"Quán ăn" 0 đồng của nhóm người thân… chẳng biết tên nhau
(Dân trí) - Hằng tuần, "quán ăn" 0 đồng ở TPHCM lại đông nghịt. "Quán" thực tế là một góc hè đường dành cho bất cứ ai muốn dừng chân. Thực khách là người lao động khó khăn, và cả người có điều kiện...
Khách sang, hèn, ai cần đều được phục vụ
19h, nhiều người lao động chuyên mưu sinh đêm lại tụ về góc đường Phạm Ngũ Lão - Cống Quỳnh (quận 1, TPHCM). Không lâu sau, một chiếc xe ô tô chạy đến, tình nguyện viên trên xe khệ nệ cùng nhau bưng xuống nào nồi, chảo, bếp ga, các nguyên liệu nấu ăn.
Chưa đầy 10 phút, có hơn 10 tình nguyện viên khác chạy xe máy đến. Không ai chỉ đạo, không ai lệnh cho ai câu nào mà cứ mỗi người tự lo một việc, cùng chuẩn bị "quầy bếp ngoài trời".
Đặt tấm biển "mì gõ 0 đồng" xuống lề đường, anh Trần Thanh Long (43 tuổi, trưởng nhóm thiện nguyện Nhất Tâm) nói to thông báo: "Bà con ơi, hôm nay mình không ăn mì gõ, mình ăn bánh mì chảo nha!".
Nhiều thực khách thích thú tiến đến, đứng xếp hàng trước "quầy bếp", nhiều người tỏ vẻ lúng túng, ngại ngùng. Nhanh chóng, nhân viên "quán ăn" hướng dẫn từng tốp đi vào bàn, nhận thông tin gọi món rồi bê mâm phục vụ thực khách.
Một lát sau, dãy bàn ghế kê tạm trên hè phố chật kín người ngồi. Nhiều thực khách vui vẻ, lót giấy bìa ngồi xuống đất để nhận suất ăn.
Nhai vội miếng bánh mì trước khi tiếp tục hành trình mưu sinh về đêm, ông Thắng (55 tuổi), làm nghề bán vé số dạo cho hay, bản thân ông thấy vui, ấm áp với những bữa ăn tại "quán".
"Cơm tối vì sợ tốn tiền nên tôi chẳng dám mua thức ăn ngon. Thỉnh thoảng có ai đi phát cơm từ thiện thì tôi đến xin một phần, nhưng đâu phải ngày nào cũng có. Ở "quán" Nhất Tâm được ăn món ngon thế này, tôi cũng có động lực hơn cho "ca" làm đêm", ông Thắng cười nói.
Thành viên nhóm vận hành bếp Trần Thành Long chia sẻ, "quán" của nhóm được mở mỗi tối thứ 6 và thứ 7 hằng tuần, lần lượt phục vụ bánh mì chảo và mì gõ. "Quán ăn" 0 đồng chỉ là một trong những chương trình thiện nguyện nhóm Nhất Tâm tổ chức trong nhiều năm hoạt động.
Kinh phí để hoạt động của nhóm nhận từ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Đối với "quán ăn" 0 đồng, nhóm trích ra 5-6 triệu đồng/buổi tối để chuẩn bị nguyên liệu, phục vụ bà con. Đến nay, mì gõ 0 đồng đã hoạt động được hơn 5 tháng.
"Trước đó, tôi thấy có nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện lái xe máy, đi vòng thành phố phát thức ăn miễn phí cho người vô gia cư. Tuy nhiên, tôi nhận ra có nhiều người chỉ nhận phần ăn cho có rồi bỏ đi, rất lãng phí.
Vậy nên tôi nảy ra ý tưởng cùng cả nhóm mở "quán ăn" 0 đồng ngay trên đường phố, để những người thật sự có nhu cầu tự tìm đến. Không những vậy, không khí cùng ngồi ăn với nhau giúp người lao động cảm thấy thoải mái, vui vẻ hơn", anh Long chia sẻ.
Những "nhân viên" chẳng biết tên nhau
"Em ơi, em ăn gì vào bàn ngồi đi, chị mang đến cho!", một tình nguyện viên nói.
"Dạ không chị, em cũng là tình nguyện viên", cô gái đối diện đáp lời.
Nói xong, cả hai gật đầu, mỉm cười với nhau rồi vội vàng tiếp tục công việc.
Anh Long cho hay "nhân viên" của quán đến từ khắp nơi, chỉ 5 người là thành viên cố định của nhóm Nhất Tâm biết nhau. Như tối hôm nay, hơn 10 nhân viên còn lại là tình nguyện viên tự do. Mỗi khi "quán" hoạt động, ai có thời gian thì chủ động đến phụ giúp.
"Tôi không phân việc cho bất kỳ ai. Các bạn cảm thấy giúp được gì thì sẽ xắn tay áo cùng làm. Có một người đứng ra chỉ huy hay tâm lí bị sai khiến, những người chẳng quen biết nhau thường sẽ thấy khó chịu.
Tôi cũng không ghi danh sách tình nguyện viên, ai muốn tham gia, bếp chào đón. Vậy nên thường là bản thân tôi và các tình nguyện viên không biết, không nhớ nổi tên nhau", anh Long giải thích.
Anh Long chia sẻ thêm, thời gian đầu, nhóm gặp nhiều khó khăn trong việc tìm địa điểm mở "quán". Hơn nữa, có nhiều thực khách còn gay gắt ném thức ăn vào người các tình nguyện viên khi không hài lòng. Đáp lại, cả nhóm vẫn mỉm cười, cho qua.
"Những trở ngại, thách thức ban đầu phải vượt qua đó tạo nên động lực và kỷ niệm đẹp cho cả nhóm. Khi trời mưa, chúng tôi còn cầm dù, căng áo mưa đứng che cho thực khách. Lúc đó ai cũng ướt nhẹp, nhưng đổi lại là niềm hạnh phúc", anh Long nói.
Trong quá trình hoạt động, anh từng chứng kiến nhiều hoàn cảnh đáng thương nhưng cũng không ít người có điều kiện tìm đến "quán".
"Những vị khách không thiếu tiền đó chia sẻ, khoảnh khắc được ngồi ăn cùng những người ở đây, trong cảnh nhộn nhịp của đường phố về đêm, là cảm giác hạnh phúc nhất mà dù bỏ tiền ra vẫn không mua được. Sau những bữa ăn đó, những vị khách có điều kiện đều quay lại ủng hộ tiền, trứng, thịt để "quán" nối dài những buổi phục vụ", nam trưởng nhóm kể.
Anh Long và các tình nguyện viên tâm niệm, làm công việc này, mỗi người không phải đang cho đi mà là nhận về nhiều thứ. Niềm vui, hạnh phúc khi giúp đỡ được ai đó bằng cả tấm lòng là trải nghiệm đáng quý với mỗi người.
Bà Nguyễn Thị Nga (tình nguyện viên 60 tuổi) cho hay gần đây, bà còn hủy hẹn đi chơi với chồng trong ngày 8/3 để tham gia phục vụ tại "quán" mì gõ 0 đồng.
Lâu nay, chồng bà đã trở thành người đưa đón vợ đến "quán" mỗi khi đến "phiên làm việc" của bà.
"Gia đình rất ủng hộ tôi làm công việc này. Tôi đã lớn tuổi nhưng mỗi tối tất bật ở đây lại không thấy mệt chút nào, về nhà lại ngủ rất ngon. Tôi chưa từng thấy lúc nào vui, thấy cuộc sống ý nghĩa như vậy", bà Nga phấn khởi.
Anh Thuận (38 tuổi), tài xế xe công nghệ, bộc bạch, dù phải làm việc hơn 10 giờ mỗi ngày, anh vẫn tranh thủ thời gian đến "quán" làm tình nguyện viên.
"Công việc dạo này không được suôn sẻ, thu nhập giảm nên cuộc sống của tôi cũng rất căng. Nhưng thay vì dành thời gian buồn bã ở phòng trọ, tôi ra đây để giúp mọi người một tay. Nhờ vậy mà những suy nghĩ, cảm giác tiêu cực trong tôi cũng được xoa dịu, bản thân thấy tự giải tỏa được nhiều áp lực, tinh thần nhẹ nhàng, cân bằng hơn", anh Thuận bộc bạch.