tiếp hỗ trợ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bà Liễu cho biết, sau khi nghỉ việc, người lao động không chỉ được nhận một khoản trợ cấp thất nghiệp để bù đắp một phần chi phí mà còn được thụ hưởng nhiều quyền lợi khác như hỗ trợ học nghề để tìm kiếm công việc phù hợp…
Theo bà Liễu, trong thời buổi công nghệ 4.0 như hiện nay, người lao động phải thường xuyên cập nhật kiến thức, bổ sung kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu của các công ty.
Những người lao động đã mất việc làm, khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp hãy mạnh dạn đăng ký học một nghề phù hợp với nhu cầu bản thân để tăng thêm cơ hội việc làm, sớm quay trở lại thị trường lao động.
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng thông tin, theo Điều 55 của Luật Việc làm, người lao động được hỗ trợ học nghề phải đáp ứng điều kiện: Đã chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm thuộc các Sở Lao động Thương binh và Xã hội ở các tỉnh thành.
Người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên, trong vòng 24 tháng làm việc, tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động.
Để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải nộp đủ bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng trở lên, nhưng đối với người được hỗ trợ học nghề thì chỉ cần đóng từ đủ 9 tháng trở lên là người lao động có quyền được hỗ trợ học nghề.
"Đây là quyền lợi mà nhiều lao động bỏ quên mặc dù thông tin tuyên truyền rất nhiều. Mỗi lượt lao động đến nhận trợ cấp thất nghiệp đều được thông tin rằng họ có được những quyền lợi như vừa nêu, chứ không phải chỉ đến để nhận khoản tiền trợ cấp thất nghiệp nhất định, nhưng ít người biết đến chính sách này", bà Liễu nhấn mạnh.
Theo bà Liễu, hiện mức hỗ trợ học nghề đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng không quá 4,5 triệu đồng/khóa học, tùy thời gian và mức phí quy định cụ thể của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trường hợp lao động tham gia khóa đào tạo nghề từ trên 3 tháng, căn cứ vào mức phí, học phí của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định và căn cứ theo thời gian học thực tế, người lao động được hỗ trợ mức phí không quá 1,5 triệu đồng/tháng.
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ an sinh nhằm bù đắp một phần cho người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Trong 3 tháng tính từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thành để làm thủ tục.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng.
Thời gian hưởng tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, đóng đủ 12-36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; đóng thêm đủ 12 tháng được hưởng thêm một tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng.