Sự dung túng của người lớn vụ nhóm thiếu niên đua xe tông cô gái chờ đèn đỏ
(Dân trí) - Liên quan đến sự việc nhóm "quái xế" tông tử vong cô gái dừng chờ đèn đỏ ở Hà Nội, đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, nếu không có sự dung túng của phụ huynh, sao con em có phương tiện ra đường?
Hai cú tông xe định mệnh của đoàn "quái xế" tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khiến chị N.Q.H. (27 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng) ra đi vĩnh viễn vào rạng sáng 3/11.
Đến nay, Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, đã khởi tố vụ án, tạm giữ 10 nghi phạm để điều tra về vụ tai nạn.
Hành vi vi phạm pháp luật của nhóm thiếu niên chạy xe sẽ được xử lý thích đáng. Tuy nhiên, hậu quả khủng khiếp do nhóm "quái xế" gây ra thì không thể khắc phục, sửa chữa được. Cô gái đã phải bỏ mạng bởi những hành vi ngông cuồng, đua xe của những thanh thiếu niên này.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về các vấn đề đặt ra, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, ngoài vấn đề ý thức kém của một bộ phận thanh niên, khi sự việc xảy ra, dư luận còn bức xúc với thái độ của những phụ huynh trốn tránh trách nhiệm, đổ tại con tự ý lấy xe đi ra đường.
"Nếu không có sự dung túng của người lớn thì sao con cái có phương tiện ra đường rồi gây họa thế được? Thực tế, trong nhiều vụ việc, vấn đề chế tài áp dụng với cha mẹ, người giám hộ của thanh thiếu niên vi phạm cũng gặp khó khăn. Trường hợp này chỉ có cách là tịch thu xe, phạt thật nặng", ông Hòa nói.
Ông Hòa khẳng định, thanh thiếu niên là đối tượng cần bảo vệ, tránh hết mức việc trừng phạt, thể hiện tính nhân văn của pháp luật. Song, với những đối tượng manh động, thể hiện sự ngông cuồng, coi thường pháp luật và tính mạng người khác, theo ông Hòa, cần xem xét trách nhiệm một cách nghiêm khắc.
"Những đối tượng gây tai nạn giao thông, đánh người gây thương tích... là thể hiện ý thức, lối sống kém lành mạnh, phải xử lý thật nghiêm", ông Hòa quả quyết.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - thì nhận định, pháp luật có quy định cụ thể với những trường hợp này. Vì vậy, điều quan trọng nhất là thực hiện nghiêm các quy định, chế tài xử lý với việc bố mẹ giao xe cho con em chưa đủ tuổi điều khiển.
Ông Hạ chỉ rõ, xe là tài sản của bố mẹ. Chính do nhận thức chưa đúng, chưa thực hiện hết trách nhiệm của phụ huynh dẫn đến những sự việc đau lòng.
"Quy định pháp luật đã có thì phải chấp hành, xử lý thật nghiêm. Cơ quan quản lý cũng nên xây dựng chế tài tăng nặng với những trường hợp bố mẹ cố tình vi phạm, giao xe cho con chưa đủ điều kiện điều khiển.
Với những trường hợp vi phạm cụ thể, ngoài xử lý trách nhiệm của bố mẹ thì có thể áp dụng chế tài nghiêm khắc như tịch thu xe để đủ tính răn đe", ông Hạ đề nghị tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nhất là với đối tượng học sinh THPT về vấn đề này.
Theo cơ quan chức năng, rạng sáng 3/11, chị N.N.Q. điều khiển xe máy dừng đỗ chờ đèn đỏ ở ngã tư trên, hướng từ Ga Hà Nội đi Bệnh viện 108.
Lúc này, đoàn gồm 20-30 xe máy đi chiều ngược lại trên phố Trần Hưng Đạo, lao tới với tốc độ nhanh.
Tại cơ quan công an các đối tượng đã khai nhận, N.H.N. (19 tuổi) lái một xe chở N.P.A. (19 tuổi), đã tông vào chị Q. khiến nạn nhân ngã ra đường.
N.T.M.K. (16 tuổi) chở L.Đ.C. (16 tuổi) chạy cùng đoàn, nhưng ở phía sau, đã tiếp tục đâm vào người chị Q. Sau va chạm, cả N., P.A., K., C. ngã ra đường. Chị Q. tử vong tại chỗ.