DNews

Ông bố chịu tiếng bán con, mong "tộc người ngủ ngồi" vượt khỏi rừng sâu

Hoàng Lam

(Dân trí) - "Có người nói tôi bán con, nhưng tôi không sợ. Tôi phải cho con đi làm việc ở nước ngoài để làm gương cho dân bản. Có vượt ra khỏi rừng sâu thì người Đan Lai mới hết khổ", ông La Văn Linh tâm sự.

Ông bố chịu tiếng bán con, mong "tộc người ngủ ngồi" vượt khỏi rừng sâu

Người Đan Lai đầu tiên "xuất ngoại"

Trầy trật hơn 1 tiếng đồng hồ cho quãng đường hơn 18km từ trung tâm xã Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An), chúng tôi có mặt tại bản Cò Phạt - nơi sinh sống của đồng bào Đan Lai.

Người Đan Lai còn được biết đến với cái tên "tộc người ngủ ngồi", gắn với lịch sử hình thành và cuộc sống trong cảnh trốn chạy kẻ thù. Cái tên gợi lên sự lạc hậu và nghèo khó của một cộng đồng nhỏ nằm sâu trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An).

Trái với lần đầu tiên có mặt ở đây 8 năm trước, tôi ngạc nhiên trước cuộc sống đổi thay của đồng bào Đan Lai ở bản Cò Phạt. Trong bản đã thấp thoáng những ngôi nhà xây kiên cố, điểm trường với dãy nhà 2 tầng đang trong quá trình hoàn thiện. Căn nhà của Bí thư Chi bộ La Văn Linh có lẽ là to đẹp nhất bản với cổng đổ trụ bê tông, cửa sắt, nhà mái tôn, tường kính.

Ông bố chịu tiếng bán con, mong tộc người ngủ ngồi vượt khỏi rừng sâu - 1

Chị La Thị Sài, người Đan Lai đầu tiên ở 2 bản Cò Phạt, Khe Búng đi làm việc ở nước ngoài (Ảnh: Hoàng Lam).

"Bố đi họp ngoài xã rồi, chắc sắp về đấy", một người phụ nữ trả lời khi chúng tôi gọi cửa. Hỏi ra mới biết chị là La Thị Sài (35 tuổi, con gái của ông La Văn Linh). Chị Sài không phải là người Đan Lai đầu tiên vượt ra khỏi dãy núi cao miền biên viễn này, nhưng chị là người Đan Lai đầu tiên ở xã biên giới Môn Sơn "xuất ngoại".

Người Đan Lai quẩn quanh trong rừng sâu, sống qua ngày bằng trồng lúa, làm rẫy và bắt cá trên sông Giăng. Dù đã được nhà nước hết sức quan tâm nhưng người Đan Lai vẫn nghèo lắm. Nghèo đói, lạc hậu, rồi hôn nhân cận huyết như cái "vòng kim cô", siết chặt lấy tộc người này.

Cùng với việc di dời đồng bào Đan Lai ở đầu nguồn Khe Khặng ra các khu tái định cư ở trung tâm xã Môn Sơn hay xã Thạch Ngàn (Con Cuông), nhiều chương trình, đề án nhằm bảo tồn, phát triển tộc người Đan Lai đã được triển khai, trong đó có chương trình hỗ trợ đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Đồng bào Đan Lai tham gia chương trình đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ học nghề, giáo dục định hướng, hỗ trợ vay vốn từ doanh nghiệp.

Người đàn ông chịu tiếng "bán con", mong đồng bào Đan Lai hết khổ (Video: Hoàng Lam).

Năm 2016, chị Sài là 1 trong 5 người Đan Lai đầu tiên ở Môn Sơn đăng ký đi nước Arab Saudi theo hợp đồng làm giúp việc gia đình.

"Phải xuống thành phố Vinh học, được 2 hôm thì 3 chị bỏ về, còn tôi và một chị nữa. Lúc đó nhớ con lắm, muốn bỏ hết mà về với con thôi nhưng kìm lòng được. Học gần xong thì chị kia xin về thăm con rồi không quay lại nữa, chỉ mình tôi xuất cảnh sang Arab Saudi", chị Sài kể.

Chưa đi đâu xa khỏi bản làng, lại một thân một mình sang xứ người, chị Sài lo lắm. Chị lo cảnh xa nhà, bất đồng ngôn ngữ, khác biệt lối sống, bản thân mình không thích nghi được.

Ông bố chịu tiếng bán con, mong tộc người ngủ ngồi vượt khỏi rừng sâu - 2

Căn nhà của ông La Văn Linh to đẹp nhất bản, nhờ thành quả lao động của 2 người con đi làm việc ở nước ngoài gửi về (Ảnh: Hoàng Lam).

"Tôi nhớ nhà, nhớ con. Tôi cũng nghe kể một số người đi giúp việc bị nhà chủ bạo hành nọ kia nhưng không sợ. Tôi nghĩ nếu mình chăm chỉ làm việc và ngoan, mọi người cũng sẽ yêu quý mình thôi. Với lại mình bước chân đi rồi, bỏ về thì xấu hổ với mọi người lắm", chị Sài nhớ lại.

Chị Sài được nhận vào giúp việc một gia đình theo đạo Hồi, bởi vậy chị phải trùm khăn kín mít và không được tiếp xúc riêng với đàn ông trong nhà. Gia đình chủ nhà tôn trọng thói quen sinh hoạt của chị và chỉ dạy chị tỉ mỉ về công việc phải làm. Mỗi tuần, ông bà chủ đều gọi điện về Việt Nam để chị được trò chuyện với người thân. Đến ngày nhận lương, đích thân ông bà chủ dẫn chị đến ngân hàng, làm thủ tục giúp.

"Thời điểm tôi đi lao động ở Arab Saudi, kinh phí do công ty ứng trước, trừ dần vào lương. Lương thực nhận của tôi là 9 triệu đồng/tháng. Đó là con số rất lớn so với thu nhập của đại bộ phận đồng bào Đan Lai lúc ấy. Số tiền này tôi gửi cho bố mẹ nuôi cháu, sửa sang nhà cửa, mua trâu bò để nuôi và tích lũy cho cuộc sống sau trở về", chị Sài kể tiếp.

Sau thời hạn 2 năm theo hợp đồng, chị Sài ở lại thêm 1 tháng nữa theo yêu cầu của chủ nhà rồi trở về nước. Số tiền tích lũy trong quá trình làm việc ở nước ngoài giúp chị ổn định cuộc sống. Chị dự tính khi cô con gái thứ 2 cứng cáp, với số vốn hiện có, sẽ mở một tiệm tạp hóa để kinh doanh và mua lợn giống để chăn nuôi.

Chịu tiếng "bán con", mong đồng bào Đan Lai thoát đói nghèo

Cơn mưa rừng vừa dứt, ông La Văn Linh cũng vừa tới nơi, quần xắn đến gối, chân lấm lem đất. "Đường hỏng nhiều quá. Nhà nước làm cho cái đường sớm thì bà con Đan Lai trong này mới nhanh hết khổ", ông Linh cười khi gặp chúng tôi.

Vừa nghe chúng tôi hỏi chuyện cho con đi lao động ở nước ngoài, ông Linh cười: "Thế mà người ta bảo tôi bán con đấy". 

Người Đan Lai ít khi đi đâu khỏi bản làng mình. Họ quanh quẩn quanh bờ suối, rẫy ngô, rẫy lúa. Bởi vậy, dù được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài, người Đan Lai ở 2 bản Cò Phạt và Khe Búng, nơi tận cùng dòng Khe Khặng này không dám vượt qua nỗi sợ cố hữu của mình.

Ông bố chịu tiếng bán con, mong tộc người ngủ ngồi vượt khỏi rừng sâu - 3

Ông La Văn Linh từng phải chịu tiếng "bán con" khi tiên phong động viên các con ra nước ngoài làm việc (Ảnh: Hoàng Lam).

"Không ai dám đi thì tôi phải cho con đi trước để làm gương. Tôi đưa con gái lớn vào miền Nam làm công nhân, rồi động viên Sài đi nước ngoài. Mình phải đi xa ngọn núi, đi xa hơn dòng Khe Khặng này để hòa nhập với thế giới bên ngoài, phải đi ra các nước nữa. Phải đi mới mong thoát cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu chứ", ông La Văn Linh nói.

Cô con gái La Thị Sài đi Arab Saudi, rồi cậu con trai La Văn Thái cũng được ông động viên đi Malaysia làm việc. Dân bản kháo nhau "ông Linh bán con đấy". Nghe vậy nhưng ông Linh chẳng buồn.

"Người Đan Lai chưa đi đâu xa, nên cái suy nghĩ chưa được tiến bộ. Mọi người chưa hiểu thì bố phải giải thích. Rồi các con gửi tài khoản về (gửi tiền về), tôi sửa sang nhà cửa, mua thêm 2 con trâu để nuôi. Cuối tuần các con gọi điện về trò chuyện nữa. Bà con trong bản lúc đó mới tin là các con tôi đi làm ăn ở nước ngoài, không ai còn nói tôi bán con nữa", ông Linh nhớ lại.

Ông vui mừng hơn cả là sau khi con trai, con gái mình "xuất ngoại", trong bản có 13 thanh niên cũng ra nước ngoài làm việc, có thu nhập đáng kể giúp đỡ gia đình và tích lũy được đồng vốn để phát triển kinh tế khi trở về.

Ông bố chịu tiếng bán con, mong tộc người ngủ ngồi vượt khỏi rừng sâu - 4

Ông La Văn Linh trò chuyện với phóng viên Dân trí (Ảnh: Vĩnh Khang).

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông La Văn Linh nhiều lần nhắc tới việc người Đan Lai cần phải đi ra bên ngoài, để tìm con đường thoát khỏi đói nghèo. Ông bảo, cứ quanh quẩn trong bản, rồi hôn nhân cận huyết, nòi giống của người Đan Lai sẽ ngày càng suy giảm. Đi ra khỏi dãy núi này, không chỉ là tìm kiếm công việc có thu nhập mà là cách để người Đan Lai giao lưu với các dân tộc bạn, rồi kết hôn, sinh con đẻ cái, xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết...

Tiên phong thoát nghèo

Bí thư chi bộ La Văn Linh dẫn tôi đi thăm con đường đổ bê tông, kéo dài hơn 2km, dọc trục "xương sống" của bản. "Đường rộng 4m, đủ cho ô tô chạy. Giờ trong bản chưa có ô tô nhưng sau này, sẽ có ngày dân bản ta mua được ô tô chứ", ông Linh cười rạng rỡ.

Ông gọi đây là "đường Nhà nước", bởi lẽ nó nằm trong dự án nâng cấp đường giao thông từ trung tâm xã qua bản Cò Phạt đến bản Khe Búng - bản xa nhất của người Đan Lai sinh sống. Để hoàn thành con đường nội bản, ngoài nhà nước hỗ trợ vật liệu, kinh phí, nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất, thậm chí dỡ một phần nhà để mở rộng đường.

Ông bố chịu tiếng bán con, mong tộc người ngủ ngồi vượt khỏi rừng sâu - 5

Được tôn vinh "Người uy tín tiêu biểu khu vực biên giới" là niềm động viên lớn đối với Bí thư chi bộ Đan Lai La Văn Linh (Ảnh: Hoàng Lam).

Căn nhà sàn to đẹp của hộ ông La Văn Kinh nằm hẳn một phần trên lòng đường khi con đường mở rộng ra 4m theo thiết kế. Đây cũng chính là "điểm nghẽn" của công trình này.

"Lúc đầu, ông Kinh còn phân vân lắm. Cũng đúng thôi, cả căn nhà to như thế, nếu dỡ ra thì tiếc lắm. Nhưng nhà nước làm cho con đường to đẹp, cũng là vì đồng bào ta, mong cho người Đan Lai thoát nghèo, đồng bào ta cũng phải góp phần vào chứ.

Được chi bộ, Ban mặt trận thôn giải thích, vận động ông Kinh đồng ý dỡ nhà, lùi vào phía trong, nhường đất để mở rộng đường. Việc chuẩn bị mặt bằng để lùi nhà cũng tốn kém nhưng ông Kinh không đòi hỏi gì cả", ông La Văn Linh kể.

Ông Linh kỳ vọng, khi con đường từ bản Khe Búng ra trung tâm xã được nâng cấp, người Đan Lai ở đây sẽ không còn bị cô lập giữa đại ngàn, cuộc sống sẽ vì thế mà ngày càng phát triển, không còn hộ đói, hộ nghèo nữa.

Ông bố chịu tiếng bán con, mong tộc người ngủ ngồi vượt khỏi rừng sâu - 6

Đường bê tông dài 2km, rộng 4m nội bản Cò Phạt đã được xây dựng từ nguồn kinh phí của nhà nước và nhân dân hiến đất, hiến nhà (Ảnh: Hoàng Lam).

Bản Cò Phạt có 119 hộ dân thì có 117 hộ nghèo. Một trong 2 hộ vừa thoát nghèo, có gia đình ông Bí thư chi bộ La Văn Linh.

"Cuối năm 2023, tôi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Các con đã lớn, biết đi làm ăn rồi. Vợ chồng tôi trồng được lúa nước, nuôi thêm con trâu, con bò, tôi lại là đảng viên, Bí thư chi bộ, thì phải làm gương cho bà con, không thể cứ ỷ mãi vào Nhà nước được", ông Linh lý giải.

Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn, ông La Văn Linh là người có uy tín cao trong cộng đồng người Đan Lai, từng trải qua nhiều vị trí khác nhau trước khi trở thành Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt trong 4 nhiệm kỳ vừa qua.

Ông Linh cũng là người tiên phong đổi mới, đưa người Đan Lai hội nhập với bên ngoài. Tháng 6 vừa rồi, ông La Văn Linh là 1 trong 200 người trong toàn quốc được tôn vinh Người uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, hải đảo, là "Điểm tựa của bản làng".