DNews

Thoát "ma men" nhờ… vợ dụ dỗ đi học lúc nửa đêm

Thúy Diễm

(Dân trí) - Từ ngày được học lớp xóa mù chữ, hàng chục người dân ở bon Jun Júh (xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) đổi thay tích cực, có người còn bỏ được thói quen uống rượu, làm kinh tế giỏi.

Thoát "ma men" nhờ… vợ dụ dỗ đi học lúc nửa đêm

Thuyết phục chồng đi học lớp xóa mù để… cai rượu

Đều đặn mỗi tối từ thứ 2 đến thứ 6, sau bữa cơm, vợ chồng ông Y Ven (60 tuổi) và bà H'Phon (47 tuổi) lại gom sách vở vào chiếc túi thổ cẩm, xách đèn pin lội bộ hơn 2km đến điểm trường Tiểu học Bùi Thị Xuân để học chữ.

Trước đây, mỗi buổi tối, ông Y Ven thường tụ họp với một vài đàn ông trong buôn mua rượu nhậu đến gần nửa đêm mới về nhà. Dù vợ khuyên bảo nhiều lần nhưng khi mặt trời lặn, ông lại xách rượu đi tìm bạn như một thói quen khó bỏ.

Thoát ma men nhờ… vợ dụ dỗ đi học lúc nửa đêm - 1

Ông Y Ven bỏ được rượu từ khi theo học lớp học xóa mù (Ảnh: Thúy Diễm).

Hè năm 2023, điểm trường Tiểu học Bùi Thị Xuân mở lớp xóa mù chữ cho đồng bào M'Nông ở bon Jun Júh. Nghe dân làng truyền tai nhau về lớp học dạy chữ miễn phí, bà H'Phon liền tới trường đăng ký học.

Lâu nay, bà H'Phon khốn khổ khi không biết chữ, đi làm giấy tờ tại xã rất khó khăn khi không thể ký tên mà chỉ biết điểm chỉ… Khát khao được biết chữ là mong ước bấy lâu nay của người phụ nữ cận kề tuổi 50.

Không chỉ đăng ký cho bản thân, bà H'Phon còn đăng ký cho cả chồng và về nhà thuyết phục bằng được chồng đi học nhằm bớt việc uống rượu.

Ban đầu, bà H'Phon lo người chồng chỉ tham gia một, hai bữa ở lớp là bỏ hẳn… quay về với bạn nhậu. Nhưng từ ngày quen lớp, quen cô giáo, mặt chữ, ông Y Ven bỗng "thay tính đổi nết" đam mê con chữ khiến người vợ đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Giờ đây, vợ chồng đều đặn đến lớp, về nhà lúc rảnh rỗi lại dò bài cho nhau, chỉ cho nhau cách học tiếng Việt, cách làm toán nhanh nhất. 

"Chồng tôi giờ bỏ dần được rượu, lo học con chữ, chăm làm ăn hơn trước, cả nhà tôi mừng lắm", bà H'Phon khoe.

Thoát ma men nhờ… vợ dụ dỗ đi học lúc nửa đêm - 2

Lớp học xóa mù chữ cho đồng bào M'Nông tại bon Jun Júh được mở hơn 1 năm nay (Ảnh: Thúy Diễm).

Từ khi lớp học xóa mù chữ được khai giảng, 27 người M'Nông đã hăng hái đăng ký học. Sau khi hoàn thành lớp 1, nhà trường đang dạy tiếp chương trình lớp 2.

Là lớp trưởng của lớp xóa mù chữ, anh Y Hội (35 tuổi) cho biết, hầu hết bà con học trong lớp đều là nông dân nghèo, lao động tự do… Ban ngày, mọi người đều đi làm miệt mài trên nương rẫy, tối mới tranh thủ đến lớp.

"Bà con do tay chỉ quen cầm cuốc, cầm xẻng nên việc cầm bút rất khó, kèm theo tuổi cao, mắt kém, khả năng tiếp thu chậm… ban đầu nhiều người rất nản và có ý định bỏ ngang lớp học. Trước sự nhiệt tình của cô giáo, nhẹ nhàng chỉ cho từng người, ai nấy đều tự tin, quyết tâm và kiên trì bám lớp", anh Y Hội chia sẻ.

Thoát ma men nhờ… vợ dụ dỗ đi học lúc nửa đêm - 3

Anh Y Hội nói thêm bà con không chỉ được đi học miễn phí, còn được hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập, được tặng quà vào các dịp lễ, Tết nên ai nấy đều phấn khởi khi được sự quan tâm từ chính quyền và các thầy cô giáo.

"Nhờ biết chữ, bà con tự tin trong giao tiếp, trong công việc và học được cách chăm bón cây trồng, phát triển kinh tế", anh Y Hội nói thêm.

Hiện thực ước mơ biết chữ

Chị H'Ngum (24 tuổi) nhớ mãi năm chị đang học lớp 2, nhà nghèo, con cái đông, bố mẹ đưa chị vào ở hẳn nhà trong rẫy để chăm sóc cho 2 em nhỏ để bố mẹ đi làm.

Bị bố mẹ bắt nghỉ học giữa chừng, chị H'Ngum khóc sưng mắt mấy ngày liền, bỏ ăn uống năn nỉ nhưng bố mẹ vẫn không thể cho đi học do nhà nghèo. Thất học, lớn lên, đi đâu chị H'Ngum cũng rất tự ti vì không biết đọc, biết viết.

Thoát ma men nhờ… vợ dụ dỗ đi học lúc nửa đêm - 4

Mỗi đêm, người dân của bon Jun Júh mang đèn pin lội bộ đến điểm trường tìm con chữ (Ảnh: Thúy Diễm).

Sau khi tham gia lớp học xóa mù chữ, đến nay, chị H'Ngum tự tin đọc viết, có thể về chỉ bài học cho các con nhỏ của mình. "Mừng quá, tôi dùng tiền tiết kiệm bấy lâu nay mua chiếc smart phone để sử dụng do đã biết chữ", chị H'Ngum cười nói.

Hớt hải bế con gái 3 tuổi chạy vội vào lớp do đi học muộn 15 phút, vợ chồng anh Y Suah Bkrông (37 tuổi) phân trần với cả lớp do hôm nay đi làm thuê về trễ, nấu ăn muộn nên không đi học đúng giờ. Ở nhà không ai trông con, vợ chồng anh đành địu bé đến lớp suốt mấy tháng nay.

"Không biết chữ là không dạy cho con cái được nên vợ chồng mình dù đi làm về có mệt cũng ráng đi học đầy đủ, cố gắng học đến lớp 5 rồi tốt nghiệp luôn", anh Y Suah Bkrông quyết tâm.

Thoát ma men nhờ… vợ dụ dỗ đi học lúc nửa đêm - 5

Không có người trông con nhưng vì hiếu học người dân đưa cả con cái tới lớp học (Ảnh: Thúy Diễm).

Trực tiếp gắn bó với lớp học xóa mù, cô giáo Lê Thị Liên (40 tuổi) không quên những kỷ niệm ngày đầu nhận lớp. 

"Thú thực là ban đầu bản thân tôi cũng có lúc nản vì điều kiện đi lại vất vả quá. Nhưng đến lớp, thấy các học viên bằng tuổi cha mẹ mình vẫn quyết tâm học bằng được cái chữ, tôi lại không cho phép mình bỏ cuộc mà phải cố gắng dạy lớp đến khi hoàn thành chương trình", cô giáo Liên nói.

Thoát ma men nhờ… vợ dụ dỗ đi học lúc nửa đêm - 6

Cô giáo Liên tận tụy chỉ dạy cho từng học viên (Ảnh: Thúy Diễm).

Cô giáo Liên xúc động khi những người đồng bào M'Nông ban ngày đi làm vất vả, đến đêm lại xách đèn pin lội bộ 2-3km đến trường. Thậm chí, do vội vàng nhiều người còn chưa kịp tắm rửa, đến lớp với đôi bàn tay còn lấm lem bùn đất.

Nếu phát hiện học viên nghỉ quá 2 ngày, cô giáo Liên sẽ trực tiếp đến nhà để hỏi lý do, vận động quay về lớp học. 

Thoát ma men nhờ… vợ dụ dỗ đi học lúc nửa đêm - 7
Thoát ma men nhờ… vợ dụ dỗ đi học lúc nửa đêm - 8

Sau vài tháng theo học, các học viên đã tự đọc, tự viết và tính toán cơ bản khiến cô giáo Liên càng có động lực bám trụ với lớp học đặc biệt này.

Chia tay lớp học xóa mù chữ bon Jun Júh, tiếng cô giáo Liên giảng bài, tiếng cười nói giòn tan, tiếng ngân nga đọc bài của bà con như xé tan màn đêm tĩnh mịch của bon nghèo.

Được biết, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện Đắk Mil đã tổ chức 37 lớp học xóa mù dạy cho trên 800 học viên chủ yếu là đồng bào dân tộc tại các thôn, bon khó khăn.

Ngành giáo dục đánh giá cao trách nhiệm của các thầy cô không quản những khó khăn khi nhận giảng dạy các lớp xóa mù chữ, nhiệt tình vận động người dân đến các lớp học miễn phí. Những lớp học xóa mù chữ đã và đang được ngành giáo dục huyện tiếp tục triển khai, đem con chữ đến bà con vùng khó và phát huy tinh thần hiếu học của bà con nhân dân vùng sâu vùng xa.
Ông Trần Văn Vượng Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Mil